Triển vọng sản xuất mô tô bay tại Việt Nam

(PLO)- Nhiều nước đã sản xuất, thử nghiệm các phương tiện bay cá nhân với tên gọi như mô tô bay, ô tô bay và Việt Nam cũng bắt đầu quan tâm lĩnh vực này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mô tô bay là một loại hình vận chuyển cá nhân lẫn hành khách còn mới mẻ không chỉ tại Việt Nam (VN) mà cả trên thế giới. Các chuyên gia và cơ quan quản lý cho rằng lợi ích từ các phương tiện bay cá nhân mang lại là rất lớn, tuy nhiên cần lộ trình dài để thử nghiệm, xây dựng hạ tầng, hành lang pháp lý trước khi cấp phép hoạt động khai thác.

Mẫu mô tô bay được giới thiệu tại Triển lãm Vietnam Motor Show 2022. Ảnh: Q.HUY

Mẫu mô tô bay được giới thiệu tại Triển lãm Vietnam Motor Show 2022. Ảnh: Q.HUY

Mô tô bay “made in Vietnam”: Nhiều cơ hội

Mới đây, tại Triển lãm Vietnam Motor Show 2022, một công ty công nghệ của VN là Airlios đã mang tới trình diễn một số mẫu thiết bị bay cá nhân được gọi là mô tô bay do chính doanh nghiệp này thiết kế và chế tạo.

Theo giới thiệu của công ty, mô tô bay đã bay thử nghiệm hơn 100 giờ và di chuyển với tổng quãng đường 1.000 km tại khu vực an toàn. Phương tiện bay được cấu thành từ hai vật liệu chính là hợp kim nhôm và sợi carbon, cánh quạt làm bằng gỗ, phủ carbon bên ngoài. Thiết bị vận hành nhờ tám động cơ, nguồn năng lượng đến từ pin lithium-ion và một nguồn điện dự phòng với thiết lập pin kép. Trong trường hợp một động cơ nào đó gặp lỗi hoặc hỏng, mô tô bay vẫn hoạt động bình thường rồi tự tìm chỗ đáp gần và nhanh nhất.

“Mô tô vận hành bằng hai cách, một là người lái trực tiếp điều khiển và hai là lái tự động. Người cầm lái phải trải qua khóa đào tạo của Airlios. Nếu chọn lái tự động thì người dùng lựa chọn điểm đến và mô tô sẽ bay theo lịch trình đã được mã hóa, đăng ký và giám sát để đảm bảo an toàn” - đại diện công ty này chia sẻ.

Sản phẩm này tương lai có thể sẽ phổ biến vì sự hữu dụng của nó nhưng cần một quá trình dài để thử nghiệm, đánh giá.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết về pháp lý hiện chưa có nhiều quy định liên quan đến dòng sản phẩm mô tô bay tại VN. Pháp lý hàng không của VN thường dùng cho những phương tiện đã được ứng dụng thực tế chứ chưa có quy định đi trước. Lĩnh vực này các nước phát triển đã đi trước và VN nên tham khảo để có quy định phù hợp.

Ông Tống hoan nghênh ý tưởng của Airlios và nhận định loại hình này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, việc di chuyển trên không sẽ hỗ trợ cả trong TP. Tuy nhiên, sản phẩm này rất kén khách hàng, chưa kể về mặt giao thông phải lưu ý nhiều, nếu sử dụng tràn lan sẽ mất an toàn.

“Nhà nước cũng phải xem xét đưa ra những quy định pháp luật về loại hình này. Ví dụ như kiểm định mô tô bay đủ điều kiện an toàn bay hay không và kiểm tra định kỳ” - ông Tống góp ý.

Phương tiện bay cá nhân của Airlios dự kiến sẽ chào bán với mức giá khoảng 2,2-2,4 tỉ đồng. Với phiên bản tiêu chuẩn, mô tô bay “made in Vietnam” có chiều dài 1,9 m, cao 1,15 m và sải cánh 2 m. Trọng lượng tĩnh 220 kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 320 kg, tải trọng đạt 100 kg. Mô tô bay chỉ có một chỗ ngồi. Quãng đường bay tối đa 33 km, tốc độ tối đa
100 km/giờ và thời lượng bay tối đa 20 phút. Độ cao bay dưới 120 m. Dự kiến sản phẩm thương mại sẽ chính thức bán ra thị trường vào năm 2027 dưới hình thức bán đứt hoặc cung cấp dịch vụ vận tải.

Cần lộ trình dài để ứng dụng thực tế

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng ở nước ngoài đường điện đi chìm dưới đất thì mô tô bay là khả thi, còn VN có nhiều dây điện, kể cả điện cao thế nên sẽ khá bất tiện. Mặc dù mô tô bay có lập trình để né chướng ngại vật nhưng không thể khẳng định được là nó hoạt động ổn định trong suốt quá trình bay.

Theo ông Dũng, đây là dòng sản phẩm có ý tưởng tốt nhưng khó khả thi tại VN. Nếu áp dụng thì chỉ phù hợp với những khu vực riêng, nơi để trải nghiệm như du lịch, tham quan giống như trải nghiệm máy bay trực thăng tham quan tại TP.HCM.

“Giá sản phẩm 2-2,4 tỉ đồng cũng chỉ tiếp cận được giới nhà giàu. Chưa kể giống như ô tô điện, vấn đề tuổi thọ pin và trạm sạc rất quan trọng. Một vấn đề pháp luật đặt ra là giấy phép điều khiển phương tiện với người lái mô tô bay sẽ được quy định như thế nào” - ông Dũng đặt vấn đề.

Cũng có nhiều băn khoăn, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, cho biết các phương tiện bay dạng cá nhân cũng giống như các vật thể bay không người lái như flycam, drone phải đăng ký với Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng sẽ quản lý, cấp phép để hạn chế tối đa nguy cơ gây mất an toàn cho các hoạt động quân sự, dân dụng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Đối với mô tô bay còn phức tạp hơn vì có chở người, kích thước lớn hơn, nguy cơ mất an toàn càng cao.

Theo ông Mậu, chuyện cấp phép mô tô bay dạng phương tiện bay cá nhân còn là câu chuyện dài, nhiều nước cũng mới chỉ dừng lại ở dạng nghiên cứu, thử nghiệm, hoạt động giải trí hoặc trong một khu vực nhỏ.

“Ở VN hay ở đâu thì tiềm năng phương tiện bay cá nhân là rất lớn vì những lợi ích nó mang lại. Tuy nhiên, trên hết vẫn là tính an toàn phương tiện, người sử dụng phương tiện, an toàn bay quân sự, dân sự phải được tính toán, xem xét rất chặt chẽ” - ông Mậu nêu ý kiến.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết hiện thế giới một số hãng đã bắt đầu đầu tư nghiên cứu về dạng phương tiện bay cá nhân như mô tô bay, ô tô bay. Tuy nhiên, tất cả đều còn ở dạng thử nghiệm chứ chưa cấp phép hoạt động phổ biến.

Tại VN, các phương tiện bay cá nhân phải đăng ký, xin phép cơ quan quản lý, hiện cục chưa nhận được thông tin đăng ký, cấp phép các sản phẩm dạng như mô tô bay từ đơn vị trong hay ngoài nước. Ngoài Bộ GTVT, Cục Hàng không VN thì việc thử nghiệm các phương tiện bay cũng phải đăng ký, xin cấp phép với Bộ Quốc phòng như các thiết bị bay không người lái. Sau đó sẽ có hội đồng xem xét, đánh giá rồi mới cho phép sản xuất, khai thác, khoanh vùng được phép hoạt động.

“Sản phẩm này tương lai có thể sẽ phổ biến vì sự hữu dụng của nó nhưng cần một quá trình dài để thử nghiệm, đánh giá. Ví dụ như đối với máy bay được cấp chứng chỉ đủ điều kiện hoạt động khai thác vì hiện đã có hạ tầng như sân bay, quản lý vùng bay, các quy định của pháp luật rõ ràng” - ông Thắng chia sẻ.•

Hạ tầng cho taxi bay, mô tô bay cần 30-50 năm

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, các loại hình như mô tô bay, taxi bay là sản phẩm mới và chưa được áp dụng nhiều trên thế giới. Hiện tại mô hình này mới được thử nghiệm ở Dubai và một số quốc gia khác nhưng cũng đang trong quá trình nghiên cứu. Cùng với đó, những quy định liên quan đến loại sản phẩm này cũng rất khắt khe, hiện tại chỉ thử nghiệm ở các vùng thông thoáng. Dự đoán là VN cần khoảng 30-50 năm để đạt được hạ tầng cho taxi bay và có thể bay dịch vụ trải nghiệm như ở bãi biển, các địa điểm du lịch.

Bay thí điểm như phương tiện công cộng

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhận định mô tô bay có thể cho thí điểm một tuyến đường trên không nào đó, đảm bảo phạm vi đó không bị vướng các tòa nhà cao tầng, đường dây điện… có lộ trình, có cao độ thích hợp. Trước mắt có thể xem đó như một dạng phương tiện công cộng chứ không phải cá nhân.

Ví dụ, có thể thử nghiệm đơn giản như sân bay Gia Lâm đi Cao Bằng, Sa Pa… và ngược lại. Sân bay loại này không cần đường băng dài, giảm tải được nhiều thứ và đón đầu sự phát triển hình thức này. Chủ đầu tư có thể áp dụng cho các điểm du lịch như Hạ Long, Phan Thiết, Phú Quốc… thiết kế đường trong không gian định sẵn điểm cất cánh và hạ cánh, đưa ra một sơ đồ bay cụ thể để hành khách lựa chọn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm