Đón làn sóng dịch chuyển của các ông lớn thế giới

(PLO)- Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang tích cực gia tăng vốn đầu tư vào Việt Nam để mở rộng sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây thấy rõ được sự dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam để mở nhà máy, xây dựng cơ sở sản xuất. Đây là cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, mạng lưới công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn yếu khiến chúng ta chưa tận dụng tốt cơ hội này. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng còn nhiều việc cần làm để đón đầu làn sóng dịch chuyển của các ông lớn thế giới.

Nhiều tập đoàn lớn đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam và ngày càng có kế hoạch mở rộng. Ảnh: Q.HUY

Nhiều tập đoàn lớn đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam và ngày càng có kế hoạch mở rộng. Ảnh: Q.HUY

Tập đoàn ngoại chọn Việt Nam là điểm đến

Tập đoàn LEGO đến từ Đan Mạch trong năm 2022 đã gây chú ý với dự án trị giá 1 tỉ USD đầu tư vào Bình Dương. Đây là nhà máy thứ sáu của LEGO trên thế giới, nhà máy thứ hai ở châu Á, đồng thời là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO. Đây là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất do một DN Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam.

Một ông lớn khác là Foxconn, đối tác hàng đầu của tập đoàn công nghệ khổng lồ Apple, cũng đã ký ghi nhớ về việc thuê lại hơn 50 ha đất tại Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang. Foxconn dự kiến dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất các sản phẩm iPad, AirPods tới đây, rót vào dự án mới 300 triệu USD, sử dụng hơn 30.000 người lao động địa phương.

Các DN khi chuyển dịch sang có yêu cầu rất lớn về nhân công, Việt Nam cần xử lý bài toán nhân lực đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Mới đây, báo cáo tình hình đầu tư và kế hoạch phát triển của Tập đoàn Heineken Global tại Việt Nam trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tại Hà Lan, lãnh đạo tập đoàn này cho biết khoản đầu tư đã đạt 1 tỉ USD và dự kiến trong vòng 10 năm tới sẽ rót thêm 500 triệu USD.

Heineken đã khánh thành nhà máy bia tại Bà Rịa-Vũng Tàu có diện tích 40 ha, vốn đầu tư hơn 381 triệu USD hồi tháng 9-2022. Đây là nhà máy bia lớn nhất của Đông Nam Á, sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho hay Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đến nay, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, TP với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.

Tính đến ngày 20-11-2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt hơn 25 tỉ USD, tăng 0,4% so với 10 tháng và tăng hơn 10% so với chín tháng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng là tín hiệu khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư Việt Nam.

Ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, cho biết Việt Nam thu hút nhiều FDI nhờ việc gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để thu hút FDI chất lượng cao thì việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ có tác động lớn hơn là cắt giảm thuế.

“Ngoài ra, cần có sự điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp, theo kịp với biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút DN FDI của các nước” - ông Michael Kokalari chia sẻ.

Phải tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, pháp luật, tránh tình trạng thiếu tính hệ thống, chồng chéo và gây mâu thuẫn. Trong bối cảnh mới, việc hoàn thiện thể chế và pháp luật cần đặc biệt lưu ý tới ba cam kết toàn cầu của Việt Nam: Đưa mức phát thải carbon ròng về 0 vào năm 2050 tại COP26; quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu 15% và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội được đưa ra trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.

GS-TS NGUYỄN MẠI, Chủ tịch VAFIE

Giữ chân vốn ngoại

GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư Nước ngoài (VAFIE), cho rằng Việt Nam phải làm sao để trở thành một trong những “đại bản doanh” của các tập đoàn đa quốc gia. Muốn thu hút ông lớn thì phải tạo ra những lợi thế thực sự hấp dẫn, ví dụ như tiền thuê đất tại các khu công nghiệp phải hấp dẫn hơn, nếu tăng vẫn ở mức hợp lý để giữ lợi thế.

“Ngoài ra, các DN khi chuyển dịch sang có yêu cầu rất lớn về nhân công. Việt Nam cần xử lý bài toán đào tạo nhân lực đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư” - GS Mại góp ý.

Theo GS Mại, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có để trở thành cứ điểm quan trọng cho chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Một thực trạng hay được chỉ ra trong ngành điện tử là giá trị gia tăng chủ yếu đến từ DN nước ngoài, DN nội chỉ chủ yếu thực hiện công đoạn gia công có giá trị thấp. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu tiêu cực mà là điều tất yếu, bởi bất kể quốc gia nào cũng cần phải đi từ thấp đến cao trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng.

“Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư công nghệ cao đang tìm đến Việt Nam cũng cần phải có chính sách thúc đẩy liên kết giữa DN FDI với DN nội, đặc biệt là nhóm DN vừa và nhỏ” - GS Mại nói.

Mặt khác, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng các địa phương không thu hút vốn FDI bằng mọi giá mà cần chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.

“Thu hút vốn FDI nhưng việc quan trọng nhất là kiểm tra giám sát, xem xét khả năng tài chính, xem xét sự chính xác trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong báo cáo tài chính của DN để quản lý hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh. Mặt khác, điều này cũng đặt ra đòi hỏi cần phải tăng cường bộ lọc để thu hút những nguồn vốn FDI chất lượng” - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.•

Singapore dẫn đầu vốn đầu tư vào Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 11 tháng năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 15 tỉ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỉ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,8 tỉ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với hơn 4,6 tỉ USD, chiếm 18%; Hàn Quốc đứng thứ ba với hơn 4 tỉ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Trung Quốc, Hong Kong, Đan Mạch.

Kết nối để DN FDI hỗ trợ DN Việt

Theo ông Nguyễn Hoàng (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ hỗ trợ Việt Nam, để thu hút dòng vốn FDI thì bản thân DN trong nước cũng phải cải thiện được năng lực, cần tập trung chú trọng vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Cơ quan quản lý cần phải sớm xây dựng Luật công nghệ hỗ trợ, trình Quốc hội và ban hành trong thời gian nhanh nhất.

Thành lập ban chỉ đạo cấp nhà nước do phó thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, với sự tham gia của một số bộ, ban ngành, một số tỉnh, TP, đại diện hiệp hội, DN công nghiệp hỗ trợ, để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, Việt Nam cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh không cần thiết. Kết nối các DN, tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, thúc đẩy và “kèm cặp” để các DN FDI này cũng đặt hàng, hỗ trợ DN Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cấp cho họ. Để từ đó, DN Việt trực tiếp chen chân được vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm