Ngọc Trinh và 'điều bất ngờ'

(PLO)- Trường hợp của Ngọc Trinh là khá hy hữu khi đương sự bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng chứ không phải các tội vu khống, làm nhục hay lợi dụng quyền tự do dân chủ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuyện Ngọc Trinh bị khởi tố bắt tạm giam, khiến nhiều người bất ngờ và có lẽ Ngọc Trinh càng không ngờ. Có thể cô và nhiều người khác coi như một trò chơi để câu view, nhưng các công cụ kỹ thuật và pháp luật đều cho phép định lượng hậu quả của hành vi ấy, chứ không chỉ là định tính.

Theo Điều 318 Bộ Luật Hình sự 2015, hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Ở khoản 2 với các tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

ngoc-trinh-bi-khoi-to-bat-giam (2).jpeg
Trần Thị Ngọc Trinh (nghệ danh Ngọc Trinh) bị khởi tố, bắt giam về tội gây rối trật tự công cộng. Ảnh: CATP

Trong vụ việc này, hành vi biểu diễn nguy hiểm, vi phạm luật giao thông thì đã rõ, Ngọc Trinh đã bị phạt 17 triệu đồng. Vậy khởi tố cô liệu có mâu thuẫn với nguyên tắc một hành vi chỉ bị xử lý một lần?

Không, phạt hành chính là chuyện ngoài đường, khi cô không có bằng lái và điều khiển xe 1000 phân khối ở các tư thế nguy hiểm. Còn gây rối trật tự là chuyện trên mạng xã hội. Thống kê của cơ quan công an cho thấy sau khi "biểu diễn", Ngọc Trinh có năm video clip và có hàng trăm ngàn lượt like, hàng vạn bình luận, chia sẻ. Bởi các trang cá nhân của cô có nhiều triệu người theo dõi. Có thể, cơ quan chức năng đã căn cứ vào sự tác động của các hành vi đó khi nó được cô chủ động lan truyền trên mạng, trực tiếp đăng tải.

Luật An Ninh mạng không phải là luật hình sự, nhưng khi vi phạm luật An ninh mạng ở mức độ xâm hại các khách thể mà luật hình sự bảo vệ (ở đây là trật tự an toàn xã hội) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm m khoản 1 Điều 5 Luật An ninh mạng quy định một trong các biện pháp bảo vệ an ninh mạng là khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự với những hành vi vi phạm

Điều 6 luật này quy định về bảo vệ không gian mạng quốc gia, nêu: Nhà nước áp dụng các biện pháp để bảo vệ không gian mạng quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.

Điều 9 Luật An ninh mạng quy định: Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Điều 16 Luật An ninh mạng nghiêm cấm kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng...;

Điều 18 về phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Cũng tại điều luật này, tại điểm e khoản 1 quy định: Hành vi khác sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Và một trong các cơ sở dẫn chiếu là Khoản 6, Điều 4 Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm Quyết định 874/2021 của Bộ TT&TT là người dùng mạng xã hội không được đăng tải các thông tin gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Chắc Ngọc Trinh không ngờ và một bộ phận dư luận xã hội cũng không ngờ. Đây là trường hợp khá hy hữu khi đương sự bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng chứ không phải các tội vu khống, làm nhục, lợi dụng quyền tự do dân chủ như với những bị can trước.

Quyết định khởi tố của công an qua những thống kê cụ thể và việc VKS phê chuẩn quyết định khởi tố, tạm giam cho thấy sự cân nhắc và quyết liệt của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, xử lý các hành vi nguy hiểm trên không gian mạng xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm