Chiều 28-7, Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức diễn đàn Công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam chủ đề Giữ vị thế đón cơ hội.
Ngành gỗ tìm hướng phát triển mới là cấp thiết
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, số liệu của Tổng cục hải quan, sáu tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt gần 6,06 tỉ USD, giảm hơn 28.3% so với cùng kỳ năm năm trước. Do đó, ngành chế biến gỗ cần tìm hướng phát triển mới, đây là đòi hỏi cấp thiết.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, khi thị trường suy giảm, một mặt DN tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới.
Ngành gỗ đang chứng kiến một đợt dịch chuyển mới. Các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng sự hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường các nước siêu giàu Trung Đông để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.
“Với nội lực của ngành, mục tiêu xuất khẩu năm 2023 có thể đạt được bởi đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại thời gian gần đây” - ông Khanh nói.
Các chuyên gia nhìn nhận hơn 10 năm nay ngành gỗ đã có những bước phát triển vượt bậc.
Sắp tới DN gặp không ít thách thức là phải "xanh". Bên cạnh đó, từ tháng 10-2023 theo quy định hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nếu vượt quá tiêu chuẩn, DN sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” .
|
Các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi tại diễn đàn. |
Ngành gỗ thời điểm này chưa có quốc gia nào nổi lên có lợi thế xanh
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), một trong các Ban của Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho biết qua trao đổi DN ngành gỗ, ca cao, cà phê, cao su và chính quyền một số địa phương cho thấy đã có sự nhận thức về chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, chiến lược thế nào vẫn là câu hỏi lớn.
Bên cạnh đó, năm 2022 Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính, phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính. Danh mục có 1.912 DN và năm nay sẽ bổ sung thêm. Trong đó, có hơn 60 DN ngành gỗ nhưng qua khảo sát sơ bộ rất ít DN biết mình trong danh sách này.
“Bên cạnh tìm kiếm thông tin thị trường, DN không thể bỏ qua chuyển đổi xanh” - bà Thủy nói.
Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng chỉ một thời gian ngắn ngành gỗ sẽ bứt phá bởi hiện nay một số chính sách, khung pháp lý chưa đầy đủ như thị trường tín chỉ carbon tự nguyện. Việc kiểm kê khí nhà kính vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Thời gian tới, Ban IV sẽ tập trung “làm điểm” ở một số DN. Qua đó DN sẽ nhận biết công nghệ nên đầu tư vào đâu, nguồn lực cải thiện chỗ nào…để giảm phát thải khí nhà kính.
“Ngành gỗ thời điểm này chưa có quốc gia nào nổi lên có lợi thế nhất về xanh. Ở một số quốc gia DN đã bán được tín chỉ carbon ở thị trường carbon bắt buộc. Ngành gỗ Việt Nam vẫn có cơ hội lớn nhưng phải có chính sách và hành động nhanh” - bà Thủy thông tin.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA cho biết, có thể đến 2028 ngành gỗ mới đối mặt với bài toán giảm phát thải nhưng hiện nay hội cùng bộ, ngành truyền thông để DN xây dựng kế hoạch. Đồng thời liên minh các hiệp hội khai thác lợi thế thị trường tín chỉ carbon.
Hội chợ dệt may quốc tế Canada chỉ có một công ty Việt tham dự
Bà Thủy kể, tháng 12-2022 bà “giật mình” khi nhận thông tin trong lúc dệt may Việt Nam không có đơn hàng năm 2023 thì dệt may Bangladesh lại nhận rất nhiều đơn hàng.
Chưa kể, được biết tại thị trường Mỹ, chỉ trong vòng vài tháng thị phần dệt may Bangladesh tăng trưởng “nóng” đến 54%.
Tại Canada thời điểm đó, có một hội chợ quốc tế về dệt may, Bangladesh đưa vài trăm công ty sang đều đem theo chứng chỉ xanh, trong khi chỉ có một DN Việt Nam tham gia.
“Một số ý kiến cho rằng kết quả tăng trưởng Bangladesh nhờ có nhân công giá rẻ. Thực chất, Bangladesh đã đeo đuổi xanh cách đây chín năm, khi họ vượt lên rực rỡ thì chúng ta mới biết đến” - bà Thủy nói.