Thai-League bắt đầu vượt V-League khi ông Tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan Ong Art Kosingkha từ quan bỏ tiền túi sang Anh học những nhà điều hành Premier League rồi về vận hành công thức của người Anh vào bóng đá Thái Lan. Đó là lý do Thái Lan có Thai-League, có FA Cup và League Cup hệt như bóng đá Anh. Nhưng quan trọng hơn là bóng đá Thái Lan đã có một tổng công trình sư cũng là một CEO điều hành bóng đá. Họ làm ra tiền và chia tiền cho các đội, hay nói đúng hơn là trả phần đóng góp, đầu tư cho các CLB một cách xứng đáng.
Ở V-League hay có thuật ngữ “xin tiền”, còn Thai-League là làm ra tiền dựa trên sản phẩm của mình.
Ở V-League gọi là cổ phần hóa ở các CLB nhưng đa phần còn dựa vào địa phương, xin tiền địa phương, còn ở Thai-League thì toàn bộ đội bóng hoạt động như một công ty.
Ngay cả Malaysia mới đây cũng học theo cách các CEO Thai-League làm. Đó là Tổng thư ký LĐBĐ Malaysia - ông Stuard Ramalingam được điều sang làm CEO cho Công ty tổ chức các giải chuyên nghiệp Malaysia (MFL) và lập tức kéo về nhiều đối tác lớn, lâu dài với bóng đá Malaysia.
Bóng đá Việt Nam qua mùa dịch này càng cho thấy vừa thiếu một CEO ở VPF lại vừa thiếu CEO ở các CLB. Cứ nhìn sang Đồng Tháp, tỉnh cho kinh phí một phần, doanh nghiệp nuôi một phần rồi tan nát đội bóng theo kiểu làm đầu này đắp đầu nọ. Hay Than Quảng Ninh bí bách quá trả đội bóng cho tỉnh rồi đẩy hết cầu thủ ra đường với khoản nợ lớn mà cầu thủ không biết đòi ai.