Các dự án đầu tư bao gồm: 15 dự án sợi, tám dự án dệt, 24 dự án may, hai dự án bông trang trại… Theo Vinatex, tập đoàn tăng đầu tư cho các dự án nguyên, phụ liệu để có thể tận dụng tối đa lợi thế do Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại. Tuy nhiên, các dự án đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi vốn điều lệ của Vinatex chỉ khoảng 4.000 tỉ đồng nên vốn đi vay cho đầu tư là rất lớn.
Trước tình hình đó, Vinatex đã kiến nghị với Chính phủ, cho phép tập đoàn để lại nguồn tiền thu được từ bán phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong vòng năm năm sau khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần nhằm hỗ trợ vốn cho các dự án đầu tư, nhất là với các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu. Đồng thời kiến nghị với Chính phủ tạo những cơ chế thuận lợi như giảm giá thuê đất, điều chỉnh hợp lý các tiêu chí về môi trường…
Dự kiến đến cuối tháng 6-2014 Vinatex sẽ chính thức cổ phần hóa. Sau khi cổ phần hóa, vốn điều lệ của tập đoàn sẽ đạt khoảng 5.000 tỉ đồng, 49% cổ phần sẽ được bán ra bên ngoài, Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần.
MINH LONG