Mới đây, nữ nghệ sĩ Kim Cương cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM xây dựng chương trình “Trái tim yêu thương” nhằm giúp đỡ 200 em nhỏ mồ côi cha mẹ vì đại dịch COVID-19. NSND Kim Cương kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm nhằm giúp đỡ các em đến năm 18 tuổi.
“Không chịu nổi” hình ảnh đứa trẻ sáu tuổi ôm bàn thờ mẹ
Khác hẳn với những chương trình trước đây như hỗ trợ giúp đỡ mổ mắt, mổ tim cho người nghèo - chỉ lo cho bệnh nhân phẫu thuật, trong chương trình “Trái tim yêu thương” lần này, NSND Kim Cương và các cộng sự muốn theo sát các em cho đến khi các em đủ 18 tuổi. “Khi thực hiện chương trình, tôi lo lắng lắm chứ. Lo lắng đang thực hiện có thể ngày sau Kim Cương, ông bà Dương Minh (nhà tài trợ - PV) không còn nữa. Nhưng tôi tin những thế hệ kế cận, tiếp nối sẽ không bỏ rơi các em” - nữ nghệ sĩ trải lòng.
Dịch bùng phát lần thứ tư vừa qua đã để lại hậu quả nặng nề, không chỉ về kinh tế mà cả con người. Hơn 23.000 người đã vĩnh viễn ra đi. Những đứa trẻ mồ côi chỉ sau một mùa hè. Khát vọng giúp đỡ các con cũng ra đời từ những ngày tháng đó.
Bà nhớ mãi câu chuyện của một cậu bé sáu tuổi có mẹ không may nhiễm COVID-19. Ngày phải đi chữa bệnh, chị dặn con ở nhà ngoan, chị đi chữa bệnh mấy hôm rồi về. Chẳng ai ngờ đó cũng là những lời dặn dò cuối cùng, người mẹ vĩnh viễn chẳng trở về nữa. Ngày ông bà qua đón cháu về chăm sóc, đứa trẻ ôm chặt bàn thờ mẹ không chịu rời đi. Con vẫn đợi mẹ về… “Hình ảnh đó tôi chịu không nổi” - nghệ sĩ Kim Cương nghẹn ngào.
Địa phương sẽ hỗ trợ xác minh gửi thông tin về các em. Theo đó, mỗi bé sẽ được nhà hảo tâm tặng 2 triệu đồng/tháng cho đến năm 18 tuổi. Không chỉ muốn chăm lo về mặt vật chất, nữ nghệ sĩ còn lên kế hoạch mỗi tháng sẽ đưa các con đi chơi sở thú, xem phim.
Bà đã liên hệ với các rạp hát. Bà còn liên lạc với các diễn viên trẻ trong lớp đào tạo của nghệ sĩ Hữu Châu, đạo diễn Thanh Hiệp, mời đỡ đầu cho các bé, để động viên tinh thần, thăm hỏi các con. “Kinh tế có thể phục hồi nhưng mất mát của các con thì mãi mãi chẳng thể nào bù đắp được. Biết rằng tình cảm đó chẳng thể nào thay thế tình yêu cha mẹ nhưng tôi nghĩ có còn hơn không, để các con biết xã hội sẽ không bao giờ bỏ rơi các con” - nữ nghệ sĩ chia sẻ.
NSND Kim Cương nghẹn ngào khi nhớ về đứa trẻ sáu tuổi ôm chặt bàn thờ đợi mẹ về. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Giúp người để bớt cô đơn
Bước qua tuổi 84, đi qua xế dốc cuộc đời nhưng niềm đau đáu lớn nhất của nữ nghệ sĩ gạo cội vẫn là những công việc thiện nguyện còn dang dở. Sức khỏe của bà yếu dần theo năm tháng. Nhìn nữ nghệ sĩ đã lớn tuổi vẫn miệt mài khắp những nẻo đường, con cháu của bà không khỏi lo lắng.
“Tôi nói với các con rằng tôi đi làm bao năm nay, không để lại cho các con được miếng vàng hay mảnh đất nào. Gia tài lớn nhất tôi để lại cho các con đó chính là tình thương, sự tin cậy của khán giả. Bởi vậy, tôi phải sống sao cho xứng đáng với tình yêu thương đó, sự tín nhiệm đó. Má tôi (NSND Bảy Nam - PV) đã dạy tôi rằng thiên chức của người nghệ sĩ không phải kẻ mua vui, bán buồn cho thiên hạ mà phải là đóng góp cho xã hội. Tôi nói với các con rằng chẳng những mẹ làm cho tới chết mà phận sự của các con là tiếp nối công việc của mẹ, nhất là chương trình học bổng cho con em nghệ sĩ, bằng giá nào cũng phải giữ!” - nữ nghệ sĩ nói.
Nghệ sĩ thường có hai gia đình - một là với vợ chồng, con cái; một là với sân khấu, khán giả. Nghệ sĩ Kim Cương thừa nhận đôi khi nghệ sĩ sống với gia đình thứ hai của mình nhiều hơn. “Nhiều người cứ hỏi tôi 85 tuổi rồi thì nghỉ đi, làm từ thiện làm gì nữa. Nhưng tôi là nghệ sĩ. Tôi vẫn luôn dạy đàn em, các thế hệ sau rằng nếu các con muốn đi làm nghệ sĩ thì phải biết học yêu thương, muốn làm nghệ sĩ thì phải có trái tim nhạy cảm, biết đau với nỗi đau của người khác” - NSND Kim Cương chia sẻ.
Với anh em nghệ sĩ, bà không chỉ là cánh chim đầu đàn mà còn là niềm tự hào, là điểm tựa. Đạo diễn Thanh Hiệp, Trưởng Ban lý luận phê bình Hội Sân khấu TP.HCM, chia sẻ rằng ông may mắn được sát cánh cùng bà trong công tác thiện nguyện. Từ lúc nhen nhóm thực hiện chương trình “Nghệ sĩ tri âm”, trao quà tết cho nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn mỗi năm, tính đến thời điểm này họ đã tổ chức bảy chương trình với biết bao kỷ niệm, bao gập ghềnh, gian khó.
“Bà đi vào chợ Bến Thành, chợ An Đông xin các tiểu thương ủng hộ từ thùng mì tới gói đường, đôi dép… Cứ thế mỗi năm không đợi nhắc, các tiểu thương đều dành nhiều suất quà nhờ bà trao đến tay nghệ sĩ nghèo khó. Có thể nói, nếu không phải do bà khởi xướng thì khó ai làm được để có quà tết cho hàng trăm nghệ sĩ nghèo khó đón xuân. Việc làm thiện nguyện này không chỉ xuất phát những năm sau này mà cách đây 20 năm, dù đoàn kịch nói Kim Cương ngưng hoạt động nhưng mỗi năm bà đều xuất tiền túi mua trứng, thịt, gạo rồi tổ chức họp mặt đưa tận tay các nghệ sĩ, công hậu đài của đoàn…” - đạo diễn Thanh Hiệp xúc động chia sẻ.
Ông được NSND Kim Cương giao trọng trách lên danh sách con em nghệ sĩ, công nhân sân khấu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hằng năm bà tặng học bổng tiếp sức cho các em đến trường. Quỹ học bổng mang tên NSND Bảy Nam - mẹ của bà, bức tượng đài trong lòng công chúng với các vai diễn người mẹ Nam bộ. “Hơn 200 con em của nghệ sĩ, công nhân sân khấu hiếu học đã nhận được học bổng trong 10 năm qua, trong đó có nhiều em đã thành tài, trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… Bà đã căn dặn cho dù sau này sức khỏe bà có yếu, không thể tổ chức chương trình “Nghệ sĩ tri âm” nhưng học bổng NSND Bảy Nam vẫn phải được duy trì để hỗ trợ con em nghệ sĩ học tập”- đạo diễn Thanh Hiệp chia sẻ.
NSND Kim Cương được mệnh danh là “Kỳ nữ” trong giới sân khấu Việt Nam. Bà nổi tiếng qua những vở diễn lấy đi bao nước mắt của khán giả: Lá sầu riêng, Trà hoa nữ, Dưới hai màu áo... Nữ nghệ sĩ được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục là “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam”. |