Ngành điều kêu cứu

(PLO)-  Năm 2022 đã có 78.583 tấn điều nhân được nhập vào Việt Nam, tương đương gần 350.000 tấn hạt điều thô. Số lượng nhập khẩu này lớn hơn tổng sản lượng điều thô do Việt Nam sản xuất trong 1 năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) vừa có một báo cáo gửi Bộ Công Thương, trong đó phản ánh về thực trạng đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát của ngành điều.

Đó là việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không áp dụng kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước.

Ồ ạt nhập khẩu điều nhân

Cụ thể, VINACAS cho biết 2 tháng đầu năm nay, đã có hơn 10.158 tấn điều nhân được nhập vào Việt Nam, tương đương gần 44.000 tấn hạt điều thô. Còn năm 2022, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đã có 78.583 tấn được nhập vào Việt Nam, tương đương gần 350.000 tấn hạt điều thô.

“Số lượng nhập khẩu này lớn hơn tổng sản lượng điều thô do Việt Nam sản xuất trong 1 năm” - VINACAS cho hay.

Chế biến xuất khẩu điều. Ảnh: QH

Chế biến xuất khẩu điều. Ảnh: QH

Theo VINACAS, các nước trồng điều ở châu Phi, họ áp mức thuế xuất khẩu cao với điều thô xuất khẩu và miễn thuế với điều nhân xuất khẩu để phát triển công nghiệp chế biến điều trong nước. Trong khi đó, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào Việt Nam để chế biến, xuất khẩu đều được Việt Nam miễn thuế.

VINACAS đánh giá chính sách của nhà nước hai bên như vậy dẫn đến sự bất bình đẳng trong thương mại giữa DN chế biến hai nước. Việc tạo điều kiện để điều nhân từ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam chẳng những không đem lại lợi ích gì cho đất nước mà còn đem đến những nguy cơ lớn đối với toàn ngành điều Việt Nam và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Cụ thể, các loại nhân nhập về hầu hết có chất lượng thấp, khi xuất đi sẽ làm giảm chất lượng chung của ngành điều Việt Nam, làm mất dần uy tín và thị phần của điều nhân Việt Nam trên thương trường quốc tế, làm mất đi một “Thương hiệu quốc gia” được dày công xây dựng trong nhiều năm qua.

Đồng thời, VINACAS lo ngại các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu, chủ yếu là các nhà máy FDI sẽ chặn dần nguồn nguyên liệu hạt điều thô của các nhà máy Việt Nam, khiến các nhà máy nhỏ và vừa Việt Nam phá sản. Tiếp đến, họ vươn lên nắm vững công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng và giành chiếm dần thị trường điều nhân thế giới, bóp chết ngành chế biến điều Việt Nam trong tương lai không xa.

Đối với vùng nguyên liệu và nông dân trồng điều, nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sẽ cạnh tranh trực tiếp với hạt điều thô trong nước vì giá nhân điều nhập rất rẻ, khiến giá điều thô trong nước chịu áp lực giảm giá lớn.

Và các nhà máy chế biến ngày càng chịu áp lực chuyển sang sử dụng nhân điều nhập khẩu thay vì chế biến từ điều thô Việt Nam. Việc các nhà máy chế biến của Việt Nam thu hẹp dần sản xuất nghĩa là vùng nguyên liệu bị thu hẹp; đời sống của hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng điều sẽ gặp khó khăn.

Kiến nghị ban hành các biện pháp phòng vệ thương mại

Để tháo gỡ vấn đề này, VINACAS kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, cùng các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tìm giải pháp, ban hành các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành điều trong nước.

VINACAS cũng kiến nghị một số giải pháp như các Bộ, ngành liên quan có thể tiến hành đàm phán, ký các hiệp định song phương với từng nước về miễn thuế xuất nhập khẩu với hàng hóa của nhau, trong đó có việc bạn miễn thuế với điều thô xuất khẩu sang Việt Nam. Như vậy, ta sẽ không cần phải thay đổi các quy định hiện hành.

Nếu bạn không đồng thuận, VINACAS kiến nghị áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ quốc tế để không miễn thuế nhập khẩu với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam; áp thuế xuất 25% với hạt điều đã bóc vỏ (Mã 0801.32.00), theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 10/07/2020; áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam.

Lý do, các nước xuất khẩu nhân điều vào Việt Nam áp thuế xuất khẩu và giá xuất khẩu tối thiếu với hạt điều thô, khiến cho nhân điều chế biến tại Việt Nam bị cạnh tranh không công bằng với nhân điều nhập khẩu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm