Ngư dân đưa rác về bờ: Chung tay làm sạch biển

(PLO)- Với mô hình Ngư dân đưa rác về bờ, cứ sau mỗi chuyến đánh bắt trở về, bên cạnh nguồn lợi hải sản, ngư dân Phú Yên còn mang theo hàng chục ký rác vào bờ để tập kết, xử lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hoạt động trên nằm trong mô hình ngư dân đưa rác về bờ được Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Phú Yên triển khai giữa năm 2024. Đến nay, mô hình đã đạt nhiều kết quả thiết thực, đông đảo bà con ngư dân đồng tình ủng hộ.

Thuyền về mang theo rác thải

Vừa cập cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) sau hơn một tháng khai thác thủy sản trên biển), ông Võ Quốc Nguyện, thuyền trưởng tàu cá PY-90945, cho biết đợt này tàu của mình thu gom được hơn 10 kg rác thải trong quá trình đánh bắt trên biển.

“Số rác này được bạn thuyền thu gom khi đánh bắt hải sản. Giờ anh em sẽ đưa số rác thải này tập kết tại các thùng rác do Ban Quản lý cảng cá Đông Tác bố trí sẵn để xử lý”- ông Nguyện nói và cho biết đây là chuyến biển thứ hai ông thực hiện việc đưa rác thải về bờ.

Ngư dân đưa rác về bờ
Rác thải được ngư dân thu gom trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển, đưa vào bờ xử lý. Ảnh: MQ

Theo ông Nguyện, trước đây, rất ít ngư dân quan tâm đến việc thu gom. “Rác thải sinh hoạt như chai nhựa, vỏ lon, bao ni lông, ngư lưới cụ hay đồ dùng hư hỏng đều bị vứt xuống biển với số lượng rất nhiều. Do vậy, nếu mỗi người đều ý thức được việc thu gom dù ít hay nhiều đều giúp môi trường biển sạch hơn” - ông Nguyện nói.

Theo quan sát, trong buổi sáng hàng chục tàu cá khi cập bờ đều mang theo rác thải đã thu gom trên biển bỏ vào thùng được ban quản lý cảng cá bố trí sẵn.

Vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, thuộc thị xã Sông Cầu và một phần huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), có gần 4.000 hộ dân nuôi trồng thủy sản với tổng cộng hơn 140.000 lồng bè nuôi.

Thống kê của chính quyền cho thấy khu vực này có số lượng lồng bè nhiều gấp 3,8 lần so với quy hoạch, dẫn đến nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước. Điều này cũng dẫn đến tình trạng nguồn nước ở khu vực này bị ô nhiễm nặng, môi trường nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mới nhất, chỉ trong tháng 5 và 6-2024, tại vùng nuôi trồng thủy sản ở thị xã Sông Cầu đã xảy ra hai vụ tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt. Tổng thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng. Nguyên nhân chính được cơ quan chức năng xác định là do ô nhiễm môi trường nước.

Ông Võ Nhật Nam, hộ dân nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài, cho biết từ khi biết nguyên nhân làm tôm, cá chết là do ô nhiễm nguồn nước, ông đã ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh tại khu vực lồng bè của gia đình.

Theo ông Nam, thời gian gần đây, ông đã kiểm soát lượng thức ăn vừa đủ để không quá dư thừa tràn ra môi trường. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên vệ sinh lồng bè, thu gom rác thải xung quanh tập kết đem vào bờ tiêu hủy.

“Mình cũng mong các hộ dân khác cùng chung tay giữ gìn vệ sinh để nguồn nước bớt ô nhiễm, tạo thuận lợi cho tôm, cá sinh sống” - ông Nam bày tỏ.

Hướng đến không gian biển sạch rác thải

Theo Ban Quản lý các cảng cá Phú Yên, mô hình Ngư dân đưa rác về bờ được đơn vị triển khai từ tháng 5-2024, tại bốn các cảng cá lớn là Đông Tác, Phú Lạc, Tiên Châu và Dân Phước.

3.jpg
Hộ nuôi thủy sản trên vịnh Xuân Đài đưa rác thải lên bờ để cơ quan chức năng xử lý. Ảnh: MQ

Ngoài tuyên truyền, cơ quan chức năng còn tiến hành cho ngư dân, chủ tàu cá, hộ nuôi thủy sản ký cam kết thực hiện mô hình, thu gom rác thải. Đến nay, có khoảng 340 tàu cá ký cam kết tham gia thực hiện. Ban quản lý cũng hỗ trợ mỗi tàu cá tham gia hai túi lưới để đựng rác thải.

Ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Phú Yên, cho biết đến nay đa phần ngư dân trên địa bàn đều hưởng ứng tích cực mô hình Ngư dân đưa rác về bờ. Hàng tấn rác thải đã được ngư dân thu gom, đưa về bờ, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND thị xã Sông Cầu cho biết đã chỉ đạo cho cơ quan, đơn vị liên quan triển khai phương án thu gom xử lý chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông.

Kể từ khi triển khai mô hình Ngư dân đưa rác về bờ đến nay, 100% hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bảy xã, phường thuộc thị xã Sông Cầu cam kết tham gia. Người dân sẽ thu gom, đem tất cả rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển vào bờ để xử lý.

Cơ quan chức năng cũng đã xây dựng 54 điểm tập kết rác thải tại những khu vực ven biển để người dân bỏ rác và sau đó có công nhân môi trường đến thu gom.

Lãnh đạo UBND thị xã Sông Cầu thông tin

4.jpg
Rác thải thu gom trên biển được ngư dân tập kết tại các điểm do ban quản lý cảng cá bố trí sẵn. Ảnh: MQ

Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết để triển khai phương án thu gom xử lý rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận cùng thực hiện.

Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành cũng chú trọng thực hiện phương án giao mặt nước biển cho người dân nuôi trồng thủy sản. Qua đó, giúp người dân yên tâm nuôi trồng, đồng thời có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi của mình.

Cùng với công tác thu gom, xử lý rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, hiện Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đang trình UBND tỉnh phê duyệt đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, địa phương đang tiến hành quy hoạch chi tiết vùng nuôi, sắp xếp và giao mặt nước nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân để có sự tham gia quản lý, giám sát chặt chẽ và bảo vệ môi trường từ cộng đồng.

Mô hình Ngư dân đưa rác về bờ do Sở Sở NN&PTNT phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Phú Yên phát động. Ban Quản lý các cảng cá Phú Yên triển khai thực hiện cùng sự hỗ trợ của một số tổ chức. Mục tiêu phấn đấu của mô hình này sẽ có khoảng 500 tàu cá cam kết đưa rác thải về bờ.

Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt các hành vi xả thải ra môi trường biển, góp phần bảo vệ đại dương xanh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm