Kết thúc giao dịch ngày 17-3, chỉ số VN-Index tiếp tục quay đầu giảm mạnh 28,09 điểm xuống còn 615,71 điểm. Sàn TP.HCM chứng kiến một phiên nhà đầu tư tháo chạy khi 149/153 cổ phiếu giảm giá.
Chứng khoán bị thiệt hại kép
Các nhà đầu tư lo ngại sau ngày 17-3, những khoản tiền bị rút ra để mua tín phiếu sẽ là áp lực lớn để ngân hàng tiếp tục bán cổ phiếu cầm cố (REPO) để bù đắp lại. Nhà đầu tư đang lo ngại thị trường chứng khoán sẽ còn giảm mạnh, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục lao dốc.
Đánh giá về ảnh hưởng của sự kiện trên, chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng thị trường chứng khoán hôm qua giảm mạnh là phản ứng chín mùi từ việc các ngân hàng thương mại phải mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc. Sau sự kiện này, nguồn vốn của ngân hàng tài trợ cho các hoạt động xã hội sẽ giảm thì chứng khoán cũng sẽ bị thiệt hại kép. Tiền ngân hàng tài trợ cho nhà đầu tư vay chơi chứng khoán sẽ giảm và tiền tài trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị khó khăn hơn. Từ đó làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thu hẹp lại, dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết bị ảnh hưởng sẽ tác động không tốt đến giá cổ phiếu của các công ty đó. Còn những khoản tiền lớn của ngân hàng bị rút ra mua tín phiếu bắt buộc nếu các ngân hàng không có giải pháp sẽ bị tác hại nhiều.
Không dám vay vì lãi suất cao
Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC cũng đồng tình với nhận định thị trường chứng khoán giảm mạnh phiên này cũng do bị tác động một phần bởi thông tin trên. Tuy số tiền phải mua tín phiếu bắt buộc nói trên đã được các ngân hàng chuẩn bị trước đó một tháng. Nếu ngân hàng nào khó khăn sẽ được Ngân hàng nhà nước hỗ trợ nhưng chưa có ngân hàng nào phát tín hiệu cầu cứu.
Những khoản tiền nợ từ hợp đồng cho nhà đầu tư vay tiền kinh doanh chứng khoán đến hạn cũng sẽ bị ngân hàng xử lý. Việc bán ra hay không là quyền của các ngân hàng tự quyết định. Nguồn vốn đổ từ các ngân hàng đổ vào chứng khoán sẽ ít đi. Hơn nữa, lãi suất cho vay hiện nay lên tới 1,6%/tháng nên nhà đầu tư cũng không dám vay tiền để đầu tư vào chứng khoán. Vì đi vay tiền ngân hàng một năm nhà đầu tư sẽ phải trả lãi gần 30%, cao hơn lợi nhuận thu được từ đầu tư chứng khoán.
Thị trường chưa có lối ra
Trả lời câu hỏi thị trường trong thời gian tới sẽ như thế nào khi nguồn vốn từ ngân hàng đổ vào chứng khoán sẽ rất hạn chế, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng sau sự kiện ngày 17-3, nguồn cung cổ phiếu sẽ tăng lên nhanh chóng khi hàng loạt ngân hàng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ. Đồng thời, nhiều cuộc IPO doanh nghiệp lớn cũng sẽ được thực hiện, sẽ rút rất nhiều tiền. Trong khi đó, sức cầu lại hạn chế.
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam nhận định thị trường chứng khoán đang giảm cũng là một thử thách cho Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), người được giao nhiệm vụ nâng đỡ thị trường. Còn việc làm được bình ổn thị trường hay không còn phải dựa vào nghệ thuật mua bán của SCIC và lượng tiền thật bơm ra cho thị trường.
Ông Huỳnh Anh Tuấn phân tích thị trường đang tụt dốc không phanh bỗng dưng bừng tỉnh với thông tin SCIC mua vào. Nhưng SCIC cũng chỉ là một nhà đầu tư lớn trên thị trường, họ cũng không mua vào bằng mọi giá như lúc đầu nhiều nhà đầu tư hy vọng. SCIC đầu tư chứng khoán cũng sẽ tính đến yếu tố lợi nhuận nên thời điểm nào họ sẽ bán ra, thời điểm nào nên mua vào khó mà đoán được. “Trong ngắn hạn thị trường sẽ không có gì tươi sáng” - ông Tuấn nói.
VŨ HƯNG