Sau hai vòng đấu, V-League bị tạm hoãn một phần của lượt tiếp theo do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trùng với kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Hơn một tháng sau, cuộc chơi mới trở lại bằng các trận đấu bù vòng 3 từ ngày 13-3 cho đến ngày 18-4 sẽ hoàn thành 10 vòng đấu. Ít nhất phải đến hết tháng 7, khi các CLB và thầy trò HLV Park Hang-seo tham gia các đấu trường quốc tế, giải đấu mới tái xuất đá dồn dập để kịp về đích.
Viettel là đội bóng mệt mỏi nhất với mật độ thi đấu dày đặc cả trong nước lẫn quốc tế rồi lại phải cách ly sau khi trở về nước. Ảnh: NGỌC DUNG
Do thời gian quá gấp gáp để kết thúc trong tháng 9, giúp các đội tuyển quốc gia thi đấu nhiều mặt trận quốc tế cho đến hết năm 2021 nên mùa giải V-League có mật độ thi đấu dày đặc kỷ lục. Tất cả CLB đều chỉ có 3-4 ngày nghỉ, nhiều nhất là năm ngày, thay vì thông thường một tuần vừa hồi phục, di chuyển và làm quen sân khách.
Có quá nhiều thứ phát sinh trong mùa dịch bệnh, các nhà tổ chức V-League thậm chí vẫn chưa thể tính toán cụ thể lịch thi đấu sau vòng 10 nhưng chắc chắn sẽ chạy đua rối rít với thời gian.
Chính bởi mật độ thi đấu không kịp hồi phục đầy đủ sinh lực, các CLB sẽ toan tính hết cỡ nền tảng thể lực cho cầu thủ lẫn xoay tua đội hình để bảo đảm chất lượng đội hình. Trong đó, nhà đương kim vô địch Viettel không ngờ phải chịu nhiều thiệt thòi nhất vì từ cuối tháng 4, thầy trò HLV Trương Việt Hoàng lên đường sang Thái Lan dự vòng bảng AFC Champions League 2021 với toàn đối thủ sừng sỏ của châu lục. Trở về Việt Nam đầu tháng 5, họ phải tuân thủ quy định cách ly 14 ngày mới có thể tiếp tục cuộc chơi trong nước.
Những tuyển thủ quốc gia cũng sẽ mất nhiều sức hơn đồng nghiệp trong ba tuần (từ ngày 22-5) tập trung đội tuyển chuẩn bị cho các trận vòng loại thứ hai World Cup 2022 dự kiến tổ chức tại UAE. Thầy trò ông Park lần lượt gặp Indonesia, Malaysia và chủ nhà UAE, rồi khi trở về nước lại phải cách ly nửa tháng sau mới trở lại sân cỏ.
Hai đội Sài Gòn FC và Hà Nội dễ thở hơn một chút vì đến cuối tháng 6 mới đá vòng bảng AFC Cup. Họ cũng phải mất cả tháng, tính thêm thời gian cách ly sau khi hoàn thành cuộc chơi và tái xuất V-League. Sài Gòn FC chủ động hơn với đề xuất đưa vòng bảng AFC Cup về chơi tập trung trên sân Thống Nhất nhưng phải chờ sự đồng ý của các đối thủ.
Đây là thời điểm khó khăn của nhiều CLB khi phải chạy đua về đích trong khoảng thời gian hạn hẹp với lịch thi đấu khắc nghiệt mà ngựa hay đường ngắn sẽ trở nên đặc biệt hơn ở một mùa giải đặc biệt.•
Vừa đá vừa chống COVID-19 Ban điều hành giải VPF thông báo cho các CLB ít nhất bốn ngày trước trận đấu phải đưa ra hình thức tổ chức thi đấu có khán giả, hạn chế hoặc đóng cửa sân, sau khi có xác nhận của chính quyền địa phương. Hiện tại, một số điểm nóng phải đóng kín sân như hai trận đấu bù Than Quảng Ninh - TP.HCM, Hải Phòng - Hà Nội, Viettel - B. Bình Dương. Các sân bóng khác như Pleiku, Hòa Xuân, Thống Nhất, Hà Tĩnh, Thiên Trường, Quy Nhơn... cũng rất thận trọng nghe ngóng tình hình và hầu như sẽ không đón khán giả hoặc rất hạn chế khi dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn với tiêu chí an toàn là trên hết. TT |