Đây là số liệu cảnh báo tại Chiến dịch Thanh tra Lao động năm 2016 chính thức khởi động ngày 21-3. Chiến dịch do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Chính phủ Hà Lan tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tặng quà cho một lao động nữ bị tai nạn lao động. Ảnh: P.ĐIỀN
Chiến dịch năm nay nhằm thúc đẩy việc tuân thủ tốt hơn với các tiêu chuẩn và quy định về lao động với mục đích giải quyết các vi phạm phổ biến trong ngành xây dựng, từ đó cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.
Bộ LĐ-TB& XH đánh giá năm 2015, trong số các vụ tai nạn lao động chết người, xây dựng đứng đầu danh sách các ngành về số vụ cũng như số người chết. Cụ thể, ngành này chiếm 38% tổng số nạn nhân chết khi đang làm việc và 35% tổng số tai nạn lao động chết người. Đứng thứ hai là ngành cơ khí chế tạo chiếm 8% số vụ và 7% số người chết.
Trong số sáu vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nhiều thương vong nhất của năm 2015, có tới bốn vụ xảy ra tại các công trường xây dựng. Ngoài ra, còn có nhiều vụ tai nạn lao động, thương tích và bệnh nghề nghiệp trong ngành này không được báo cáo.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng ngoài trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động còn hạn chế, và sự vào cuộc của các ngành, các cấp còn chưa phát huy hiệu quả.
Theo đó, chiến dịch thanh tra lao động, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, bao gồm thanh tra lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động cùng với sự vào cuộc của truyền thông đại chúng.
Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội về pháp luật lao động và các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng. Đồng thời tăng cường số lượng các doanh nghiệp, công trình xây dựng được thanh tra ít nhất 630 đơn vị trên toàn quốc trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 11-2016.
Các nội dung thanh tra bao gồm thời giờ làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; xây dựng nội quy và đào tạo về an toàn vệ sinh lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức mặt bằng; sử dụng xe, máy, giàn giáo, giá đỡ, điện và thiết bị điện; công tác cốp pha, cốt thép và bê tông; công tác hàn; và công tác hoàn thiện.
An toàn tín mạng cho người lao động TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, nhìn nhận: Cũng như ở mọi nơi trên thế giới, trách nhiệm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động trước hết thuộc về người sử dụng lao động. Do vậy, thanh tra lao động còn có thêm vai trò tư vấn để giúp người sử dụng lao động, cùng với người lao động, hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật và đưa ra những lời khuyên để có cách tốt nhất tuân thủ pháp luật. Theo TS Lee, chiến dịch là một cơ hội để thanh tra lao động tại Việt Nam tăng cường vai trò tư vấn này, cùng hợp tác với đại diện của người sử dụng lao động và người lao động, nhằm đạt được sự tuân thủ pháp luật và điều kiện làm việc đảm bảo cho người lao động tại các công trường xây dựng. Lĩnh vực xây dựng là một trong những nguồn tạo việc làm chính tại Việt Nam, ước tính của năm 2014, cả nước có hơn 3,3 triệu người lao động kiếm sống từ ngành này. |