Từ năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam và huyện Đông Giang thống nhất chủ trương quy hoạch trồng cao su trên địa bàn huyện với diện tích hơn 13.000 ha, triển khai từ năm 2008 đến 2021.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm lấy đất, doanh nghiệp chỉ khai thác một phần trên mảnh đất rộng mênh mông, còn lại bỏ hoang trong khi người dân “khát” đất để canh tác.
Dân sẵn sàng trả lại tiền bồi thường
Được biết đơn vị thực hiện dự án là Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam (công ty) đã bồi thường cho người dân ở các xã Ba, Tư và A Ting (giai đoạn triển khai 1) để lấy 931 ha đất.
Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty. Từ năm 2009 đến nay, công ty đã trồng hơn 588 ha cao su rồi ngưng luôn.
Điều đáng nói là trong khi hàng trăm hecta đất bị doanh nghiệp bỏ hoang hóa thì dân địa phương lại thiếu đất sản xuất trầm trọng. Theo phản ánh của người dân, trước đó họ giao đất cho công ty với hy vọng chủ đầu tư sẽ làm tốt dự án, phát triển kinh tế địa phương, nhờ đó mà cuộc sống tốt lên. Tuy nhiên, đến nay kết quả hoàn toàn không như mong muốn.
“Gia đình tôi đã giao 1,8 ha đất cho công ty và nhận lại 14 triệu đồng tiền bồi thường. Sau nhiều năm, dự án không những không đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương mà còn khiến chúng tôi mất đất sản xuất. Nếu không triển khai được thì công ty hãy trả lại đất cho chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng trả lại số tiền công ty đã hỗ trợ” - ông Dương Phú Đức, một người dân ở xã Ba, cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Ba ở xã Ba cũng bức xúc vì gia đình ông đã ủng hộ chủ trương, giao 5 ha đất cho dự án. “Họ chỉ trồng cây cao su trên một phần đất, rất ít khi người của chủ đầu tư đến chăm sóc nên cây chết rất nhiều. Nếu công ty không tiếp tục thực hiện dự án được thì hãy giao lại đất để chúng tôi sản xuất” - ông Ba nói.
Nhiều diện tích trồng cao su bị bỏ hoang. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Địa phương kiến nghị thu hồi đất
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Ba, cho biết: “Những năm gần đây, nhận thấy đất trồng cao su trong dự án bị bỏ hoang, phần đã trồng thì không có người chăm sóc nên người dân đặt nghi vấn về hiệu quả dự án. Chúng tôi đã yêu cầu công ty đánh giá lại chất lượng mủ cao su cũng như có lộ trình giao lại đất không trồng cây cho địa phương để có hướng chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế hơn”.
Không chỉ ở xã Ba mà xã A Ting cũng đang trong tình trạng tương tự. Người dân giao đất để trồng cây từ tám năm trước nhưng công ty vẫn chưa triển khai. 64 ha diện tích đất trồng cao su dành cho cỏ mọc trong khi dân không có đất canh tác.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Hồ Quang Minh cho hay địa phương đã có văn bản báo cáo với UBND tỉnh Quảng Nam, đề xuất sớm có cách giải quyết đối với dự án trồng cao su trên địa bàn.
“Huyện đã kiến nghị tỉnh cần dừng việc mở rộng diện tích trồng cao su đối với Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam, chỉ cho phép công ty tiếp tục chăm sóc diện tích đã trồng. Đồng thời huyện kiến nghị thu hồi gần 323 ha đất đã giao công ty mà không được sử dụng để địa phương có phương án giao lại cho người dân canh tác hoặc có giải pháp lựa chọn nhà đầu tư khác, phát triển các dự án khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho địa phương” - ông Minh thông tin.
Theo ông Vũ Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam, dự án trồng cao su trên địa bàn huyện Đông Giang là 13.000 ha nhưng phía đơn vị chỉ giải phóng, bồi thường được hơn 911 ha và trồng cây trên 588 ha. “Trồng cao su không thể trồng thủ công mà phải đưa máy móc vào. Diện tích còn lại chưa thể đưa máy móc vào giải phóng mặt bằng nên đành để lại. Chúng tôi chưa trồng cây chứ không phải không trồng như người dân nghĩ” - ông Tuấn giải thích. |