Thêm hy vọng cho bệnh nhân chạy thận

(PLO)- Các bệnh viện tại Bình Định nâng chất lượng điều trị cho các bệnh nhân chạy thận trong tỉnh và các địa bàn lân cận như Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tỉnh Bình Định hiện có hai cơ sở chạy thận nhân tạo là Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh và BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.

Hiện cả hai cơ sở này đang tiếp nhận và điều trị thường xuyên cho khoảng 420 bệnh nhân chạy thận nội, ngoại trú. Đặc biệt, hai đơn vị này là nơi tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân chạy thận từ các tỉnh lân cận như Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum.

Cả cuộc đời gắn với máy chạy thận

Cuối năm 2018, BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định) đưa vào hoạt động đơn vị thận nhân tạo. BV trang bị ba máy chạy thận nhân tạo và điều trị cho 20 bệnh nhân nội, ngoại trú. Các bệnh nhân lọc máu theo chu kỳ ba lần/tuần, theo phác đồ điều trị của bác sĩ (BS).

Bệnh nhân Từ Châu Trung (56 tuổi, quê thị xã Sông Cầu, Phú Yên) điều trị tại BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa gần một năm. Ông Trung bị suy thận mạn, viêm phổi và suy mạch vành, do vậy định kỳ ông Trung lọc máu ba lần/tuần.

w-P13_chay than_h1 .jpg
BS CKI Trần Văn Định, phụ trách đơn vị thận nhân tạo BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: THU DỊU

Các ảnh hưởng của suy thận mạn và suy mạch vành khiến sức khỏe của ông giảm sút. Trước đó, ông Trung chạy thận ở BV Tuy Hòa (TP Tuy Hòa, Phú Yên). Sau dịch COVID-19, cuối năm 2022, ông Trung chuyển ra đăng ký điều trị tại BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.

“Ngay khi có thông tin về đơn vị thận nhân tạo của BV này, tôi chuyển ra đây điều trị. Ở đây, tôi được các BS, nhân viên y tế chăm sóc chu đáo, rất yên tâm. Mặt khác, nhà tôi ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) di chuyển ra đây thuận tiện hơn nhiều” - ông Trung nói.

Nhu cầu bệnh nhân chạy thận tại Bình Định rất cao. BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa triển khai chạy thận cho bệnh nhân từ năm 2018 đến nay. Mỗi ngày BV chạy lọc máu cho hàng chục ca bệnh; đang điều trị thường xuyên cho 20 bệnh nhân, cả nội trú và ngoại trú. Bệnh nhân từ Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên đến cũng rất đông.

Còn ông Đỗ Văn H (40 tuổi, ngụ huyện Tuy Phước, Bình Định) đang điều trị ngoại trú tại khoa Nội thận - Lọc máu BV đa khoa tỉnh Bình Định cho biết một tuần ba lần ông xuống BV lọc máu và theo dõi các chỉ số về sức khỏe.

“Những bệnh nhân bị suy thận mạn như chúng tôi xác định “sống chung” với máy chạy thận cả đời. Nay 40 tuổi, tôi đã phải chạy thận hai năm. Bệnh suy thận mạn khiến tôi không còn sức lao động, ảnh hưởng lớn đến đời sống của tôi và gia đình” - ông H nói.

Thêm hy vọng cho bệnh nhân chạy thận

BS Võ Thị Kim Ngân, khoa Nội thận - Lọc máu BV đa khoa tỉnh Bình Định, chia sẻ: Do số lượng bệnh nhân đông và cơ sở vật chất tại BV cũng chưa bằng tuyến cao nên việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân còn thiếu nhiều. Rất nhiều bệnh nhân chạy thận bị hội chứng chuyển hóa như gãy xương bệnh lý hoặc cường tuyến cận giáp thứ phát.

Các bệnh nhân chạy thận đối mặt với nhiều nguy cơ biến chứng, giảm sút sức khỏe. Thêm nữa, hầu hết bệnh nhân qua nhiều năm chạy thận bị mất sức lao động, kinh tế khó khăn, do vậy việc cải thiện các điều kiện dinh dưỡng cũng rất khó.

Đội ngũ BS, nhân viên y tế ở các đơn vị chạy thận tại Bình Định đã nỗ lực tiếp cận nhiều giải pháp, kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành, các BV lớn để ứng dụng trong quá trình điều trị ở đơn vị. Mục tiêu là kéo dài sự sống, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

Trong hai ngày 20 và 21-10, thông qua phiên đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị khoa học thường niên của Hội Lọc máu Việt Nam, các đội ngũ BS, nhân viên y tế của BV đa khoa tỉnh Bình Định, BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa đã tiếp cận được nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị.

BS Võ Thị Kim Ngân chia sẻ thêm: Qua hội nghị này và nhiều hội nghị trước nữa, các BS thấy triển khai lọc máu hấp phụ rất tốt cho bệnh nhân của mình. Kỹ thuật này vừa giảm được rối loạn trong hội chứng chuyển hóa vừa giảm tình trạng ngứa, tình trạng tràn dịch màng phổi... Thời gian tới, các BS của khoa sẽ tham mưu để triển khai kỹ thuật này cho bệnh nhân.

Theo BS CKI Trần Văn Định, phụ trách đơn vị thận nhân tạo BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, thông qua hội nghị, các BS trong ngành đã tiếp thu nhiều kiến thức, vấn đề chuyên sâu. Chẳng hạn như vấn đề khắc phục rối loạn chuyển hóa làm tăng các yếu tố nguy cơ đột quỵ tim mạch, loãng xương, thiếu máu, rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp kháng trị. Những vấn đề này nếu không xử lý tốt dễ dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống cũng như tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 do Hội Lọc máu Việt Nam tổ chức tại TP Quy Nhơn (Bình Định) quy tụ 1.200 chuyên gia, BS, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực lọc máu. Tại hội nghị, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ quá trình điều trị nhằm cung cấp thêm giải pháp phù hợp cho các BV điều trị thận nhân tạo.

TS NGUYỄN HỮU DŨNG, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm