Chứng khoán vẫn đầy sức hút

(PLO)- Chứng khoán bất động sản thời gian gần đây là ngành bị giảm mạnh nhất nhưng tuần đầu tháng 12 đã ghi nhận mức phục hồi khá tốt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào thời kỳ chứng khoán tăng trưởng, nhiều công ty có nguồn tiền dồi dào đã đem đi đầu tư chứng khoán và thu các khoản lợi lớn. Thời điểm vừa qua, thị trường giảm điểm liên tục khiến nhiều công ty đối diện với các khoản thua lỗ nặng nề. Đáng mừng là tuần qua thị trường vừa xác lập kỷ lục trong tuần. Chỉ số VN-Index tăng hơn 11%, mức tốt nhất theo tuần kể từ năm 2009 đến nay.

Nhìn về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt vẫn được đánh giá tăng trưởng bền vững. Ảnh minh họa: PHƯƠNG MINH

Nhìn về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt vẫn được đánh giá tăng trưởng bền vững.
Ảnh minh họa: PHƯƠNG MINH

Tuần qua, chỉ số VN-Index tăng trưởng ấn tượng hơn 11%. Ảnh minh họa: PHƯƠNG MINH

Tuần qua, chỉ số VN-Index tăng trưởng ấn tượng hơn 11%. Ảnh minh họa: PHƯƠNG MINH

Doanh nghiệp tăng điểm khi đầu tư chứng khoán có lời

Theo báo cáo tài chính quý III-2022, ông lớn xăng dầu Petrolimex đã tham gia đầu tư cổ phiếu với tổng giá trị gần 7 tỉ đồng nhưng hiện ghi nhận khoản dự phòng giảm giá, hơn 1,3 tỉ đồng. Nói cách khác, đại gia xăng dầu này đang bị lỗ.

Một ông lớn cùng ngành là Petrosetco (PET) cũng vừa bay gần phân nửa khoản giá trị đầu tư chứng khoán. Theo báo cáo tài chính quý III-2022, PET đã lỗ đến 166 tỉ đồng từ giá trị danh mục đầu tư chứng khoán gốc là 347 tỉ đồng.

Trong quý III cũng thua lỗ vì cổ phiếu có thể kể đến Công ty Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (NDN) lỗ đến 123 tỉ đồng hay nữ hoàng cá tra Vĩnh Hoàn đem 190 tỉ đồng chơi chứng khoán cũng bị bốc hơi hơn 78 tỉ đồng.

Điều đáng mừng, tuần đầu tháng 12, thị trường chứng khoán ghi nhận dấu hiệu hồi phục với một loạt ngân hàng làm đầu tàu dẫn dắt thị trường đi lên, tiếp đến là nhóm ngành bất động sản. Tâm lý tích cực được lý giải bằng những thông tin lạc quan về vĩ mô như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xác nhận sẽ làm chậm đà tăng lãi suất, Trung Quốc có thể sớm mở cửa, khối ngoại mua ròng hơn 20.000 tỉ đồng từ đầu tháng 11 đến nay… Việc này hứa hẹn các khoản thua lỗ có thể sẽ được bù đắp.

Năm 2023, dù xu hướng đà tăng lợi nhuận giảm nhưng vẫn được dự báo DN niêm yết ghi nhận mức lợi nhuận 12%-14%.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, một trong những lý do để các công ty mang tiền đi đầu tư chứng khoán là để tìm kiếm lợi nhuận và cũng được xem là cách phân bổ tài sản đầu tư.

Chẳng hạn, trong dịch bệnh, nhiều công ty giảm sút doanh thu do hoạt động kinh doanh bị hạn chế vì các biện pháp chống dịch. Thị trường chứng khoán thời điểm này lại tăng trưởng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp (DN) đưa dòng tiền dư thừa vào chứng khoán và kiếm được khoản lãi bù đắp cho phần kinh doanh cốt lõi.

Chứng khoán đem lại lợi nhuận sẽ giúp bảng cân đối kế toán hấp dẫn hơn, thu hút nhà đầu tư mua cổ phiếu của chính công ty đó, đem lại lợi tức tốt hơn cho cổ đông. Các nhà phân tích đầu tư thường theo dõi giá trị cổ phiếu của một công ty được giao dịch công khai để đánh giá sức khỏe tài chính, hiệu suất thị trường và khả năng tồn tại chung của công ty đó. Giá cổ phiếu tăng đều đặn báo hiệu rằng lãnh đạo công ty đang điều hành theo hướng đúng đắn.

Cổ phiếu bất động sản
đang khởi sắc

Những ngày đầu tháng 12, thị trường bùng nổ mạnh mẽ, dòng tiền vẫn đổ vào ồ ạt, đặc biệt cổ phiếu bất động sản vẫn tăng giá bền vững. Cụ thể trong một tuần qua, cổ phiếu Novaland đã tăng hơn 16% giá trị, cổ phiếu Phát Đạt tăng hơn 20% giá trị hay cổ phiếu CEO còn tăng mạnh hơn lên đến 60% giá trị, DIG tăng 38%... Điều này cho thấy đã có dòng tiền vào bắt đáy các cổ phiếu bất động sản khi giá các cổ phiếu này đã được chiết khấu khá mạnh.

Theo ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, sắp tới Chính phủ có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án mới để giảm bớt vấn đề về thanh khoản. Nhu cầu nhà ở mới vẫn tiếp tục phát triển mạnh và giá cả các căn hộ vẫn phù hợp đối với đa số người mua thuộc tầng lớp trung lưu. Nói cách khác, về cơ bản, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn lành mạnh dù đang gặp các vấn đề thanh khoản. Vì vậy giá cổ phiếu bất động sản sẽ phục hồi khi và chỉ khi Chính phủ có các hành động nới lỏng các điều kiện tín dụng bất động sản.

Các công ty đầu tư chứng khoán cũng không khác gì đầu tư đa ngành, rời bỏ nền tảng kinh doanh cốt lõi vốn là thế mạnh của mình. Các công ty này chưa chắc đã có đội ngũ am hiểu thị trường chứng khoán, tài chính để phân tích cổ phiếu bài bản như các quỹ đầu tư hay công ty chứng khoán. Quỹ đầu tư cũng có thể thua lỗ thì các công ty tay ngang chơi chứng khoán khả năng lỗ sẽ cao hơn vì thiếu tính chuyên nghiệp và kỷ luật.

Chuyên gia tài chính
TRẦN ĐÌNH PHƯƠNG

Chứng khoán
vẫn rất hấp dẫn

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, đánh giá áp lực trong ngoài đã gây suy giảm khối lượng và điểm số trên thị trường chứng khoán. Hệ quả tất yếu, nhiều nhà đầu tư từ cá nhân, quỹ cho đến công ty thua lỗ. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, nhiều tổ chức tài chính lớn bắt đầu tái cơ cấu danh mục và lựa chọn giải ngân trong năm mới.

Lãi suất đầu vào tăng thì kênh chứng khoán mất đi sức hấp dẫn nhưng sự tương quan này bị phá vỡ khi lợi nhuận của các DN tiếp tục tăng.

Năm 2023, dù xu hướng đà tăng lợi nhuận giảm nhưng vẫn được dự báo DN niêm yết ghi nhận mức lợi nhuận 12%-14%. Với mức này thì thu nhập từ thị trường chứng khoán sẽ rơi vào khoảng 14%, hấp dẫn hơn tiền gửi tiết kiệm.

Ngoài ra, tính từ đầu tháng 10 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài tích cực giải ngân trên thị trường Việt Nam với tổng khối lượng mua ròng khoảng 8.000 tỉ đồng. Đặc biệt, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF, một trong số ETF lớn đầu tư vào Việt Nam, vừa thông báo đã huy động được nguồn vốn 4.000 tỉ đồng để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Các yếu tố này cho thấy thị trường chứng khoán Việt vẫn hấp dẫn trong dài hạn.

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, nhận định trong thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt đã có những phiên giao dịch ảm đạm, rớt điểm mạnh. Chỉ số VN-Index giảm do cổ phiếu ngành bất động sản giảm khoảng 50% và cổ phiếu ngành ngân hàng cũng giảm 40% so với đầu năm.

Tỉ trọng của hai ngành này chiếm đến 55% trong chỉ số VN-Index. Những lo ngại về khả năng tái cấp vốn hơn 5 tỉ USD khi đáo hạn vào năm 2023 của các công ty bất động sản đã làm cho chỉ số VN-Index giảm nhiều hơn so với mức bình quân của thị trường chứng khoán trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines.

“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt đã bớt đi áp lực và nhiều triển vọng hồi phục bền vững. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có biện pháp để giảm bớt các vấn đề về thanh khoản trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2023, thời điểm cả hoạt động kinh tế và nhu cầu thanh khoản tại Việt Nam đều tăng cao. Ngoài ra, cổ phiếu bất động sản đã hấp dẫn trở lại. Thị trường gần đây đã phát ra những tín hiệu sớm về những việc nới lỏng này khiến giá cổ phiếu tăng vọt” - ông Michael Kokalari đánh giá.•

Ông MICHAEL KOKALARI, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital:

Yếu tố hỗ trợ chứng khoán Việt

Theo dự báo, GDP của Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng có thể đạt 8% vào năm 2022 và gần 6% vào năm 2023. Trong khi đó lợi nhuận các DN đang trên đà tăng trưởng với dự báo khoảng 17% trong năm nay và năm sau. Sự kết hợp giữa giá cổ phiếu giảm và lợi nhuận tăng đã khiến hệ số P/E năm 2022 của VN-Index giảm từ mức trên 17 lần vào đầu năm xuống còn chín lần hiện tại và P/E dự phóng năm 2023 là tám lần. Mức này thấp hơn 40% so với định giá P/E dự phóng của các nước trong khu vực. Điều này đang giúp thị trường chứng khoán Việt hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Chuyên gia kinh tế TRẦN THANH HẢI:

Nỗ lực của cơ quan quản lý

Thị trường chứng khoán đang chịu ảnh hưởng vì tâm lý nhà đầu tư lẫn dòng tiền. Các yếu tố rủi ro bên ngoài cũng như sự kiện gần đây tại Việt Nam liên quan đến thị trường trái phiếu cũng đóng góp vào việc thị trường giảm điểm mạnh.

Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt vẫn được đánh giá tăng trưởng bền vững do cơ quan quản lý nhà nước đã có những nỗ lực đem lại thị trường tài chính lành mạnh, minh bạch và cải thiện nhiều chất lượng dịch vụ, pháp lý. Những nỗ lực đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường sẽ giúp chứng khoán Việt tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rất nhiều dịch vụ du lịch như đặt phòng, đặt món ăn, các hình thức giải trí được thực hiện thông qua app trực tuyến. Ảnh: T.UYÊN

Ngành du lịch tìm cách chuyển đổi số

(PLO)- Một số doanh nghiệp du lịch đã ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, đặt dịch vụ qua ứng dụng… và đạt được kết quả ban đầu khả quan.