Nới room ngoại cho ngân hàng lên 49%: Cần thiết

(PLO)- Room ngoại của các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể sẽ được nới lên 49%, thay vì 30% như hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến.

Tạo cơ hội chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài

Theo dự thảo, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD nhận chuyển giao bắt buộc nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ.

Điều này có nghĩa là nếu được thông qua, các TCTD tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém có cơ hội thu hút thêm dòng vốn ngoại tối đa lên tới 49%.

Trong 30 ngân hàng thương mại niêm yết chỉ có 16 ngân hàng có tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 15%. Ảnh minh họa: THÙY LINH

Trong 30 ngân hàng thương mại niêm yết chỉ có 16 ngân hàng có tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 15%. Ảnh minh họa: THÙY LINH

Trong khi đó, dự thảo vẫn giữ nguyên các quy định như một tổ chức nước ngoài không được sở hữu quá 15%, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được sở hữu quá 20%, một nhà đầu tư nước ngoài và người liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Dương Anh Vũ, khi nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém sẽ khiến ngân hàng mẹ phải hỗ trợ về nguồn lực, nhân sự. Đổi lại, họ cũng có một số lợi thế nhất định như tổng tài sản lớn hơn, mạng lưới rộng hơn, quy mô phục vụ thị trường sâu rộng hơn…

“Bên cạnh đó, ngân hàng mẹ cũng sẽ nhận được ưu ái hơn từ phía nhà điều hành như nới room tín dụng (giới hạn cho vay) hay bổ sung nguồn tái cấp vốn. Ngoài ra, khi tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được nâng lên 49% sẽ là tiền đề và là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường trong bối cảnh tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư ngoại đang bị giới hạn ở con số 30%” - ông Vũ nói.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết: “Khi “cõng” một ngân hàng yếu kém thì ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tỉ lệ an toàn vốn của ngân hàng mẹ. Thậm chí có thể khiến ngân hàng mẹ khó đạt chuẩn an toàn vốn theo Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng).

Điều kiện tiên quyết để đảm bảo “sức khỏe” là ngân hàng mẹ phải tăng vốn. Vậy tiền đâu để tăng vốn? Chắc chắn ngân hàng sẽ không tìm kiếm nhà đầu tư nhỏ lẻ mà phải săn những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài”. Vấn đề đặt ra là để thu hút những ông lớn nước ngoài thì tỉ lệ sở hữu phải đủ hấp dẫn để bảo đảm được quyền lợi của họ. Thông điệp nới tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 49% chính là tạo “thỏi nam châm” có sức hút mạnh nhất đối với họ.

Nới room ngoại là giúp các ngân hàng tăng quy mô vốn chủ sở hữu. Ảnh minh họa: THÙY LINH

Nới room ngoại là giúp các ngân hàng tăng quy mô vốn chủ sở hữu. Ảnh minh họa: THÙY LINH

Câu chuyện muôn thuở của các đối tác chiến lược là ngoài quyền lợi cơ bản nhận cổ tức thì họ còn muốn có một tỉ lệ sở hữu đủ lớn để tham gia sâu vào hoạt động quản trị và điều hành, tạo điều kiện đem mảng kinh doanh của họ ở nước ngoài vào Việt Nam để thúc đẩy đà tăng trưởng.

“Việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại không khó bởi nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng cao, thời gian tới tính thanh khoản trên thị trường bất động sản cũng sẽ tốt hơn. Khi đó, những món nợ xấu tại các ngân hàng yếu kém sẽ được thu hồi nhanh chóng hơn” - ông Minh nêu quan điểm.

Nới room ngoại là cần thiết

Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán, tính đến ngày 3-1, trong 30 ngân hàng thương mại niêm yết chỉ có 16 ngân hàng có tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 15%. Trong đó, không ít ngân hàng đang trong tình trạng cạn sạch room ngoại với tỉ lệ tối đa 30%.

Hiện nay, các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cũng đang đau đầu với câu chuyện về room sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, dù ngân hàng đã kín room hay vẫn còn dư dả room họ đều có chung mong muốn được nới room vốn ngoại hơn nữa nhằm có dư địa cho các phương án huy động vốn trong tương lai.

Các cơ quan chức năng cần sớm nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung tại các ngân hàng niêm yết. Điều này là vô cùng cần thiết. Bởi tại nhiều thị trường khác trong khu vực với giao dịch T+, hạ tầng giao dịch, điều kiện về mặt kỹ thuật tương tự Việt Nam nhưng họ đã được lên thị trường mới nổi, còn Việt Nam vẫn là thị trường cận biên. Tựu trung, điểm khác biệt duy nhất là tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam bị giới hạn.

Chuyên gia tài chính ngân hàng DƯƠNG ANH VŨ

Lý giải về việc vì sao vẫn có những ngân hàng khóa room nhà đầu tư nước ngoài, ông Dương Anh Vũ cho rằng: “Có thể là do ngân hàng chống thâu tóm nhưng quan trọng hơn là họ muốn tìm nhà đầu tư nước ngoài có phong cách quản trị, mô hình kinh doanh phù hợp. Tức là họ bán lô sỉ luôn có lợi thế hơn so với bán lô lẻ”.

Hiện nay, chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường cận biên chứ chưa được là thị trường mới nổi. Theo ông Nguyễn Thế Minh, từ trước đến nay chúng ta chỉ xoáy vào những yếu tố lan man như nâng cao chất lượng hệ thống giao dịch, giao dịch T+...

Trong khi yếu tố cốt lõi, quan trọng nhất để lên thị trường mới nổi chính là quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Khi nhà đầu tư dự định mua cổ phiếu tại Việt Nam, họ phải đắn đo là có nên mua hay không khi họ bị giới hạn room. Vì room cho nhà đầu tư nước ngoài eo hẹp nên nhiều tổ chức muốn nâng tỉ lệ sở hữu cao hơn thì phải giao dịch thỏa thuận với một nhà đầu tư nước ngoài khác, khiến chi phí vốn bị đội lên và gây ra sự bất bình đẳng với các nhà đầu tư ngoại.

“Chúng ta đặt ra rất nhiều mục tiêu để phát triển thị trường chứng khoán, mong muốn thu hút những quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Thế nhưng muốn thu hút họ thì chúng ta phải tạo ra sân chơi tương xứng, công bằng thì đối tác mới chịu đầu tư, nếu sân chơi còn nhiều giới hạn sẽ khó thu hút được khách tới.

Nói cách khác, chừng nào tỉ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng niêm yết vẫn giới hạn ở mức 30% thì con đường nâng hạng lên thị trường mới nổi còn xa vời. Trong khi đó, cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm chiếm tỉ trọng vốn hóa cao nhất trên thị trường chứng khoán” - ông Minh phân tích.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng nhận định mức độ quan tâm của nhà đầu tư ngoại là rất lớn nhưng room chật chội khiến họ không mấy mặn mà.

“Nếu các cơ quan chức năng chấp thuận nới room ngoại cho các ngân hàng niêm yết lên trên 30%, tức là giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng tiềm lực tài chính, cũng như đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Hai cách để nâng hạng lên thị trường mới nổi

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Thế Minh, có hai cách để giải quyết vấn đề nâng hạng lên thị trường mới nổi. Thứ nhất là mở room của nhà đầu tư nước ngoài lên cao hơn 30%. Thứ hai, cho phép phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) - giống ở Thái Lan. Đây là một loại chứng khoán tiềm năng, thu hút lượng lớn tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam mà không phải lo về khả năng thâu tóm.

Nhiều ngân hàng đã cạn sạch room ngoại

Tính đến ngày 3-1, nhiều ngân hàng đã cạn sạch room ngoạivới tỉ lệ tối đa 30% như Tienphongbank, ACB, MSB.

Một số ngân hàng đang tạm khóa room ngoại, như VPBank chỉ mở room cho nhà đầu tư ngoại là 17,642% thì tỉ lệ nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cũng lên tới 17,64%. Tương tự, tại Ngân hàng An Bình tỉ lệ này lần lượt là 24,6% và 24,61%; Techcombank là 22,4595% và 22,46%; OCB là 22% và 21,45%; VIB là 20,5% và 20,5%; LienVietPostBank là 5% và 4,99%...

Ở chiều ngược lại, cũng có những ngân hàng nới room cho nhà đầu tư ngoại lên kịch trần 30% nhưng vẫn không thu hút đủ như Ngân hàng Bắc Á, Kienlongbank, VietBank, Sài Gòn Công Thương, Nam Á…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm