Nghề tắm rửa, sửa sang cho người chết

Gần 20 giờ ngày 13-3, chúng tôi có mặt tại nhà đại thể Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, TP.HCM. Tiếng tụng kinh gõ mõ phát ra từ chiếc máy đặt tại nhà khâm liệm cạnh phòng lưu xác khiến không gian thêm u tịch, lạnh lẽo. “Người ta đang giải phẫu một tử thi. Sau khi xong, chúng tôi sẽ tắm rửa sạch sẽ cho người chết rồi giao cho gia đình mang về khâm liệm và an táng” - ông Trịnh Trí Trang (58 tuổi, nhân viên nhà đại thể BV Nhân dân Gia Định) nói.

Làm nhẹ tay để người chết không bị đau

Độ 20 phút sau, công việc giải phẫu tử thi hoàn tất. Ông Trang cùng đồng nghiệp là ông Lê Văn Ban (54 tuổi) bắt đầu tắm rửa xác. Người chết là một trung niên độ 40 tuổi, bị tai nạn giao thông nên máu khô dính trên cơ thể khá nhiều.

Ông Ban dùng khăn trắng nhẹ nhàng lau sạch máu ở khóe mắt, lỗ mũi, lỗ tai, cổ… Trong khi đó, ông Trang tỉ mỉ lau sạch máu dính ở móng tay, kẽ ngón tay, lòng bàn tay. Tiếp đó tới nách, ngón chân, kẽ ngón chân, lòng bàn chân… “Khi sống ai cũng sạch sẽ, khi chết ai cũng cần được như thế. Do vậy, chúng tôi phải tắm rửa thật kỹ để xác không còn dính máu” - ông Trang trải lòng.

Tiếp theo, ông Ban và ông Trang lật người chết nằm nghiêng để lau chùi lưng, mông… Thấy đùi phải người chết có một vết rách khá sâu đang chảy nước màu hồng, ông Trang lấy kim chỉ khâu lại. “Thân nhân muốn người chết nguyên vẹn hình hài nên chúng tôi khâu lại những chỗ rách da, rách thịt. Hơn nữa, vết thương được khâu sẽ không chảy dịch, không làm ướt và dơ quần áo người chết” - ông Trang chia sẻ.

Ông Trịnh Trí Trang làm vệ sinh bồn tắm người chết. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tắm nước xong, ông Ban và ông Trang tiếp tục lấy rượu tắm cho xác. Ông Trang đổ bình rượu đế khoảng ba lít ra thau nhôm rồi nhúng khăn lau từ trên xuống dưới người chết. “Tắm rượu vừa khử mùi, vừa diệt các tế bào da đã phân hủy để thân thể người chết sạch sẽ hơn” - ông Trang nói.

Sau khi tắm rượu, ông Ban cùng ông Trang lau khô và mặc quần áo mới cho người chết rồi giao lại cho gia đình để họ đưa về nhà lo hậu sự.

“Do người chết được để trong hộc lạnh nên xác cứng đơ. Vì vậy, việc mặc áo cho người chết sau khi tắm rửa sạch sẽ không phải dễ. Chúng tôi phải nắn cánh tay, khủy tay để xỏ hai tay áo. Công việc này chúng tôi phải làm nhẹ nhàng để tránh người chết bị đau, cho dù chúng tôi biết rõ họ đã chết thì đâu còn biết đau” - ông Trần Tánh (43 tuổi, nhân viên nhà đại thể BV Chợ Rẫy) chia sẻ.

Sống cạnh người chết riết rồi quen

Ông Trần Tánh kể ngày đầu mới nhận việc, ông đưa xác một thanh niên độ 28 tuổi đặt vào hộc lạnh. Do chết vì tai nạn giao thông nên khuôn mặt nạn nhân biến dạng và máu me khắp cơ thể. Chưa hết, máu, phân, nước tiểu quyện nhau tạo nên mùi tanh tưởi cực kỳ khó chịu và ám ảnh ông suốt cả tuần, cứ bưng chén cơm lên là nôn ọe. “Tuy nhiên, sau 10 năm tôi không còn sợ máu, phân và nước tiểu người chết. Tôi cũng không hoảng hồn khi thấy gương mặt người chết bị biến dạng. Sống cạnh người chết nên tôi thấy mình cần làm hết cái tâm với người chết” - ông Tánh trải lòng.

Tương tự, ông Trịnh Trí Trang không khỏi rùng mình khi lần đầu đưa tử thi trong hộc tủ ra ngoài để giải phẫu pháp y. “Mặc dù mang ba găng tay nhưng tôi vẫn cảm nhận hơi lạnh từ người chết truyền qua khiến tay chân tôi bủn rủn. Hiện tượng trên lặp đi lặp lại suốt tuần nên tôi luôn rơi vào trạng thái căng thẳng. Thế nhưng sau 18 năm làm việc, tôi hầu như quen thuộc hơi lạnh tử thi nên không còn sợ sệt. Tôi tự nhủ cố gắng làm công việc thật tốt để người chết được vui lòng nơi chín suối” - ông Trang chia sẻ.

Tôi từng có người thân chết vì tai nạn giao thông và được lưu trữ xác tại nhà đại thể BV Chợ Rẫy. Tận mắt chứng kiến các anh nhân viên nhà đại thể tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo đàng hoàng cho thi thể người thân, chúng tôi cảm kích vô cùng.

Bà NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG, quận 11, TP.HCM 

Không mặc cảm nhưng vẫn buồn

Nhắc về nghề nghiệp, những nhân viên nhà đại thể không tránh khỏi tâm trạng buồn. Dẫu biết nghề nào nghiệp đó, công việc nào cũng có ích cho đời nhưng cái nhìn của người đời về nghề tắm rửa cho tử thi đôi khi lại rất bất công.

“Có người biết tôi làm việc ở nhà đại thể nên khi thấy tôi từ xa là buột miệng nói “Thần chết tới kìa!”. Thật lòng tôi rất buồn vì vẫn có người coi rẻ công việc tôi làm. Tết nhứt, tôi ngại đến thăm sui gia và bà con, họ hàng vì sợ mang điều không tốt tới cho họ. Chỉ khi có người mời thì tôi mới đến nhà” - ông Trịnh Trí Trang, nhân viên nhà đại thể BV Nhân dân Gia Định, tâm sự.

Tương tự, ông Trần Tánh mỗi khi dự tiệc tùng, người lạ có hỏi thì ông chỉ nói đang công tác ở BV Chợ Rẫy chứ không dám nói rõ là làm việc ở nhà đại thể vì sợ xung quanh e ngại. “Ngày nghỉ hoặc lễ, Tết tôi thường ở nhà chơi với con, chẳng dám thăm người này người nọ. Tôi có đứa con đang học lớp 6 và cháu chưa biết công việc tôi đang làm. Bạn bè có hỏi thì con tôi nói “ba làm công nhân”. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật. Sau này con lớn, tôi sẽ nói rõ công việc đang làm. Bởi lẽ công việc nào cũng đáng quý, đáng trân trọng” - ông Trần Tánh nói.

Nơm nớp lo sợ bị cướp xác

Nghề tắm rửa, sửa sang cho người chết ảnh 2
Ông Trần Tánh đang kiểm tra các hộc đựng xác chết. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đưa chúng tôi đi xem các hộc đựng xác, ông Bùi Đức Tuyên (55 tuổi, nhân viên nhà đại thể BV Chợ Rẫy) nói rằng nhân viên nhà đại thể vừa giữ xác vừa lo lắng tình trạng cướp xác. “Chuyện này từng xảy ra. Có một nạn nhân chết do ẩu đả, đâm chém được đưa tới nhà đại thể chờ cơ quan chức năng giải phẫu tử thi. Nhân viên nhà đại thể chưa kịp đưa xác đặt vô hộc lạnh thì hơn chục người dữ dằn ôm xác bỏ lên xe đậu sẵn ngoài đường rồi chạy mất. Chung quy nhóm người nói trên sợ công an sẽ tìm ra những manh mối và đối tượng liên quan sau khi giải phẫu tử thi nên đã cướp xác” - ông Tuyên kể.            

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm