Ngày 17-11, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng. Nghị định mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống bảy ngày
Nghị định 80/2023 về kinh doanh xăng dầu mới ban hành đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập còn tồn đọng cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn thị trường xăng dầu hiện nay.
Đơn cử, về thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng… đã được điều chỉnh từ sáu tháng xuống ba tháng.
Bộ Công Thương lý giải việc rút ngắn thời gian rà soát các chi phí nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp. Qua đó tạo động lực cho doanh nghiệp (DN) tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa.
Chiều 17-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Nghị định 80/2023 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 17-11, do vậy thời gian điều hành giá xăng dầu trong kỳ điều hành tới đây sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm (23-11).
Cùng với rút ngắn thời gian rà soát các chi phí để tính giá cơ sở xăng dầu thì thời gian điều hành giá xăng dầu cũng được rút ngắn từ 10 ngày xuống bảy ngày và được thực hiện cố định vào thứ Năm hằng tuần. Nếu ngày thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên đán), việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu thứ Năm là mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào mùng 4 Tết.
Trường hợp ngày thứ Năm trùng vào ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ, thời gian điều hành giá thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu ngày thứ Năm trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ. Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng quyết định thời gian điều hành giá cho phù hợp.
Tăng đầu mối mua xăng cho đại lý bán lẻ
Nghị định mới cũng cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ tối đa ba nguồn, thay vì chỉ một nguồn duy nhất như quy định cũ.
Bộ Công Thương cho biết quy định này nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Đáng chú ý, Nghị định 80/2023 cũng bãi bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu. Nghị định mới còn bổ sung quy định về điều kiện kho chứa khi cấp giấy phép thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu.
Việc này nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các DN trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Đồng thời phân cấp cho Sở Công Thương địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của thương nhân trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, nghị định mới cũng sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân. Mục đích nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh việc làm đứt gãy đột ngột nguồn cung xăng dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng, khan hiếm.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được giám sát chặt chẽ hơn
Một điểm đáng chú ý là trong Nghị định 80, nhiều quy định mới được đưa ra để Quỹ bình ổn giá xăng dầu được giám sát chặt chẽ hơn.
Cụ thể, nghị định mới quy định thương nhân đầu mối có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá, hạch toán và theo dõi riêng quỹ này bằng tài khoản mở tại ngân hàng. Thương nhân đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá.
Về phía ngân hàng, thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá của DN theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Quy định này được đưa ra khi thực tế vừa qua đã có tình trạng thương nhân đầu mối xăng dầu bị ngân hàng cấn nợ bằng cách tự trích tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Ngoài ra, định kỳ sáu tháng, thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về Quỹ bình ổn giá xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.
Định kỳ trước ngày 15 hằng tháng, thương nhân đầu mối phải lập và gửi báo cáo về tình hình thực hiện quỹ của tháng trước liền kề, gồm số dư quỹ, số tiền trích vào quỹ, số tiền chi sử dụng quỹ, tiền lãi phát sinh trên số dư quỹ, tổng sản lượng, chủng loại xăng dầu trích lập, chi sử dụng… đến Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Nhà bán lẻ xăng dầu sẽ bớt bị chèn ép hoa hồng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số DN bán lẻ xăng dầu bày tỏ sự ủng hộ về việc ban hành nghị định mới về xăng dầu lần này. Theo đó, nhiều quy định mới đã được đưa vào để gỡ vướng cho những bất cập, tồn tại đối với DN bán lẻ xăng dầu thời gian qua.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc, cho biết: “Nghị định mới cho phép DN bán lẻ được lấy hàng ở ba nơi, điều này sẽ giúp chiết khấu được cải thiện, DN bán lẻ sẽ giảm bớt tình trạng bị chèn ép hoa hồng như thời gian qua”.