Nghiên cứu làm đường sắt ngầm dưới sân bay Tân Sơn Nhất

(PLO)- Nếu tuyến đường sắt đoạn qua sân bay Tân Sơn Nhất được bố trí ngầm thì có ưu điểm là đi đường thẳng kết nối nhà ga T1, T2, T3 một cách nhanh nhất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay kết nối giữa hai cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành và Tân Sơn Nhất chỉ có tuyến đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành. Mới đây, trong báo quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM gửi Cục Đường sắt Việt Nam, đơn vị tư vấn đề xuất tuyến đường sắt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (trong đó có đoạn đi ngầm hoặc đi cao) đến CHKQT Long Thành trong tương lai.

Tuyến đường sắt nối hai sân bay

Cụ thể, liên danh tư vấn cho biết hiện nay nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất đang được xây dựng. Sau khi hoàn thiện, nhà ga Tân Sơn Nhất sẽ đáp ứng được công suất đến 50 triệu hành khách/năm.

Ngoài ra, CHKQT Long Thành được quy hoạch mỗi năm có công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa. Sân bay này đang được xây dựng giai đoạn 1 với nhà ga có công suất 25 triệu hành khách/năm và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

“Do đó việc kết nối giữa các nhà ga (T1, T2, T3) trong sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành cũng như liên kết với hệ thống giao thông bên ngoài và hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM cần được nghiên cứu và xem xét phù hợp, thuận tiện cho hành khách trong quá trình di chuyển” - đơn vị tư vấn nêu.

Theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM (phê duyệt năm 2007, điều chỉnh năm 2013), việc kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành thông qua các tuyến đường sắt đô thị là các tuyến số 4b, số 5, số 2 và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành. Chính vì vậy việc trung chuyển qua nhiều tuyến đường sắt đô thị sẽ gây khó khăn cho hành khách khi muốn qua lại giữa hai sân bay.

“Vì vậy, trong quy hoạch này tư vấn sẽ xem xét, nghiên cứu hướng tuyến và đề xuất tuyến đường sắt kết nối nội ngoại ô từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành” - liên danh tư vấn nêu lý do cần tuyến mới.

Đơn vị tư vấn đề xuất làm đường sắt nối giữa hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành, trong đó, đoạn sân bay Tân Sơn Nhất đi ngầm. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Đơn vị tư vấn đề xuất làm đường sắt nối giữa hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành, trong đó, đoạn sân bay Tân Sơn Nhất đi ngầm. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Nghiên cứu đi ngầm qua sân bay Tân Sơn Nhất

Theo báo cáo đầu kỳ của đơn vị tư vấn, hướng tuyến của tuyến đường sắt mới sẽ bắt đầu từ ga Bà Quẹo (tuyến đường sắt đô thị số 2) kết nối với nhà ga T3, T1 và T2 của sân bay Tân Sơn Nhất. Tuyến tiếp tục đi theo đường Bạch Đằng, đến Công viên Gia Định, dọc theo hành lang đường Phạm Văn Đồng. Sau đó tuyến đường sắt này sẽ chung hành lang với tuyến đường sắt quốc gia đến ga Bình Triệu.

Qua ga Bình Triệu tuyến rẽ phải và đi theo hành lang đường vành đai 2, đến khu vực nút giao Phú Hữu. Tại đây tuyến có thể kết nối hoặc trung chuyển với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đi CHKQT Long Thành. Chiều dài dự kiến tuyến khoảng 22 km.

Trong bình đồ dự kiến đoạn đi qua sân bay Tân Sơn Nhất, liên danh tư vấn đưa ra hai phương án. Trong đó, phương án 1 đường sắt đi cao trên cầu cạn nhưng phương án này phải đi vòng rất xa. Phương án 2 đường sắt đi ngầm với ưu điểm là đi đường thẳng kết nối nhà ga T1, T2, T3 một cách nhanh nhất.

“Hướng tuyến đề xuất kết nối nhà ga T3, T2 và T1 của sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có đoạn dự kiến đi ngầm qua khu vực kỹ thuật của sân bay” - báo cáo đầu kỳ đề xuất phương án.

Theo liên danh tư vấn, hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt chưa thể hiện rõ kết nối vận tải hành khách giữa các trung tâm, các CHKQT..., thiếu quy hoạch tuyến đường sắt kết nối xuyên tâm theo trục bắc, thiếu tuyến đường sắt kết nối trực tiếp từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành. Điều này khiến vận tải đường sắt gặp khó khăn, bất lợi trong việc cạnh tranh hành khách với hàng không, đường bộ và cạnh tranh hàng hóa giữa đường biển và đường bộ.

Đề xuất trên đây của liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam và Trung tâm Tư vấn - đầu tư phát triển GTVT mới là báo cáo đầu kỳ. Cục Đường sắt cho biết dự án lập điều chỉnh quy hoạch ngành đường sắt còn phải đưa ra lấy ý kiến của các địa phương trong thời gian tới.•

Điều chỉnh tuyến đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành

Hiện tại, theo quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, điều chỉnh năm 2013), chỉ có tuyến đường sắt kết nối với CHKQT Long Thành. Theo đó, hướng tuyến của tuyến đường sắt này bắt đầu từ ga Thủ Thiêm, đi song song về bên phải đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường sắt TP.HCM - Nha Trang.

Khi đến Km9+200 tuyến rẽ phải thì tuyến đi song song về bên trái đường vành đai 3 và vượt sông Đồng Nai. Sau khi vượt sông Đồng Nai, tuyến vẫn bám sát đường vành đai 3 và đi vào dải phân cách bên trái của đường vành đai 3 theo quy hoạch của huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Tiếp theo, tuyến rẽ trái và đi vào dải phân cách giữa Tỉnh lộ 25B, tới Km29+100 thì rẽ phải, tách ra khỏi Tỉnh lộ 25B và đi vào hướng CHKQT Long Thành. Chiều dài tuyến trong phạm vi nghiên cứu từ ga Thủ Thiêm đến ga CHKQT Long Thành là 37,35 km.

Trong dự án lập điều chỉnh quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực TP.HCM mà đơn vị tư vấn đang thực hiện, cũng có đề xuất điều chỉnh, cập nhật bổ sung thêm so với quy hoạch hiện hành được duyệt. Cụ thể là điều chỉnh vị trí depot về phía bắc sân bay Long Thành với diện tích khoảng 21,4 ha (quy hoạch trước đây depot bố trí ở phía nam sân bay Long Thành với diện tích khoảng 13 ha). Bổ sung và kéo dài đoạn tuyến từ ga Long Thành (ga ở trung tâm sân bay Long Thành) về phía bắc để kết nối với depot.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm