LTS: Thời gian gần đây, một số cán bộ Trường ĐH Luật TP.HCM đã gửi tâm thư cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề nghị làm rõ một số vấn đề, trong đó có nội dung quản trị tài chính của trường. Sau một thời gian điều tra, thu thập tư liệu, Pháp Luật TP.HCM nhận thấy một số nghi vấn sai phạm tại đơn vị này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kết luận ngày 29-12-2017 của Bộ GD&ĐT liên quan đến Trường ĐH Luật TP.HCM có nêu số thu tiền học lại của hệ vừa học vừa làm (VHVL) năm 2014 của trường này chỉ hơn 777 triệu đồng. Con số đó của năm 2015 là hơn 852 triệu đồng và của năm học 2016 chỉ hơn 939 triệu đồng.
Bất thường về số tiền học lại của hệ VHVL
Thế nhưng qua điều tra của PV, các con số trên khác xa với thực tế dữ liệu mà chúng tôi thu thập được của Công ty PSC, đơn vị đang quản lý các phần mềm học viên, sinh viên cho Trường ĐH Luật TP.HCM.
Theo tài liệu chúng tôi có được, tổng số tín chỉ học lại, cùng số tiền thu từ hệ VHVL trong các năm học 2013, 2014, 2015, 2016, 2017 mà trường báo cáo có sự chênh lệch rất lớn so với dữ liệu của Công ty PSC.
Cụ thể: Học kỳ (HK) 2 năm 2013-2014: Trường báo cáo chỉ thu 346 triệu đồng, tương ứng với 1.981 tín chỉ nhưng theo tài liệu chúng tôi thu thập được thì số tín chỉ đăng ký học lại lên đến hơn 8.000. Nếu tính ra thành tiền theo quy định tại thời điểm này thì số tiền tương ứng với số tín chỉ trên là hơn 1,4 tỉ đồng (chênh lệch hơn 1 tỉ đồng).
HK 1 năm 2014-2015: Trường báo cáo thu hơn 430 triệu đồng, tương ứng với 1.856 tín chỉ nhưng theo tài liệu chúng tôi thu thập được thì số tín chỉ đăng ký học lại lên đến hơn 16.000. Nếu tính ra thành tiền thì con số tương ứng lên đến hơn 3,7 tỉ đồng (chênh lệch hơn 3,3 tỉ đồng).
HK 2 năm 2014-2015: Trường báo cáo chỉ hơn 424 triệu đồng, tương ứng với 1.827 tín chỉ nhưng theo tài liệu chúng tôi thì số tín chỉ đăng ký học lại là 13.714. Nếu tính ra thành tiền thì con số tương ứng là hơn 3,1 tỉ đồng (chênh lệch hơn 2,7 tỉ đồng).
Tương tự, HK 1 năm 2015-2016: Trường báo cáo chỉ hơn 427 triệu đồng, tương ứng với hơn 1.600 tín chỉ nhưng theo tài liệu chúng tôi thì số tín chỉ đăng ký học lại lên đến hơn 12.000. Tính ra số tiền tương ứng là hơn 3,1 tỉ đồng (chênh lệch hơn 2,7 tỉ đồng).
Đến HK 2 năm 2015-2016, trường báo cáo thu 441 triệu đồng, tương ứng với 1.670 tín chỉ nhưng số tín chỉ theo tài liệu chúng tôi là 9.951, tính ra số tiền tương ứng là hơn 2,5 tỉ đồng (chênh lệch hơn 2,1 tỉ đồng).
Còn HK 1 năm 2016-2017, trường báo cáo thu hơn 497 triệu đồng, tương ứng 1.580 tín chỉ nhưng theo tài liệu chúng tôi thì số tín chỉ đó lên đến 10.101, tương ứng với số tiền 3,2 tỉ đồng (chênh lệch hơn 2,7 tỉ đồng).
Như vậy tính sơ bộ với những học kỳ trên, trong khi nhà trường báo cáo tổng số tín chỉ học lại là 10.516, tương ứng với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng thì tài liệu của chúng tôi thu thập được, số tín chỉ đó lên tới hơn 74.000. Nếu quy ra thành số tiền tương ứng thì mức tiền chênh lệch theo tài liệu của chúng tôi lên đến trên 14 tỉ đồng.
Trường ĐH Luật TP.HCM và những tài liệu liên quan đến việc thu tiền hệ vừa học vừa làm mà chúng tôi thu thập được. Ảnh: N.ĐỨC
Đăng ký học nhưng không có tên
Qua đối chiếu các tài liệu chính thức của Trường ĐH Luật TP.HCM, chúng tôi nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, nhất là đối với các số liệu ở các phiếu thu học phí học lại của hệ VHVL do bà Mai Quốc Thu Trang (thủ quỹ của nhà trường) lập ra. Theo đó, ở các phiếu thu tiền học lại do bà Trang lập ra, số môn học lại của rất nhiều học viên, cũng như số tín chỉ phải học lại của họ có sự khác biệt khá xa so với tài liệu của PSC cũng như các dữ liệu khác mà chúng tôi thu thập được.
Để làm rõ điều này, chúng tôi chọn ngẫu nhiên HK 2 năm học 2014-2015 để kiểm chứng. Đối chiếu với bảng điểm của một số sinh viên có tên trong danh sách được in từ dữ liệu của PSC, chúng tôi thấy rõ là những sinh viên này có học lại các môn như trong dữ liệu.
Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu ở HK trên có đúng là học viên đó đã học lại các môn tại các lớp đã đăng ký như dữ liệu PSC hay không. Qua đối chiếu, chúng tôi nhận thấy câu trả lời là “có”.
Chúng tôi thực hiện kiểm chứng này với 22 học viên và kết quả của tất cả trường hợp này hầu như là giống nhau. Trong khi đó, nhiều số liệu thống kê về số tín chỉ trong hai tài liệu này lại khác biệt so với các phiếu thu do bà Trang lập ra.
Chúng tôi xin nêu ra đây một số trường hợp chênh lệch tín chỉ cụ thể:
Đơn cử, học viên Đ.H.H. (MSSV: 8350010xx), số tín chỉ theo báo cáo của trường là 11 tín chỉ nhưng theo dữ liệu PSC, số tín chỉ đăng ký học lại của học viên này là 31 tín chỉ/13 môn (chênh lệch 20 tín chỉ).
Trường hợp khác là học viên N.H.T. (MSSV: 93550012xx) theo báo cáo của trường là 18 tín chỉ nhưng theo dữ liệu PSC, số tín chỉ đăng ký học lại của học viên này là 57 tín chỉ/23 môn (chênh lệch 39 tín chỉ).
Đặc biệt hơn, qua xác minh ngẫu nhiên từ báo cáo của trường và dữ liệu PSC, chúng tôi thấy có nhiều trường hợp học viên không có tên trong báo cáo của trường trong khi lại có tên trong dữ liệu PSC. Chúng tôi xác minh tiếp các trường hợp này trong dữ liệu của Phòng quản lý hệ VHVL của trường thì kết quả là có tên học viên đó. Đáng chú ý dữ liệu tín chỉ rất khớp với dữ liệu PSC mà chúng tôi có.
Chẳng hạn, học viên Ng.Ch.D. (MSSV: 093500xx) không có trong báo cáo của trường nhưng trong dữ liệu của Phòng quản lý hệ VHVL thì học viên này đăng ký học lại 47 tín chỉ/20 môn. Trường hợp khác là học viên T.V.Ch (MSSV: 0630xx), không có trong báo cáo của trường nhưng trong dữ liệu của phòng này thì học viên Ch. đăng ký học 44 tín chỉ/18 môn.
Để làm rõ các vấn đề liên quan, chiều 14-6, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với bà Mai Quốc Thu Trang. Tuy nhiên, bà Trang từ chối gặp gỡ trực tiếp với PV mà chỉ trả lời ngắn gọn qua điện thoại: “Tôi không thể trả lời vấn đề này” và đề nghị chúng tôi gặp gỡ PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Trước đó chúng tôi đã liên hệ với PGS-TS Trần Hoàng Hải nhằm làm rõ các vấn đề mà một số cán bộ, giảng viên của trường có tâm thư phản ánh, bức xúc về tài chính, công tác bổ nhiệm. Đến chiều 4-6, PGS-TS Trần Hoàng Hải phản hồi rằng ông bận công việc, đồng thời phản hồi một số vấn đề qua điện thoại.
Cụ thể, ông Hoàng Hải nói: “Hiện vụ việc đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đang làm rõ nên tôi cũng chưa thể trả lời gì được, mọi việc tôi điều hành trường cũng là từ cái tâm muốn trường phát triển. Tôi không có vấn đề gì về lợi ích nhóm hay cá nhân. Còn về tài chính thì Thanh tra Bộ đã từng kết luận trường có một số sai sót… Tôi chỉ nói vậy thôi chứ sự việc bức tâm thư tôi cũng chưa biết, còn các vấn đề khác thì Bộ đang làm, chờ Bộ có kết luận”.
Học viên xác nhận có học, báo cáo của trường không có tên Sáng 13-6, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với học viên T.V.Ch. Học viên này xác nhận có học lại tại trường và nộp lệ phí các môn học lại đầy đủ. Theo dữ liệu chúng tôi thu thập được, học viên T.V.Ch. trong HK này đã học lại 44 tín chỉ. Tuy nhiên, qua xác minh ngẫu nhiên, học viên Ch. không có tên trong danh sách trường báo cáo ở năm học trên. Trao đổi với học viên NTKP để xác minh việc HK 2 năm 2014-2015 chị học lại bao nhiêu môn và số tín chỉ phải học, chị P. cho biết đã học tại trường và đóng tiền đầy đủ các môn học. Chị P. nói không nhớ đã học lại bao nhiêu môn, tín chỉ nhưng số tín chỉ trong danh sách trường chỉ đưa là ba tín chỉ. Trong khi dữ liệu chính thức tại Phòng quản lý hệ VHVL thì con số đó lên đến 73 tín chỉ. Dữ liệu này cũng khớp với dữ liệu PSC mà chúng tôi thu thập được. |