Trên số báo ngày 14-11, Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết nói về một số điểm mà Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Bộ VH-TT&DL đang dự thảo trong nghị định mới về hoạt động NTBD. Ngoài vấn đề xóa bỏ ranh giới trong cấp phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài; cấp phép trực tiếp cho cá nhân nghệ sĩ người Việt định cư tại nước ngoài về diễn…, dự thảo còn có nhiều điểm mới nổi bật khác. Một trong những điểm mới là lập hồ sơ nghệ sĩ trực tuyến để từ đó làm căn cứ cho những quyết định vinh danh nghệ sĩ.
Hồ sơ cá nhân là cơ sở vinh danh NSƯT, NSND
Lâu nay, cứ có nghệ sĩ vi phạm vấn đề về đạo đức nghề lẫn hoạt động biểu diễn, công chúng lại dấy lên câu chuyện cấp thẻ hành nghề. Từ năm 1999, thẻ hành nghề của nghệ sĩ từng được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) áp dụng và sau đó hủy bỏ vào năm 2002. Năm 2013, đề án thẻ hành nghề lại được đưa ra và vẫn gặp nhiều ý kiến trái chiều để đến nay chưa thể áp dụng.
Trong bảy chính sách mới để phát triển ngành NTBD thuộc dự thảo nghị định mới, có chính sách lập cơ sở dữ liệu để quản lý nghệ sĩ thuộc lĩnh vực NTBD. “Đây là thời đại công nghệ nên Cục sẽ cố gắng sớm nhất áp dụng công nghệ trong việc lập cơ sở dữ liệu cá nhân nghệ sĩ. Theo đó, hồ sơ sẽ là một tiểu sử của nghệ sĩ. Mỗi năm hồ sơ được cập nhật nghệ sĩ đó trong năm có giải thưởng gì, tham gia chương trình gì, có sáng tác nào mới, hoạt động xã hội ra sao… Ban đầu sẽ là dữ liệu từ các đơn vị công lập, sau đó sẽ mở rộng các nghệ sĩ tự do” - biên đạo múa Tuyết Minh, chuyên viên phòng Nghệ thuật, Cục NTBD, thành viên tổ biên tập nghị định, cho biết.
Mong muốn xa hơn của Cục NTBD là từ hồ sơ cập nhật hằng năm, Cục sẽ có căn cứ vinh danh nghệ sĩ tiêu biểu trong năm. NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục NTBD, Bộ VH-TT&DL. |
Chính từ dữ liệu được cập nhật hằng năm, công chúng lẫn cơ quan quản lý sẽ dễ dàng tổng hợp được nghệ sĩ A, B, C đã đủ điều kiện để cấp danh hiệu NSƯT, NSND hay danh hiệu nào khác không. “Làm nghệ sĩ chẳng ai muốn mình làm đơn để đi xin danh hiệu, mỗi nghệ sĩ luôn có tự tôn riêng của mình. Từ dữ liệu này nghệ sĩ có cống hiến tích cực sẽ thể hiện ngay trên dữ liệu đó và nghệ sĩ không tích cực công chúng cũng được phản hồi ngay. Và cùng đó, nhà quản lý cũng dễ dàng phát hiện những tác phẩm đạo, nhái vì tác phẩm của từng nghệ sĩ sáng tác khi nào, ra mắt công chúng ra sao… đều được thể hiện bằng dữ liệu của chính họ” - nghệ sĩ múa Tuyết Minh nói thêm.
Cố nghệ sĩ cải lương Út Bạch Lan từng từ chối làm đơn xin cấp danh hiệu NSND. Ảnh: Tư liệu
Xóa bỏ loạn liên hoan, giải thưởng
Một trong những nội dung quan trọng không kém của dự thảo chính là quản lý lại các cuộc thi và liên hoan trong lĩnh vực NTBD. Hiện nay hầu hết các cấp đều có những liên hoan, cuộc thi nghệ thuật quần chúng đến sân khấu. “Bất cứ liên hoan nào, cuộc thi nào cũng trao huy chương vàng, huy chương bạc… Truyền thông lẫn người làm nghề kêu ca cuộc thi, liên hoan quá nhiều mà không phân biệt cấp độ. Từ đó chúng tôi đề xuất việc quản lý tổ chức các cuộc thi, liên hoan này để danh hiệu thật sự ý nghĩa với xã hội và bản thân nghệ sĩ. Nếu không quản lý tổ chức lại thì các huy chương, danh hiệu chẳng mang ý nghĩa. Và chính những tác phẩm phải có công chúng thật sự chứ không phải diễn ở liên hoan rồi thôi” - biên đạo múa Tuyết Minh nhấn mạnh.
Cục NTBD đã có buổi trình bày dự thảo nghị định mới về hoạt động NTBD với Bộ VH-TT&DL vào chiều qua (14-11) để tiếp tục lấy ý kiến của Vụ Pháp chế, các sở văn hóa địa phương, giới chuyên môn… cho những cải tiến của mình.
Cục NTBD sẽ kết hợp xử lý những vi phạm qua mạng, truyền hình Một trong bảy nội dung quản lý nhà nước của dự thảo nghị định mới có chính sách phát triển ngành NTBD là thanh tra, kiểm tra, giám sát vi phạm về NTBD. Bà Tuyết Minh nêu ý kiến: “Từ trước đến nay, Cục NTBD dù được giao nhiệm vụ cơ quan quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc nhưng nhiều tác phẩm công bố trên mạng, sô truyền hình… chưa có quy chế giám sát hai bên để quản lý. Có những ca khúc của các nhạc sĩ trẻ vẫn có tranh luận trên mạng về thẩm mỹ ca khúc nhưng họ vẫn là giám khảo trên truyền hình. Cục chưa có những quy định cụ thể để phối hợp các ban ngành để giám sát, xử lý các vi phạm này, quản lý với từng lĩnh vực vẫn trôi nổi và bị lọt. Quản lý nghệ thuật luôn hướng đến làm sao không quản lý, muốn vậy phải có những chế tài cụ thể để tự do sáng tạo hoạt động và nghệ sĩ phải hiểu sự cống hiến cho cộng đồng, khơi gợi thẩm mỹ trong xã hội chứ không phải thỏa mãn cái tôi cá nhân của mình”. |