'Ngôi nhà' của hơn 400 bệnh nhân chạy thận

(PLO)- Khoa Nội thận - Lọc máu bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định trở thành "ngôi nhà" của hơn 400 bệnh nhân chạy thận nhân tạo trên địa bàn tỉnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đối với những bệnh nhân chạy thận nhân tạo, khoa Nội thận - Lọc máu ở bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định là “ngôi nhà” thứ hai của họ. Bệnh nhân ở đây, người ít thì vài ba năm, người nhiều thì phải từ 10 đến 15 năm gắn bó với khoa Nội thận - Lọc máu.

Theo thời gian, họ từ người bệnh đã thành người nhà, đã nhớ mặt đặt tên, một bữa chạy thận lọc máu thấy thiếu vắng một người là lòng dâng lên nỗi niềm nặng trĩu…

chạy thận
BS thăm, khám cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Khoa Nội thận-lọc máu BVĐK tỉnh Bình Định. Ảnh: THU DỊU

Năm mới, mong bình an...

Thường thì đầu giờ chiều mỗi ngày, khoảng 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tập trung trước ghế đá của khoa để chờ gọi tên theo số thứ tự. Theo định kỳ, mỗi bệnh nhân lọc máu ba lần/tuần. Với số lượng bệnh nhân đông, Khoa Nội thận - Lọc máu chia thành phiên ngày lẻ, ngày chẵn để đảm bảo cho bệnh nhân lọc máu kịp thời.

8.jpg
Khoảng 13 giờ 30 phút mỗi ngày, các bệnh nhân tập trung ở sảnh chờ để chạy thận nhân tạo theo thứ tự. Ảnh: THU DỊU

Ở trước sảnh chờ khoa Nội thận - Lọc máu, bệnh nhân ngồi xếp hàng, trò chuyện và hỏi thăm nhau chuyện Tết. Sau khi nghỉ cuối tuần, những bệnh nhân có lịch chạy ngày chẵn (thứ 2-4-6) bắt đầu chạy lại vào chiều thứ 2.

Ngồi ở sảnh chờ, trong lúc chờ tới ca chạy của mình, cô Đặng Thị Đậu (55 tuổi, ngụ phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), tâm sự cô chạy thận nhân tạo hơn bốn năm rồi.

Năm 2017, trong một lần đi khám sức khỏe tổng quát ở TP.HCM, cô Đậu được bác sĩ (BS) thông báo bị suy thận. Giai đoạn đầu, cô Đậu vào TP.HCM để thăm khám định kỳ. Bệnh vào giai đoạn trở nặng phải lọc máu định kỳ, BS khuyên cô về Bình Định để chạy lọc máu ổn định hơn. Năm 2020, cô Đậu thành “người quen” của Khoa Nội thận - Lọc máu đến nay.

sống đời chạy thận- 1.jpg
Cô Đặng Thị Đậu (Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) trò chuyện với điều dưỡng trong quá trình lọc máu. Ảnh: THU DỊU

“Đến lịch là cô từ quê đón xe vào khoa Nội thận - Lọc máu để điều trị. Khoảng 7 giờ 15 là cô lên xe, vào tới bệnh viện hơn 10 giờ. Tụi cô nghỉ ngơi ngay sảnh chờ này, người nào cũng mang theo cơm, đồ ăn, vừa trò chuyện vừa ăn cơm trưa tại đây luôn. Nếu vào trúng dịp đầu tháng, giữa tháng thì có tụi cô được nhận cơm miễn phí luôn, nhờ vậy cũng đỡ đi phần nào” - cô Đậu nói.

Theo lời cô Đậu, sau khi lọc máu xong, người mệt mỏi, mất sức. Do đó, sau mỗi ca bệnh, các điều dưỡng ở đây săn sóc, cho người bệnh nghỉ ngơi lấy sức, ổn định mới thông báo cho về.

“Vé xe từ Hoài Nhơn - Quy Nhơn và ngược lại là 90.000 đồng/vé/lượt, nhưng biết cô bệnh tật, chủ xe lấy 70.000 đồng thôi đó. Một tuần cô đi sáu lượt ra - về, nhiều lúc chủ xe còn miễn phí vài lượt và luôn để dành một ghế cố định, êm nhất cho cô. Vào đây, ai cũng cảnh khổ cả, nên có gì cũng san sẻ với nhau" -cô Đậu nói thêm.

Anh Thái Văn Tài, 43 tuổi (ngụ xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), có 13 năm chạy thận nhân tạo tại khoa Nội thận - Lọc máu BVĐK tỉnh chia sẻ:

"Mỗi một cái Tết, ba mẹ và tôi đều chỉ mong còn đủ sức để tới khoa Nội thận - Lọc máu mà thôi. Hồi trước có cả bệnh nhân ở các tỉnh khác, nhưng nay chủ yếu là người bệnh trong tỉnh. Chúng tôi tới theo lịch điều trị, lọc máu xong thì theo xe về nhà. Quen phác đồ điều trị rồi nên mọi người không vất vả nữa. Ở đây, chúng tôi như người nhà của BS, điều dưỡng nên ở nhà có gì là chúng tôi gọi báo BS liền”

6.jpg
Anh Thái Văn Tài tranh thủ chợp mặt trong khi chờ chạy lọc máu. Từ Phù Mỹ, hàng tuần anh Tài đón chuyến xe sớm vào BVĐK tỉnh chạy lọc máu theo lịch ba lần/tuần. Ảnh: THU DỊU

Làm điều tốt nhất cho bệnh nhân

Khoa Nội thận - Lọc máu BVĐK tỉnh Bình Định là một trong những khoa đặc thù. Dịp lễ, Tết, các BS, điều dưỡng ở đây đều tính toán, sắp xếp phù hợp nhất cho việc chăm sóc bệnh nhân.

BS CKII Võ Thanh Nam Bình, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định, cho biết khoa Nội thận - Lọc máu của BVĐK tỉnh luôn trong tình trạng hoạt động tối đa ca, máy. Bệnh nhân đông nên đội ngũ BS, điều dưỡng phân bổ thời gian, điều phối hợp lý để luôn đảm bảo cho sức khỏe của người bệnh.

"Hiện BV trang bị thêm máy chạy thận mới, thường xuyên cập nhật các kiến thức mới, kiến thức chuyên ngành trong quá trình lọc máu, giúp ổn định sức khỏe cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo" - BS Nam Bình thông tin

sống đời chạy thận2.jpg
Các BS, điều dưỡng thay phiên nhau để chăm sóc cho từng bệnh nhân trước, trong và sau khi lọc máu xong. Ảnh: THU DỊU

BS CKII Nguyễn Dũng, Trưởng Khoa Nội thận - Lọc máu BVĐK tỉnh thông tin thêm hiện khoa có 60 máy chạy thận nhân tạo, điều trị cho hơn 400 bệnh nhân nội, ngoại trú trên địa bàn tỉnh.

"Trước đây, khoa điều trị cho nhiều bệnh nhân các tỉnh lân cận. Khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi tư vấn cho bệnh nhân ngoài tỉnh chạy thận ở tỉnh mình thuận lợi hơn. Vì thế gần ba năm nay, việc tiếp nhận và chạy thận cho bệnh nhân ở ngoài tỉnh giảm dần" - BS Dũng nói

Cử nhân Nguyễn Thùy Lam, điều dưỡng trưởng tại khoa Nội thận - Lọc máu tâm sự: "Ở đây chúng tôi quen và nhớ hết những bệnh nhân của mình. Vào tới đây rồi, bệnh nhân không còn sự phân biệt nào nữa cả, chỉ mong mỗi đợt lọc máu sẽ giúp họ kéo dài hơn sự sống. Ngoài chuyên môn, bệnh nhân và điều dưỡng, BS tâm tình với nhau, nhiều lúc phải cho người bệnh thấy thêm những hy vọng để họ mỗi ngày một vui vẻ hơn"

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm