Trên số báo trước chúng tôi phản ánh hàng chục căn nhà hai tầng kiên cố vô tư mọc lên trên đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh. Trên thực tế, những căn nhà này phải mất cả tháng trời mới xây xong.
Việc xây dựng gần như công khai và trong những ngày tìm hiểu, từ chủ nhà đến thầu xây dựng đều khẳng định với chúng tôi là “muốn xây phải chung chi” và họ tiết lộ nhiều chiêu thức cho việc này.
“Thêm 350 triệu sẽ giao chìa khóa nhà”
Chúng tôi tìm đến hẻm 13D đường Lê Thị Dung, ấp 4A, xã Vĩnh Lộc A đúng lúc vợ chồng anh M. chuẩn bị dọn đồ vào căn nhà mới xây. Căn nhà bọc tôn bên ngoài, bên trong còn ngổn ngang đồ đạc. Hai vợ chồng vui mừng ra mặt vì cuối cùng cũng có được căn nhà để ở sau nhiều năm ở trọ.
Thấy chúng tôi lo sợ bị phát hiện khi mua nhà xây lụi, anh M. chỉ ra những căn nhà xung quanh: “Đó, xây lụi hết đó. Cả khu này ai cũng xây lụi hết mà có thấy bị gì đâu. Chung chi là xây được hết. Ở đây nhà nào cũng thế cả”.
Anh M. kể: Ngay khi mua đất, người chủ cho biết chỉ cần chi thêm 350 triệu đồng là sẽ được bao trọn gói, chỉ trong một tháng anh sẽ có nhà theo dạng chìa khóa trao tay. “Trong 350 triệu đồng đã bao gồm tiền xây dựng và chung chi. Thầu xây dựng sẽ lo hết và cam kết trong quá trình xây dựng sẽ không bị kiểm tra, xử lý” - anh M. cho biết.
Anh M. tiết lộ để thầu xây dựng bao trọn gói thì nhà không bị đập. “Còn nếu mình tự lo chung chi và tự xây mà không qua thầu xây dựng thì cũng không chắc là căn nhà sẽ được tồn tại nếu bị kiểm tra” - anh M. nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu đến cuối con hẻm 13D này, đa phần là nhà bọc tôn bên ngoài, bên trong là tường.
Một người ở cuối hẻm cho biết hai năm trước bà mua đất và phải chung chi mới xây được. “Hai năm trước toàn bộ khu này chỉ có hai căn, còn lại là ruộng và ao hồ nuôi cá. Đến nay thì ruộng và ao hồ đã được san lấp và nhà đã xây dày đặc hết rồi. Cả khu này toàn nhà xây lụi. Cũng có vài trường hợp bị lập biên bản, xử phạt, sau đó xây tiếp rồi ở yên ổn từ đó đến nay, chưa có ai bị đập nhà cả” - bà nói.
Cũng theo người này, các mảnh đất nông nghiệp ở đây được phân lô 4 x 15 m hoặc 4 x 16 m, mua bán giấy tay, dao động 600-700 triệu đồng. Người mua chung thêm 350 triệu đồng cho chủ thầu là có căn nhà hoàn thiện.
Ngày 21-12-2018, khu đất tại tổ 11, 12, đường Thới Hòa, ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có hai căn nhà xây lụi (ảnh nhỏ) nhưng đến ngày 26-2 đã mọc lên hàng chục căn nhà hai tầng kiên cố và nhiều móng đã hoàn thiện. Ảnh: VIỆT HOA
Chờ đập để biết cán bộ nào phụ trách
Không chỉ người dân mà cò đất, thầu xây dựng cũng khẳng định “chịu chung chi sẽ an toàn”.
Giới thiệu cho chúng tôi mua đất tại ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, cò đất tên S. cam kết sẽ bao luôn xây dựng. Người này cho hay: Sau khi mua đất nông nghiệp sẽ có một đơn vị thầu xây dựng đứng ra lo việc chung chi và xây dựng hoàn thiện căn nhà. “Trường hợp xấu nhất là bị kiểm tra và tháo dỡ thì nhà thầu sẽ trả lại tiền” - cò S. nói.
Để chứng minh, người này đưa chúng tôi tới một căn nhà cấp 4, bên ngoài bọc tôn, đã có sẵn đồng hồ điện vừa xây xong nhưng chưa có người ở tại đường Lại Hùng Cường, ấp 6A, xã Vĩnh Lộc B (lãnh đạo xã xác nhận là nhà không phép trên đất nông nghiệp). Anh ta cho biết mức chung chi 80-200 triệu đồng tùy mức độ kiên cố của căn nhà. Nếu chỉ xây khoảng 3 m tường, còn lại che tôn thì giá 80 triệu đồng, nhà hai tầng kiên cố, không bọc tôn là 180-200 triệu đồng.
Cũng theo cò S., nhiều trường hợp nhà thầu đổ móng giả, xây tạm rồi ngồi… chờ bị cưỡng chế. “Chỉ có cách đó mới biết được cán bộ nào phụ trách để biết đường lo. Chung chi xong thì xây dựng vô tư…” - cò S. nói.
Ngày 25-2, đến tổ 11, 12, đường Thới Hòa, ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A, chủ một đội thầu đang thi công căn nhà không phép cho hay là ông thường xuyên nhận thầu xây dựng các căn nhà không phép tại Bình Chánh nhưng đã chung chi, lo hết rồi nên không bị kiểm tra, xử lý.
Người này cho biết tiền chung chi là 200 triệu đồng, nếu tự xây sẽ đắt hơn và cũng không dám chắc căn nhà sẽ tồn tại. “Nếu chị tự lo, bên đô thị sẽ vào kiểm tra thường xuyên. Mỗi lần vào lại phải tốn thêm một ít cho đến lúc hoàn thiện. Còn chúng tôi xây số lượng nhiều sẽ rẻ hơn và quá trình xây cũng chẳng có ai tới làm phiền” - chủ thầu cho hay.
Lãnh đạo xã: Có nghe nhưng không có bằng chứng
Ngày 27-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A Phan Thanh Nhã cho biết ông mới về xã được ba tháng và chưa nghe tình trạng chung chi để xây nhà lụi.
Ông Nhã vẫn khẳng định là xã vẫn thường xuyên tuần tra, kiểm soát địa bàn. Khi chúng tôi đặt vấn đề “tại sao thường xuyên kiểm tra mà hàng chục căn nhà xây cạnh nhau hàng tháng trời vẫn không bị phát hiện?”, ông cho biết chưa kiểm tra pháp lý nên chưa dám chắc là những căn nhà chúng tôi đã nêu có phải xây dựng không phép hay không?!
Trong khi đó, ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, thì khẳng định ông có nắm thông tin. “Tuy nhiên, không có bằng chứng nên tôi cũng không dám khẳng định là có hay không có tình trạng chung chi, bảo kê và tiếp tay cho việc xây dựng không phép trên đất nông nghiệp” - ông Phong nói.
Trả lại tiền vì nhà bị đập Bà Tr. có căn nhà tại ấp 6A, xã Vĩnh Lộc B ba lần bị cưỡng chế vì xây lụi. Bà cho biết mỗi lần xây là một nhà thầu và họ cam kết bao tồn tại nhưng cả ba lần đều bị chính quyền xử lý. Lần sau cùng bị cưỡng chế, bà đã đưa cho nhà thầu hơn 200 triệu đồng và sau khi xây dựng không thành, nhà thầu đồng ý trả lại tiền nhưng theo cách trả góp mỗi tháng 1-2 triệu đồng! Chúng tôi biết có tình trạng chung chi để xây nhà không phép trên đất nông nghiệp nhưng việc chung chi hết sức tinh vi, chưa tìm ra bằng chứng để xử lý. Một cán bộ thanh tra xây dựng, Sở Xây dựng |