Cơ duyên đưa đẩy anh Dũng đến với ý tưởng mở quán kinh doanh dịch vụ nhổ tóc bạc cũng thật tình cờ. Thuở nhỏ, anh Dũng thường xuyên được bà ngoại và mẹ nhờ nhổ tóc bạc nhiều đến mức anh phải giả vờ đi học bài để “trốn tránh nhiệm vụ”.
Cũng chính từ dây, anh Dũng hiểu được nhu cầu của những người có tóc bạc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thương mại, một thời gian dài, Nguyễn Văn Dũng làm việc tại Công ty liên doanh nước ngoài với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, ý tưởng nung nấu về sự ra đời của một dịch vụ kinh doanh độc lạ đã đưa anh Dũng tới quyết định bỏ ngang công việc đang làm và mở một quán nhổ tóc bạc với tên gọi “Chấy”.
Anh Dũng chia sẻ rằng, thời kì đầu mới kinh doanh hết sức khó khăn vì ít khách hàng biết để tìm đến quán nhổ tóc bạc. “Gần nửa tháng lúc mới mở quán, chỉ có vài ba khách hàng vào nhổ tóc bạc khiến tôi lo lắng đến mất ngủ. Gia đình nhiều người cũng khuyên nên dừng lại nhưng tôi quyết làm cho kì được”, anh Dũng nói.
Đó là chưa kể đến việc đi thuê nhân viên rất khó, anh Dũng phải đi tìm người quen và hứa hẹn mãi mới thuê được. “Cái nghề này ở Việt Nam rất mới, nhiều người nghĩ đây không phải là một nghề, thậm chí nhiều người đến phỏng vấn sau đó không trở lại vì nghĩ rằng đây là một nghề “mờ ám””, chủ quán nhổ tóc bạc chia sẻ.
Với quyết tâm của mình, anh Dũng kiên trì nhờ bạn bè giới thiệu, cho người đi phát tờ rơi… đến khoảng 6 tháng sau công việc kinh doanh đã có bước phát triển vượt bậc. Từ vài ba lượt khách đã tăng lên 10 - 15 khách một ngày với đủ mọi lứa tuổi. Nhiều hôm đông khách, anh Dũng cũng phải xắn tay vào làm việc.
Cho đến thời điểm hiện tại, cậu bé nhổ tóc bạc cho bà ngoại ngày nào giờ đã làm chủ của 2 cơ sở nhổ tóc bạc ở Hà Nội. Để “mục sở thị” công việc nhổ tóc bạc, anh Dũng dẫn tôi đến một quán kinh doanh của mình nằm trong ngõ ở phố Lò Đúc.
Quán nhổ tóc bạc có không gian rộng khoảng 20 mét vuông, khách ra vào nhộn nhịp. Hơn một giờ đồng hồ ở quán, hễ một vị khách ra lại có người mới vào, cô nhân viên lại đều bấm giờ để ghi sổ từ lúc bắt đầu cho tới khi hoàn thành.
Nghề kinh doanh “độc”
Theo các nhân viên hành nghề “bới đen tìm trắng”, khách đến quán phần nhiều là cánh đàn ông độ tuổi trung niên, nữ cũng có nhưng ít hơn. Tuy nhiên, có một điểm chung là tất cả họ đều rất hài lòng khi ra về.
Thoạt nhìn, nghề nhổ tóc bạc trông rất đơn giản, tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ càng mới thấy thật lắm công phu. Một nhân viên ở quán cho hay: “Mình phục vụ khách hàng theo giờ, nếu không biết cách tìm và nhổ tóc, thời gian kéo dài trong khi họ chỉ có một ít tóc bạc thì sẽ mất lòng khách lắm. Nếu như vậy, lần sau họ sẽ không đến nữa, họ sẽ nghĩ là kéo dài thời gian để chặt chém tiền”.
Khách hàng đến đây phần lớn là những người ở độ tuổi trung niên. Có người đến nhổ tóc để tìm sự yên tĩnh, thư thái, trái lại, có vị khách lại thích tếu táo trò chuyện.
Chị Trần Thị Hạnh một người quản lý trong quán Chấy tâm sự: “Không ít người chỉ mới vào làm được một, hai ngày thì bỏ vì quá mỏi mắt, mỏi tay. Phải những người thật yêu nghề, có tính tỉ mỉ mới có thể gắn bó lâu dài với nghề. Mới đầu ai làm không quen sẽ tỏ ra chán nản, tuy nhiên, làm lâu sẽ thấy đây là một nghề rất thú vị”.
Theo chị Hạnh, trong quá trình nhổ tóc cho khách hàng nếu mình chỉ tập trung vào để nhổ tóc bạc cho nhanh xong thì họ rất nhàm chán và thậm chí khách sẽ ngủ gật gù. Để tránh tình trạng này, mỗi nhân viên khi phục vụ khách hàng đều phải vui vẻ, biết cách tiếp chuyện và tạo không khí thoải mái.
Giá của một giờ nhổ tóc bạc là 100.000 đồng, cửa hàng tính giá 30.000 đồng cho 15 phút đầu và 10.000 đồng cho năm phút tiếp theo. Khách hàng đến quán cũng nhiều loại, tùy vào đầu từng người, có những khách hàng phải nhổ đến mấy tiếng liền mới xong. Tuy nhiên, cũng có khách hàng chỉ trong vòng 30 phút là đã hết.