Theo thông tư, việc hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện đối với vụ việc đã có văn bản có căn cứ yêu cầu bồi thường gồm những nội dung: Quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại; trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường; trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; phục hồi danh dự; việc chi trả bồi thường.
Điều 7 thông tư quy định Bộ Tư pháp hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước trong các trường hợp sau đây:
- Vụ việc đã được UBND cấp tỉnh hướng dẫn mà người bị thiệt hại tiếp tục yêu cầu Bộ Tư pháp hướng dẫn;
- Vụ việc yêu cầu bồi thường mà cơ quan quản lý trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở trung ương có trụ sở ở TP Hà Nội giải quyết yêu cầu bồi thường.
Cục Bồi thường nhà nước giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ này.
Còn UBND cấp tỉnh hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước trong phạm vi địa phương mình. Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này.
Cạnh đó việc hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước căn cứ vào văn bản yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn của người bị thiệt hại.
Trường hợp người bị thiệt hại trình bày trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn thì người tiếp nhận có trách nhiệm hướng dẫn người bị thiệt hại viết văn bản yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn hoặc ghi lại nội dung yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn bằng văn bản và yêu cầu người bị thiệt hại ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Việc hỗ trợ, hướng dẫn được thực hiện bằng hai hình thức là văn bản hoặc hướng dẫn trực tiếp cho người bị thiệt hại.
Ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn và các tài liệu, giấy tờ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có), cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn vào sổ tiếp nhận, xử lý yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn.
Trong thời hạn một ngày làm việc kể từ ngày vào sổ tiếp nhận, xử lý yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn cử người hỗ trợ, hướng dẫn (Điều 10).