Chiều 25-2, tại TAND TP.HCM, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ ly hôn và tranh chấp tài sản chung giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên) quay lại phần hỏi. Sau đó hai bên không tranh luận gì thêm. Tòa nghị án kéo dài, đến 14 giờ ngày 1-3 sẽ tuyên án.
“Con tôi cần gì thì tôi có cái đó”
Chủ tọa phiên tòa và đại diện VKSND TP.HCM hỏi các bên để làm rõ việc vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên đã từng phân chia tài sản riêng trong thời kỳ ly hôn hay chưa. Thời điểm bắt đầu cũng như kết thúc của việc cấp dưỡng, hai bên có nợ chung
hay không.
Hai bên trả lời rằng họ chưa từng phân chia tài sản riêng, tất cả là tài sản chung.
Ông Vũ trả lời: “Cô ấy đưa ra cổ phần, cổ tức, nhiều lý do quá nên tôi mới đưa ra con số 10 tỉ đồng cấp dưỡng, chứ không ai giành giật. Cô ấy muốn chu cấp lúc nào thì tôi chu cấp lúc đó thôi. Con tôi cần gì thì tôi có cái đó”.
Bà Thảo thì đề nghị cấp dưỡng từ năm 2013 cho đến khi các con của ông bà học xong ĐH. Ông Vũ thống nhất đề nghị của bà Thảo. Sau đó hai bên cho biết không tranh luận gì thêm.
Trước đó tại tòa, ông Vũ cho biết Tập đoàn Trung Nguyên hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh cà phê, bán lẻ, nhượng quyền thương hiệu, du lịch và bất động sản (BĐS). Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng, chi phối hầu hết doanh nghiệp còn lại.
Ngoài ra, Tập đoàn Trung Nguyên còn có hệ thống nhà máy và dự án BĐS có giá trị đầu tư khoảng 2.800 tỉ đồng. Tất cả cổ phần, dự án BĐS, nhà máy của doanh nghiệp dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu có trị giá 5.654 tỉ đồng. Theo số liệu phía ông Vũ đưa ra thì tổng số tài sản chung bao gồm cổ phần, tiền mặt và BĐS có tổng trị giá gần 8.400 tỉ đồng. Cũng theo trình bày của ông Vũ thì số tiền được xác định tại ngân hàng chỉ là bề nổi.
Qua hai ngày xét xử 20 và 21-2 vừa qua, ông Vũ và bà Thảo đã có nhiều tranh cãi, đấu khẩu về triết lý sống, những mâu thuẫn gia đình, cách chăm sóc con cái và đường hướng xây dựng Trung Nguyên phát triển.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên xử. Ảnh: LCV
VKS: Tài sản chung chia theo luật
Trước khi HĐXX nghị án, đại diện VKS phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Cụ thể, đối với việc ly hôn, ban đầu ông Vũ không đồng ý ly hôn vì tình nghĩa vợ chồng và tình thương với các con. Tuy nhiên, tại các buổi làm việc sau đó, ông Vũ đã đồng ý. VKS đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của bà Thảo, giao con cho bà Thảo trực tiếp nuôi dưỡng. VKS đề nghị tòa ghi nhận sự tự nguyện cấp dưỡng cho các con 10 tỉ đồng/năm của ông Vũ.
Đối với số tài sản gồm tiền mặt, vàng, ngoại tệ trong các ngân hàng có trị giá 2.109 tỉ đồng, HĐXX cũng chưa thu thập đủ chứng cứ nên chưa thể giải quyết. VKS đề nghị tòa đình chỉ xét xử phần này. Với phần tài sản gồm 13 BĐS chung có trị giá 725 tỉ đồng, hai bên thống nhất chia 5-5 và giao căn nhà ở Tú Xương cho bà Thảo nên đề nghị HĐXX giải quyết theo phương án này.
Tài sản chung gồm cổ phần, phần vốn góp tại Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, bà Thảo đề nghị được nhận 51% trong 90% cổ phần chung của các bên, các công ty còn lại bà đề nghị chia 50%. Bà Thảo cũng tự nguyện đề nghị HĐXX chia cho ông Vũ phần nhiều hơn bà số tiền 100 tỉ đồng. Ông Vũ không đồng ý, đề nghị chia theo tỉ lệ 7-3 và có yêu cầu nhận cổ phần của vợ tại các công ty, ông sẽ hoàn tiền.
VKS đề nghị tòa xem xét và căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên để phân chia phù hợp. VKS cũng ghi nhận năm 1996, ông Vũ chính là người khởi nghiệp. Đến năm 2002, Công ty TNHH Trung Nguyên được thành lập. Đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có hai thành viên là ông Vũ và ông Đặng Mơ (cha ruột ông Vũ) với số vốn đăng ký là 140,5 triệu đồng. Bà Thảo trình bày có góp vốn để ông Vũ khởi nghiệp nhưng không có tài liệu nào chứng minh và “ông Vũ hầu như quản lý, điều hành tập đoàn”. Về vai trò, bà Thảo vừa chăm sóc con cái, tham gia công ty, được bổ nhiệm phó tổng giám đốc. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX phân chia tỉ lệ phù hợp, không ảnh hưởng hoạt động bình thường tại các công ty.
Ông Vũ, bà Thảo nói gì với báo chí? Trong thời gian HĐXX nghị án, bà Thảo nói với báo chí rằng “đề nghị của VKS về chia tài sản và cổ phần là một đề nghị nhân văn, tôn trọng nữ quyền”. Đến tòa từ 13 giờ 30, ông Vũ ngồi tại bàn dành cho bị đơn trước vòng vây báo chí và trò chuyện khá lâu. Ông Vũ cho biết ông không muốn xuất hiện nhưng ông buộc phải có mặt để lên tiếng bởi “Những thị phi, càng nói càng thêm đau lòng”. Phóng viên hỏi về lời khai của bà Thảo trước tòa cho rằng bà phải đứng hầu cơm ông và cha mẹ ông. Ông Vũ cho biết lời trình bày này của bà Thảo là không đúng. “Cô ấy có thể nói thế để được cái gì đó ở bên ngoài nhưng đối diện với lương tri, lương tâm, với việc thật, với người chồng thì không được phép” - ông Vũ nói.
Về khả năng hòa giải để đoàn tụ cùng bà Thảo, ông Vũ cho biết năm, sáu năm qua ông đã im lặng. Ông nói: “Qua đã nhường nhịn, khoan thứ đủ kiểu rồi. Tại phòng tuyến cuối cùng này, qua buộc phải nói những gì cần nói. Cô ấy nếu là một người phụ nữ còn chút lương tính thì phải hiểu điều đó. 20 năm qua, qua chưa bao giờ quan tâm đến tiền. Qua nói để Trung Nguyên phát triển đến tầm nhìn toàn cầu để nó giúp dân tộc, quốc gia nhiều hơn. Qua có kế hoạch hết. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội nữa”. Ông Vũ cũng chia sẻ rằng mối quan hệ của vợ chồng ông sở dĩ đi đến đổ vỡ như hôm nay là do: “Nền tảng thiện lành, thiện lương yếu thì tiền và quyền sẽ thao túng mình theo hướng khác. Thiện lành yếu thì tiền và quyền như ma lực dẫn mình đi nên cái đó đẻ ra rất nhiều chuyện. Mọi chuyện đều có sự vận hành âm dương như đêm và ngày, đàn ông và đàn bà. Gọi là con người thì nhiệm vụ của thế gian này là diệt phần con để giữ lại phần người. Một xã hội hướng tới vật chất và tôn sùng điều đó thì đi ngược với thiện lý và không bao giờ tồn tại. Không ngờ điều thử thách đó vô tới nhà của qua luôn khiến qua rất đau lòng”. Ông Vũ cũng nói về những mong muốn của ông đối với Tập đoàn Trung Nguyên: “Nó phải hiện thực như qua nói thì mới phát triển được toàn cầu. Bây giờ thật không dễ dàng gì mà tìm được sự khác biệt. Trung Nguyên phải có trách nhiệm với dân tộc và quốc gia. Tiền 20 năm Trung Nguyên kiếm được thêm 100 hay ngàn tỉ nữa không phải là vấn đề gì. Năm rồi qua giúp cho thanh niên 200 tỉ. Thay vì làm từ thiện thì mình giúp họ lập trí, giúp họ kiến thức khởi nghiệp...”. |