Theo ông Võ, hiện có một nghịch lý, nhiều dự án nhà ở giá rẻ – nhà ở xã hội có hỗ trợ từ nhà nước lại có giá cao hơn nhà ở giá rẻ thương mại bán tự do ngoài thị trường.
Nhìn nhận về thị trường hiện nay ông Võ cho rằng, nhà ở giá rẻ, cung vẫn thiếu, nhưng cầu lại cao. Tuy nhiên, nhiều người có nhu cầu thực không mua được trực tiếp từ chủ đầu tư, mà phải mua lại qua trung gian. Khi đó, họ phải trả tiền chênh lệch lên đến 200-300 triệu/căn.
Hình minh họa một dự án BĐS
“Gói 30 nghìn tỷ gần đây mở rộng đối tượng cho vay, theo đó người dân có thể vay tiền để xây nhà. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu nào cho người nghèo vay tiền lo chỗ ở. Bởi người ta vẫn e ngại “Tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống."" Ông Võ nói.
Về phân khúc nhà giá cao, ông Võ cho rằng không phải thị trường ngoảnh mặt với loại nhà này mà quan niệm về chỗ ở tốt và cách mua của người dân đã khác. Chỗ ở tốt không chỉ là nhà đẹp, nội thất đẹp, mà còn cần hòa đồng với thiên nhiên, có hàng xóm tốt, cơ sở hạ tầng đầy đủ.
Theo ông Võ, 500 tấn vàng vẫn còn nằm trong dân. Thị trường chưa thuyết phục được người dân bởi họ chưa yên tâm khi đổ tiền vào BĐS. Quản lý thị trường BĐS vẫn còn yếu kém vì thiếu số liệu, thiếu thông tin, thiếu sự phân tích, nhà đầu tư làm theo phong trào. “Vì vậy, cần có một cơ quan thông tin và dự báo về thị trường. Nếu nhà nước không làm được việc này, thì nên giao cho Hiệp hội BĐS Việt Nam làm.” Ông Võ hiến kế.
Thị trường BĐS ở ta đã qua ba lần sốt giá: lần sốt giá thứ nhất vào năm 1991-1992, đây là khi giá BĐS sốt nhất, tăng đến 10 lần, cơn sốt nhà đất thứ hai vào năm 2001-2003, cơn sốt thứ ba vào năm 2007-2008. “Giá BĐS tăng là quy luật tất yếu, nhưng khi vào cơn sốt, thì bao giờ cũng tăng hơn giá trị thực.” Ông Võ nói.