Kiến trúc sư danh tiếng nhất thế kỷ 20 Le Corbusier có một câu nói đại ý rằng diện mạo của một TP có tuổi đời lâu năm giống như một khuôn mặt người lớn tuổi. Mặt người lớn tuổi thì không thể không có nếp nhăn, vết nám, thậm chí cả vết sẹo. Nhưng đó mới là khuôn mặt người, nếu không, chúng là khuôn mặt của ma nơ canh, bóng mịn, vô hồn.
Những di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc chính là những nếp nhăn của khuôn mặt TP.
Những nếp nhăn chỉ còn trong ký ức
So với Hà Nội và nhiều TP lớn khác như Bangkok, Jakarta, Bắc Kinh… thì Sài Gòn- TP.HCM không có nhiều di sản và di tích hoành tráng. Một phần là do TP này có tuổi đời còn khá trẻ, phần khác là do chiến tranh liên miên, thời gian tĩnh lặng để tập trung đầu tư vào những công trình ra tấm ra món không dài.
Mặc dù vậy, hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn-TP.HCM cũng có được một gia sản khá tươm tất với nhiều công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi được đi vào thơ ca, hội họa, nhiếp ảnh vì vẻ đẹp của nó. Trong những năm chiến tranh, các di sản ấy không hề suy suyển bởi chiến sự hầu như không diễn ra ở nội thành, trừ một vài trận đánh theo mục tiêu không dính dáng đến các di sản kiến trúc.
Nhưng điều đau xót ở chỗ một loạt di sản lịch sử-kiến trúc bị biến mất lại diễn ra vào thời kỳ đô thị hóa nhanh từ sau năm 1990. Liệu mai này các bạn trẻ có biết rằng TP chúng ta từng có một ụ tàu lớn nhất Đông Nam Á; trong Thảo Cầm viên từng có một cây cầu sắt; trong khuôn viên của Sở Cảnh sát PCCC từng có một tháp quan sát cháy nổ đầu tiên của TP; ở kênh Hàng Bàng, quận 6 từng có một cây cầu ba cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á; khu trung tâm từng có một công viên có tên Chi Lăng, từng có một quán cà phê nổi tiếng mang tên Sài Gòn Givral - nơi mà nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn hầu như ngày nào cũng ngồi uống cà phê ở đây; rồi thương xá Tax, hàng cây trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng và còn nhiều hạng mục khác nữa…
Tất cả dần biến mất, không còn lại dấu vết nào, giống như chúng chưa hề có mặt ở TP này.
Một góc dinh Thượng thơ của thành Gia Định xưa được xây dựng vào những năm 1860, nay là trụ sở Sở TT&TT và Sở Công Thương, tọa lạc số 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Người dân tham quan phối cảnh trung tâm hành chính mới của TP.HCM tại Trung tâm Trưng bày triển lãm thành phố (92 Lê Thánh Tôn, quận 1). Ảnh: HOÀNG GIANG
Dinh Thượng thơ và công trình hiện đại
Ai cũng biết việc cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và xây mới ở khu vực trung tâm TP có tuổi đời hơn 300 năm thì thế nào cũng động chạm đến phần cổ, phần cũ của cơ thể TP. Trong nhiều trường hợp bất khả kháng thì việc đánh đổi là phải chấp nhận, khi mà cái giá của sự hy sinh tuy là đau xót nhưng cái được đem lại lợi ích lâu dài và lớn gấp nhiều lần.
Dẫu là vậy nhưng ở các nước người ta cân nhắc, đắn đo dữ lắm! Chỉ nội việc thay loại nắp cống gang bằng nắp cống thép ở Nhật mà người ta phải hội thảo, trưng cầu dân ý cả năm trời, hội đồng TP mới dám quyết. Còn ở ta thì sao?
Mới đây nhất, TP.HCM muốn xây dựng mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP bằng một công trình cực kỳ hiện đại, mang hình dáng các cuốn sách chồng lên nhau, chiếm trọn bốn mặt tiền ô phố ở trung tâm. Để thực hiện công trình đồ sộ này thì phải phá bỏ tòa nhà cổ hình chữ U ở 59-61 Lý Tự Trọng được xây dựng năm 1860 theo phong cách kiến trúc Pháp thuộc địa, mà người dân ngày xưa gọi là dinh Thượng Thơ hay dinh Ông Thượng.
Ngay sau khi cuộc triển lãm để lấy ý kiến người dân về công trình này khai mạc tại trung tâm triển lãm, đã có cuộc tranh luận khá dữ dội quanh tòa nhà này. Những người hoài cổ thì muốn giữ lại vì cho rằng nó là một công trình có giá trị, hơn thế nữa cần phải xem xét nó trong một tổng thể liên hoàn các công trình khác nằm trong khu phố Tây cũ (khoảng 5,7 km2) chứ không tách nó riêng ra độc lập. Những người khác thì cho rằng giữ nó làm chi tốn tiền và công trình này có kiến trúc đơn giản, ít giá trị nghệ thuật.
Cần phải đánh giá kỹ lưỡng!
Số người muốn giữ lại có vẻ đông hơn nhưng lại xuất phát từ cảm xúc và ký ức, còn nhóm muốn phá bỏ thì có vẻ mạnh hơn về pháp lý, bởi theo quy định, các công trình không nằm trong danh mục di sản hay bảo tồn thì có thể xem xét phá bỏ.
Lâu nay hầu hết người dân TP đều nghĩ rằng tòa nhà Bưu điện TP, nhà thờ Đức Bà, tòa nhà UBND TP, tòa nhà TAND TP, Bảo tàng TP.HCM và một số công trình khác nữa là di sản kiến trúc hay ít ra là công trình cần bảo tồn. Xin thưa là không! Ở TP.HCM, các di tích được xếp hạng gồm một di tích quốc gia đặc biệt và 53 di tích quốc gia (gồm 25 di tích lịch sử, 26 di tích kiến trúc nghệ thuật, hai di tích khảo cổ), trong đó không hề có các công trình vừa nêu tên nói trên! Và tất nhiên, công trình dinh Ông Thượng cũng không có trong danh mục này!
Điều ngạc nhiên là ngoài 54 công trình nói trên, ở TP.HCM hiện chưa có danh mục các công trình di tích cấp TP và các công trình không phải di tích nhưng thuộc diện cần phải bảo tồn. Chính vì vậy, mỗi khi xây một công trình mới cần phải phá bỏ một công trình cũ hay làm ảnh hưởng đến công trình cũ, chúng ta lại phải họp hành, xem xét lên xuống.
Trở lại dinh Thượng Thơ, theo tôi, trước mắt TP cần thành lập ra một hội đồng liên ngành xem xét kỹ lưỡng giá trị của tòa nhà này. Chỉ sau khi có quyết định giữ lại hay phá bỏ dinh Thượng Thơ thì mới bàn tiếp đến chuyện thiết kế, quy mô, hình dáng, màu sắc của công trình thay thế.
TP nào cũng phải phát triển, rộng lớn hơn, hiện đại hơn, do vậy nhiều công trình xưa cũ có thể phải phá bỏ, cải tạo, thay thế. Nhưng vượt lên trên tất cả là thái độ của chúng ta đối với lịch sử. Một khi biết trân trọng, nâng niu thì sẽ tìm ra những giải pháp hợp lý nhất, ít tổn thất nhất, không chỉ về cảnh quan, mà hơn hết là tình cảm của những người yêu quý TP này.