Ngày thơ nhớ nhà thơ Giang Nam

(PLO)- Ngoài bài thơ 'Quê hương' nổi tiếng, nhà thơ Giang Nam còn có bài thơ 'Nghe em vào đại học' được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên yêu thích.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhà thơ Giang Nam qua đời ngày 23-1 (nhằm mùng 2 Tết Quý Mão), tại Nha Trang, hưởng thọ 95 tuổi.

Nhà thơ Giang Nam (thứ 8 từ trái sang) cùng các nhà văn Nguyễn Qang Sáng, Anh Đức, nhà thơ Viễn Phương... Ảnh: TL
Nhà thơ Giang Nam (thứ 8 từ trái sang) cùng các nhà văn Nguyễn Qang Sáng, Anh Đức, nhà thơ Viễn Phương... Ảnh: TL

Nhân ngày thơ Việt Nam xuân Quý Mão, nhớ về ông xin kể vài kỷ niệm khi được trực tiếp trò chuyện cùng ông lúc sinh thời cách đây đúng 20 năm, đó là năm 2003, khi đó tôi đang làm phóng viên thường trú báo Văn Nghệ (Văn phòng miền Nam tại 43 Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM).

Nhà thơ Nguyễn Duy bảo: "Em về quê sẵn ra Nha Trang gặp anh Tư Gương (bí danh của nhà thơ Giang Nam dùng hoạt động những năm 1954 trước khi vào Nam bộ-NT) viết một bài cho báo nhé". Đây cũng là lần đầu tiên tôi được diện kiến với nhà thơ nổi tiếng.

Xung quanh giải thưởng về bài thơ "Quê hương"

Gặp ông cũng không ngoài câu chuyện về bài thơ Quê hương. Ông ký tặng tập hồi ký Sống và viết ở chiến trường (2004) và nói: "Trong này đã nói rất rõ về bài thơ mà em muốn biết". Tập hồi ký ghi lại chặng đường tham gia Cách mạng và bước vào con đường sáng tác thơ ca. Tập hồi ký vừa vặn ba con số 111 trang, gồm mười mục tương ứng với từng chương từng phần.

Nhà thơ Giang Nam và tác giả bài viết gặp nhau vào năm 2017. Ảnh: TRẦN VẠN GIÃ

Nhà thơ Giang Nam và tác giả bài viết gặp nhau vào năm 2017. Ảnh: TRẦN VẠN GIÃ

Mở đầu trang Hồi ký, tác giả viết: “Với lòng biết ơn vô hạn đối với quê hương Khánh Hòa đã sinh ra tôi và những vùng đất tôi đã đi qua”.

Trong đó tác giả kể lại chuyện bài thơ Quê hương được giải nhì, như sau:

"Tôi gởi bài thơ "Quê hương" ra Hà Nội cho báo Thống Nhất là tờ báo duy nhất được Trung ương chuyển vào miền Nam cho chúng tôi lúc đó. Tôi gởi bài thơ đi rồi cũng có chút hy vọng mong manh là nó sẽ được in trên báo. Còn việc gởi dự thi ở tạp chí Văn Nghệ thì tôi hoàn toàn không hay biết gì cả.

Tin về bài thơ “Quê hương” đã đến với tôi một cách bất ngờ không phải bằng con đường của báo mà bằng con đường của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Tôi nhớ lúc ấy là khoảng tháng 7, tháng 8 năm 1961. Trên đường công tác từ huyện miền núi Khánh Sơn (phía Tây Nam tỉnh Khánh Hòa) ra huyện miền núi Khánh Vĩnh (phía Tây thành phố Nha Trang), vừa đến một trạm nghỉ mở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi được nghe công bố kết quả giải thưởng thơ 1960 - 1961 của tạp chí Văn Nghệ. Tôi mừng đến run lên khi biết bài Quê hương được giải nhì. Tôi vội báo cho các anh cùng đoàn và đêm ấy chúng tôi nấu một nồi chè bắp ăn mừng.

… Khoảng tháng 10 năm ấy tôi đã nhận của Ban Thống nhất Trung ương một bức thư đề tên tôi. Bì là của Ban Thống nhất, ruột là của tạp chí Văn Nghệ. Người thay mặt Tòa soạn ký là anh Hoàng Trung Thông. Tuy tôi đã biết bài thơ mình được giải qua đài phát thanh nhưng bây giờ cầm mẩu giấy báo tin có in vi-nhét của tạp chí Văn Nghệ từ Hà Nội vượt Trường Sơn đến với mình, tôi vẫn hết sức xúc động.

… Bức thư ấy sau hơn 40 năm tôi vẫn nâng niu như của quý trải qua bom đạn ác liệt và sự tàn phá của thời gian. Có lần như ở Củ Chi năm 1973 bom đã đánh trúng căn cứ của văn nghệ, cháy cả xe đạp và sổ ghi chép của tôi nhưng bức thư ấy tôi đã để vào thùng đạn liên chôn ở một nơi an toàn.

… Anh (Hoài Thanh - NT) là một thành viên của Hội đồng giám khảo cuộc thi, đồng thời là người đã viết hai bài giới thiệu thơ tôi trên tạp chíVăn Học: “Một ít bài thơ vượt tuyến của Giang Nam” (số 9-61) và “Những vần thơ ngời ánh thép và chan chứa mến thương” (số 4-65). Anh dặn tôi phải giữ bí mật những chuyện “bếp núc” của văn học, tôi đã làm theo ý anh từ nhiều năm qua. Tuy nhiên đến nay tôi tự cảm thấy có thể viết lại không ngần ngại và cũng để khẳng định sự nhạy cảm khác thường của anh.

Anh kể: “Bài thơ “Quê hương” từ miền Nam gởi ta do các anh bên báo Thống Nhất chuyển qua đã gây bất ngờ cho Hội đồng giám khảo. Trong hoàn cảnh miền Nam nước sôi lửa bỏng những năm ấy việc một bài thơ viết về tình yêu, về sự mất mát mà vẫn tươi tắn, không bi lụy là một hiện tượng. Nhớ lại hồi kháng chiến chống Pháp thơ ta ngại nói về tình yêu.

Phải chăng miền Nam trong chống Mỹ đã khác trước khi bàn về việc trao giải, có 2 ý kiến: trao giải nhất vì đây là một bài thơ hay, xúc động. Hai là: bài thơ hay thì có hay nhưng có thể ảnh hưởng không tốt đến tinh thần chiến đấu của đồng bào chiến sĩ miền Nam, vì vậy chỉ nên trao giải tương đối thấp: giải ba. Tôi là người kiên quyết đứng về phía ý kiến thứ nhất. Lý lẽ của tôi là: ta hiểu người miền Nam với cảm xúc của một người đang ở trên miền Bắc. Người trong cuộc, người đang chiến đấu tại chỗ đã không ngại nói về tình yêu, ca ngợi tình yêu lẽ nào ta lại băn khoăn thay họ? Tôi cho rằng trong cuộc kháng chiến lần thứ hai này miền Nam đã huy động tất cả sức mạnh tinh thần của mình (trong đó có tình yêu) làm vũ khí đánh giặc. Phải chăng tình yêu ở đây là sức mạnh, trái với những gì ta quen nghĩ lâu nay?”.

Cũng theo anh Hoài Thanh, vì ý kiến của Ban giám khảo vẫn còn khác biệt nên cuối cùng phải đi đến một sự “thỏa hiệp”: tặng giải nhì. Giải nhất thuộc về trường ca “Lửa sáng rừng” của Thái Giang, giải nhì có “Nhớ mưa quê hương” của Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân-NT), “Quê hương” của Giang Nam,… anh kết thúc câu chuyện:

Tôi nhất trí với Ban giám khảo trao giải nhì nhưng tôi cũng đã phát biểu tại cuộc họp ấy: bài “Quê hương” không được giải cao nhưng tôi tin rằng nó sẽ sống mãi với thời gian”.

Nhà thơ Giang Nam tại nhà riêng 46 đường Yersin, TP Nha Trang, năm 2017. Ảnh: NGUYỄN TÝ
Nhà thơ Giang Nam tại nhà riêng 46 đường Yersin, TP Nha Trang, năm 2017. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Tiễn biệt nhà thơ Giang Nam

Sau khi viết bài "Nhà thơ Giang Nam từ "Quê hương" đến "Sống và viết ở chiến trường" đăng trên báo Văn Nghệ, ông gọi trực tiếp vào số điện thoại của báo Văn Nghệ gặp tôi. "Cảm ơn em nhiều nhé. Bài viết sâu. Khi nào có về Cam Ranh ra anh chơi, anh tặng ít nước mắm!". Tôi cảm ơn ông.

Ngôi nhà số 46 đường Yersin, TP Nha Trang là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều văn nghệ sĩ khi đến xứ trầm hương là tìm đến thăm nhà thơ "Quê hương".

Riêng tôi mỗi khi có dịp ra Nha Trang là tìm đến ông. Lần đầu vào năm 2003 và lần cuối cách đây 5 năm là mùa hè năm 2017.

Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt 1 về Văn học nghệ thuật năm 2001. Tuy nhiên với những bài thơ nổi tiếng về tình yêu quê hương, đất nước và sự đóng góp cho đất nước nói chung tỉnh nhà nói riêng.

Ông từng làm tổng biên tập báo Văn Nghệ Giải Phóng, báo Văn Nghệ và phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa cũng đã kiến nghị nhiều lần về việc trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông.

Nhà thơ Giang Nam ký tặng tác giả tập thơ Lắng nghe thời gian. Ảnh: NGUYỄN TÝ
Nhà thơ Giang Nam ký tặng tác giả tập thơ Lắng nghe thời gian. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Nói về việc này ông bảo, giải thưởng là sự ghi nhận cả quá trình sáng tác. Đời người viết có được một, hai bài thơ được đồng nghiệp, độc giả yêu thích và được tuyển vào sách giáo khoa là hạnh phúc lắm rồi.

Ông sinh vào mùa xuân (2-2-1929) và ra đi thanh thản cũng vào mùa xuân (mùng 2 tết Quý Mão). Tiễn biệt ông với những kỷ niệm, ký ức khó quên. Bài thơ Nghe em vào đại học, tôi đã viết lời bình trên tạp chí Văn của Hội Nhà văn TP.HCM là một trong những bài thơ tôi yêu thích nhất của nhà thơ Giang Nam.

“Nghe em vào đại học

Nửa tin, nửa ngờ tên lại trùng tên…

Hôm nay nhận được thư em

Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng

Anh ngồi đây thấy trời hửng nắng

Trên Hồ Gươm và trên mái đầu em

Ngọt gió quê hương, sông rạch dịu hiền…

Miền Nam, em ơi còn nhớ

Kháng chiến năm nào gian khổ

Đồn giặc bủa vây, thôn xóm điêu tàn

Trường: giặc đốt rồi, còn lại ánh trăng

Giữa hai trận càn, anh dạy em học chữ.

Mẩu than đen vẽ lên tường gạch đỏ

Những lá cờ sao bên những vòng tròn

Đầu nghiêng nghiêng nét chữ run run…

Có những buổi, em học bài không thuộc,

Anh không mắng nhưng em buồn, em khóc

Thương em, anh cố dỗ dành:

“Ráng học sau này cho được bằng anh

Để chép bài ca , đọc thông tin tức!”

Ôi! mơ ước tầm thường, đơn giản nhất

Sao ngày xưa vẫn quá lớn, em ơi!

“Bài ca” hôm nay em chép được rồi

Không phải bài “Đoàn quân đi…” thuở trước

Anh chưa bước chân vào trường đại học

Chưa lên giảng đường, chưa mặc áo sinh viên

Chưa biết vì sao ngày, tối tiếp liền

Chưa biết quê ta nơi nào nhiều quặng

Giặc dành cho ta nhà tù, bom đạn

Bảy năm rồi trong máu lửa đấu tranh

Thầy giáo dạy em năm trước học vần

Vẫn chưa vượt quá chương trình cấp một!

Vẫn chật vật với những bài số học

Thư viết cho em phải xóa, sửa mấy lần

Anh không buồn vì anh biết em anh

Đang ngồi thay anh dưới mái trường đại học.

Mai ngày nước nhà thống nhất

Em lại về dạy chữ cho anh

Không phải bằng than vẽ, gạch thềm đình

Không phải phập phồng giữa vòng đai giặc!

Em sẽ bảo: cố lên, cố lên, gắng học

Anh sẽ mỉm cười nhớ những đêm trăng

Chế độ cho em đôi cánh chim bằng

Và vinh dự được làm người đi trước!

Anh sẽ để riêng em một đêm thức suốt

Kể cho em nghe chuyện chiến đấu ở miền Nam

Câu chuyện mở đầu: “Thuở ấy, ở quê hương

Anh chỉ học có một trường: Cách mạng…”.

(1961)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm