Ngủ gục khi lái xe máy, 2 thiếu niên đâm vào tường gãy chân, chấn thương thận

(PLO)- Ngủ gục khi lái xe máy, hai thiếu niên 15 tuổi đâm xe vào tường. Người cầm lái bị gãy chân, người ngồi sau chấn thương thận nặng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-4, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) tổ chức thông tin về ca bệnh chấn thương thận trái độ 4, được can thiệp mạch điều trị.

Bác sĩ (BS) Trần Đại Phú, khoa Ngoại thận - Tiết niệu BV Nhi đồng 1, cho biết bệnh nhân là ĐTA (15 tuổi, ngụ TP.HCM) được bạn chở bằng xe máy đi chơi ở Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Người bạn cầm lái ngủ gục nên bị lạc tay lái, xe đâm vào tường nhà dân.

Người bạn cầm lái gãy chân, còn A bị đụng lưng hông vào vách tường. Sau khi được sơ cứu tại BV Vũng Tàu, A được chuyển đến BV Nhi đồng 1.

Qua kiểm tra, BS ghi nhận bệnh nhân A bị chấn thương thận trái độ 4, tụ dịch và máu bao quanh thận phải. Bệnh nhân được hồi sức và truyền 500 ml máu, điều trị bảo tồn giữ thận.

Tuy nhiên đến ngày thứ 7, bệnh nhân tiếp tục xuất huyết nên được truyền thêm 500 ml máu và hội chẩn, tiến hành can thiệp mạch máu (bít lỗ rò chảy máu). Hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện trong ngày 15-4.

chấn thương thận -1
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân chấn thương thận trước khi xuất viện. Ảnh: P.T

Theo BS Phú, trước đây với những ca chấn thương thận tương tự, bác sĩ BV Nhi đồng 1 sẽ mổ mở cầm máu. Tuy nhiên phương pháp này khó xác định vị trí chính xác mạch máu bị chảy, dẫn đến tình trạng phải cắt bỏ thận. Trong trường hợp không cắt bỏ thận thì các sang thương trong quá trình tiếp cận gây ra di chứng, biến chứng của thận về mặt hình thái và chức năng.

Điều trị chấn thương thận chủ yếu bằng phẫu thuật mở truyền thống tuy có thể cứu sống tính mạng bệnh nhân vỡ thận nặng nhưng là một phương pháp can thiệp phức tạp, nhiều biến chứng, nguy cơ cắt bỏ thận cao. Hiện nay, nhờ những tiến bộ của X-quang và can thiệp nội mạch mà xu hướng điều trị bảo tồn tối đa thận chấn thương ngày càng được thống nhất và áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Trường hợp bệnh nhân này được BS dùng kỹ thuật can thiệp mạch điều trị chấn thương thận. Đây là ca thứ hai tại BV Nhi đồng 1 áp dụng kỹ thuật này. Ca can thiệp mạch đầu tiên vào một năm trước, qua nhiều lần tái khám, hiện tại tình trạng bệnh nhân đó cũng đã ổn định.

Thận là cơ quan trọng yếu nên cần can thiệp khẩn cấp. Hơn 90% ca chấn thương thận là độ 1, 2, 3. Hầu hết chấn thương thận dưới độ 4, thậm chí là độ 5 được điều trị bảo tồn (nếu không chảy máu tái phát).

Chấn thương thận hầu hết là chấn thương kín, chỉ thấy xây xát, bầm bên ngoài da. Trường hợp không phát hiện được chấn thương thận giai đoạn sớm, triệu chứng xuất hiện muộn là chảy máu (tiểu ra máu), đau nhiều hơn.

Do đó, khi bị tai nạn vùng bụng, hông lưng, cần đến cơ sở y tế gần nhất để tầm soát chấn thương thận.

BS TRẦN ĐẠI PHÚ - khoa Ngoại thận - Tiết niệu (BV Nhi đồng 1)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm