Hôm nay (13-11) tọa đàm "Đánh giá thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam và đề xuất, kiến nghị xây dựng, hoàn thiện pháp luật" diễn ra tại nhà khách Bộ Công an (quận 1, TP.HCM).
Tọa đàm do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) tổ chức.
Mục đích của tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng, trao đổi, thảo luận về những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn về công tác thi hành pháp luật, kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.
Tọa đàm cũng bàn về những định hướng phát triển và hoàn thiện đối với hoạt động tổ chức thi hành pháp luật (TCTHPL) ở VN, phục vụ nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng Luật tổ chức thi hành pháp luật.
Ông Đặng Thanh Sơn khai mạc tọa đàm. Ảnh: YC
Tham gia tọa đàm có ông Đặng Thanh Sơn (Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật - QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp), ông Edagawa Mitsushi (Quyền cố vấn trưởng dự án JICA).
Các chuyên gia, nhà khoa học có ThS Nguyễn Hồng Tuyến (Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp); TS Chu Thị Hoa (Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp); PGS-TS giảng viên cao cấp Nguyễn Minh Tuấn (Đại học Quốc gia Hà Nội); bà Nguyễn Thị Kim Liên (Trưởng phòng QLXLVPHC&TDTHPL Sở Tư pháp TP.HCM) và đại diện một số Sở Tư pháp khu vực phía Nam, đại diện sở, ban, ngành TP.HCM...
Tại tọa đàm, ThS Nguyễn Hồng Tuyến trình bày về các nhu cầu hoàn thiện thể chế về TCTHPL ở Việt Nam hiện nay từ lý luận và thực tiễn. Theo ông Tuyến, TCTHPL có vai trò đặc biệt quan trọng, hiện thực hóa kết quả của hoạt động lập pháp, lập quy trong thực tiễn, thực hiện quyền hành pháp, đảm bảo cho Hiến pháp, luật giữ địa vị thống trị trong nhà nước pháp quyền.
Thông qua việc TCTHPL mà phát hiện những khoảng trống của pháp luật, những quy định pháp luật không phù hợp, không đi vào cuộc sống, từ đó hoàn thiện pháp luật, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và lập quy.
ThS Nguyễn Hồng Tuyến trình bày tại tọa đàm. Ảnh: YC
Theo ông Tuyến, về kết quả công tác TCTHPL, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, không còn tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Tình trạng nợ ban hành thông tư năm sau giảm dần so với năm trước. Cụ thể: Năm 2017 nợ ban hành 09 văn bản, giảm 24 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 (33 văn bản) và giảm 5 văn bản so với cùng kỳ năm 2016 (14 văn bản).
Đa số các thông tư nợ chưa ban hành đang ở giai đoạn tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: YC
Tại tọa đàm, ông Yokomaku Kosuke (công tố viên, Bộ Tư pháp Nhật Bản, chuyên viên dự án JICA pháp luật) cho biết ở Nhật Bản không có quy định nào xác định rõ ràng cấp bậc trong hệ thống pháp luật.
Cơ quan ban hành và VBPL tương ứng ở Nhật Bản gồm: Quốc hội (luật), Nội các (nghị định), Bộ trưởng (thông tư), các cơ quan trung ương (quy tắc 1), Hội đồng địa phương (điều lệ), Thống đốc/Thị trưởng, Đoàn thể công cộng ở địa phương (quy tắc 2). Ngoài ra, còn có các văn bản được ban hành từ thời kỳ hiến pháp cũ, có hiệu lực đến bây giờ.
Ông Yokomaku Kosuke. Ảnh: YC
Theo ông Yokomaku Kosuke, để luật được thi hành đúng, cùng với việc thi hành luật cần đồng thời ban hành các quy định chi tiết (văn bản dưới luật) nhằm cụ thể việc thi hành. Quy định chi tiết không được xây dựng khi nội dung luật chưa xác định. Vì vậy, việc chuẩn bị các quy định chi tiết thường được tiến hành muộn hơn một chút so với việc chuẩn bị luật.
Tuy nhiên, để luật được thi hành, các quy định chi tiết cũng cần được thi hành đồng thời với luật. Chính vì vậy, để các quy định chi tiết được thi hành đồng thời với luật, cần định ngày thi hành luật trên cơ sở đã tính đến thời gian cần thiết để các quy định chi tiết.