Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả với fintech

(PLO)- Fintech đang cách mạng hóa các dịch vụ tài chính từ hỗ trợ cân đối thu chi cho đến các quyết định đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Fintech đang hỗ trợ việc quản lý tài chính cá nhân trở nên hiệu quả và an toàn. Đồng thời tối ưu hóa nguồn thu nhập, kiểm soát chi tiêu và lựa chọn kênh đầu tư phù hợp cho người dùng.

Khó khăn quản lý tài chính cá nhân

Chị Hoàng Phương (23 tuổi, nhân viên văn phòng) thường phiền lòng vì không tiết kiệm được tiền như kế hoạch đặt ra. Nguyên nhân là do chị thường chi tiêu theo cảm xúc.

“Việc chạy theo xu hướng và sở thích khiến tôi rút tiền chi tiêu trước khi kịp cân nhắc nên thường xuyên bị thâm hụt. Tôi chỉ dừng được việc mua sắm vô tội vạ khi sử dụng một ứng dụng fintech giúp quản lý chi tiêu, lập ngân sách cho các khoản thanh toán và phân bổ tiền hợp lý để tiết kiệm” - chị Phương nói.

Cách chi tiêu của thế hệ Gen Z như chị Phương không phải là cá biệt. Một khảo sát mới nhất từ Deloitte cho thấy chỉ có khoảng 1/4 thế hệ Gen Z và 21% thế hệ Millennials (24-38 tuổi) cho biết họ thoải mái và làm chủ được chi tiêu hằng tháng. Trong khi đó, gần một nửa lượng người khảo sát cho biết họ thường xuyên chi hết sạch tiền lương. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng tiết kiệm và lý giải vì sao có đến 30% người cảm thấy không an toàn tài chính.

Chính phủ rất khuyến khích người dân giao dịch không dùng tiền mặt và gần 60% dân số đã tiếp xúc với thanh toán kỹ thuật số. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Chính phủ rất khuyến khích người dân giao dịch không dùng tiền mặt và gần 60% dân số đã tiếp xúc với thanh toán kỹ thuật số. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Ông Bryan Carroll, Giám đốc điều hành TNEX - một công ty fintech cung cấp dịch vụ quản lý chi tiêu và đầu tư cá nhân, cho biết fintech sử dụng phương pháp tiếp cận công nghệ đơn giản, qua đó giúp người dùng xây dựng và quản lý tài chính cá nhân rất hiệu quả.

Fintech hiện có mặt trong rất nhiều sản phẩm tài chính, từ những sản phẩm dành cho đối tượng là người sử dụng cuối cùng như ví điện tử, tiền điện tử, công cụ huy động vốn cho đến những sản phẩm hỗ trợ hoạt động của các tổ chức tài chính như dịch vụ công nghệ thông minh, blockchain.

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho biết quản lý tài chính cá nhân hiệu quả sẽ duy trì an toàn và chi tiêu hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm, thúc đẩy tích lũy tài sản cá nhân, qua đó nâng cao tổng tiết kiệm xã hội cũng như mở rộng vốn đầu tư phát triển kinh tế.

Giữ tiền bằng công nghệ

Nhiều ứng dụng fintech hiện có trên thị trường dễ dàng kết nối với tổ chức tài chính để giúp cá nhân lập kế hoạch ngân sách tài chính. Bằng cách sử dụng dữ liệu thời gian thực từ ngân hàng của cá nhân, ứng dụng cung cấp cho họ một bức tranh rõ ràng về thói quen chi tiêu để đưa ra quyết định sáng suốt hơn khi phân bổ nguồn lực tài chính.

Ngoài ra, fintech cho phép tự động hóa khoản tiết kiệm theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, ứng dụng Digit sẽ phân tích mô hình chi tiêu và thu nhập của một cá nhân, sau đó xác định số tiền có thể tiết kiệm một cách hiệu quả. Hay cá nhân đi mua sắm một hàng hóa có giá 98 đồng thì ứng dụng Acorns sẽ tự động làm tròn số lên 100 và lấy 2 đồng đó mang đi đầu tư vào quỹ hoán đổi danh mục, giúp bạn kiếm tiền từ cổ phiếu bằng những nguồn tiền lẻ này.

Thậm chí, một người đi thanh toán khoản vay, tìm cơ hội đầu tư hay giao dịch ngân hàng, fintech đều tính toán giảm thiểu những sai lầm về tài chính với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo. Hoặc các ứng dụng cho phép cá nhân phát hiện các hành động chi tiêu bất thường để sửa sai.

“Nhìn chung, fintech là làn sóng mới nhất trong quản lý tài chính cá nhân. Nếu cá nhân biết cách tận dụng những công nghệ này thì việc quản lý tài chính không còn là một thách thức nữa” - ông Phương nói.

Ba đề xuất để mở đường pháp lý cho fintech

Trong một hội thảo tổ chức tại Việt Nam (VN), ông Shehzad Bhanji, Giám đốc dịch vụ khách hàng toàn cầu Ngân hàng QNB Indonesia, cho biết một trong những đóng góp lớn nhất của fintech là thúc đẩy tài chính toàn diện. Chẳng hạn, thông qua việc cung cấp các khoản vay vi mô hay ngắn hạn với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với vay truyền thống từ ngân hàng.

Ông ví dụ sản phẩm cho vay vi mô tại Indonesia do Ngân hàng QNB Indonesia và Công ty Viễn thông Indosat Ooredoo Hutchison kết hợp. Người vay đủ điều kiện được xác nhận thông qua “hồ sơ kỹ thuật số”, các khoản vay nhỏ được chuyển giao nhanh nhất chỉ trong vòng 3 phút.

TS Phạm Nguyễn Anh Huy, ĐH RMIT VN, cho biết sự bùng nổ của fintech ở VN đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các định chế tài chính, các startup, công ty công nghệ cũng như Chính phủ.

VN cũng đã cho phép các nhà mạng triển khai Mobile Money đặt chân tham gia thị trường fintech với mục tiêu phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, dù hoạt động khá tích cực nhưng thị trường fintech đang thiếu khung pháp lý phù hợp và cần được hỗ trợ để thúc đẩy phát triển.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất sáng kiến thiết lập khuôn khổ pháp lý và cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho lĩnh vực fintech từ năm 2017 nhưng đến nay kế hoạch này chưa được hiện thực hóa.

Do đó, nhiệm vụ cấp bách hiện nay đối với Chính phủ là nhanh chóng ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm fintech. Cơ chế này cần hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động fintech tại VN cũng như khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh, vận hành nó. Nếu không có cơ chế này sớm, VN có thể để vuột mất cơ hội trở thành trung tâm fintech-blockchain hàng đầu trong bối cảnh các quốc gia khác đang đẩy mạnh cạnh tranh.

Thứ hai, Chính phủ cần đảm bảo rằng VN có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp fintech.

Cuối cùng, giáo dục về công nghệ và tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân, cung cấp kiến thức để tránh lừa đảo hoặc các mối đe dọa khác có thể xảy ra trong không gian fintech-blockchain cũng như nền kinh tế kỹ thuật số. Do đó cần đầu tư để đảm bảo đầy đủ thiết bị, tài liệu đào tạo và nguồn nhân lực thiết yếu, không chỉ cho các trường phổ thông và đại học mà còn cho công chúng trong thập niên tới.

TS HỒ QUỐC TUẤN, giảng viên cao cấp ĐH Bristol:

Cho phép cơ chế thí điểm

Tại VN dù đã có những bước tiến bộ tận dụng fintech nhưng nhiều vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý cho thị trường fintech vẫn cần hoàn thiện hơn.

Do đó, các cơ quan có thẩm quyền nên xây dựng khung pháp lý cho phép cơ chế thí điểm (sandbox) cho doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp công nghệ có một môi trường để tiến hành các cuộc thử nghiệm dịch vụ trực tiếp.

TS HỒ QUỐC TUẤN

TS HỒ QUỐC TUẤN

Góc nhìn sandbox nên đưa ra quy chế chung và khi mọi người hoạt động trong khuôn khổ đó thì được phép làm bất cứ thứ gì họ nghĩ ra, có như vậy fintech mới phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, các cơ quan quản lý sẽ có môi trường để quan sát tác động của đổi mới và đưa ra điều chỉnh quy định cho phù hợp.

TS PHẠM NGUYỄN ANH HUY, ĐH RMIT VN:

59% dân số tiếp xúc với thanh toán kỹ thuật số

Theo Statista, số lượng các công ty fintech tại VN đã tăng gần năm lần, từ 39 công ty vào năm 2015 lên 188 công ty vào tháng 9-2021. Dù vậy, fintech VN vẫn đang ở trong giai đoạn tương đối sơ khai. VN chưa bắt kịp các nước như Malaysia, Philippines hay Thái Lan và vẫn còn khoảng cách khá xa để so sánh với Singapore hay Indonesia.

Ví điện tử và thanh toán kỹ thuật số hiện là phân khúc dẫn đầu, chiếm khoảng 1/3 thị trường fintech VN. VN cũng đứng thứ ba trong khối ASEAN-6 về số lượng người dùng thanh toán kỹ thuật số với khoảng 59% dân số VN tiếp xúc với dịch vụ này.

TS PHẠM NGUYỄN ANH HUY
TS PHẠM NGUYỄN ANH HUY

Tuy nhiên, tổng giá trị giao dịch của lĩnh vực này tại VN chỉ cao hơn Malaysia, thua khá xa Philippines và Thái Lan. Dù gần 60% dân số VN đã tiếp xúc với thanh toán kỹ thuật số nhưng giá trị giao dịch của lĩnh vực này còn tương đối thấp, đồng nghĩa với việc giá trị giao dịch bình quân trên mỗi người dùng cũng thấp. Xu hướng tương tự cũng đang xảy ra trong các lĩnh vực khác như tài sản kỹ thuật số, đầu tư kỹ thuật số, ngân hàng thế hệ mới (neobanking) và tài chính thay thế (alternative financing).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm