Tham gia tọa đàm có ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp, ông Đoàn Quốc Việt, Đội trưởng đội điều tra thẩm định án Công an TP.HCM, đại diện TAND TP.HCM, công an quận Bình Tân và nhiều tổ chức hành nghề công chứng tại TP.HCM.
Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Thị Thu Tâm chủ trì buổi toạ đàm. Ảnh HOÀNG GIANG
Ông Nguyễn Trí Hòa, Phó Chủ tịch Hội công chứng viên TP.HCM, nêu thực tế nhiều vụ làm giả giấy tờ, giả mạo người đi công chứng hợp đồng, giao dịch nhà, đất để chiếm đoạt tiền. Những giả mạo này nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hậu quả ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ tài sản…
Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 7, nêu các hình thức giấy giả, người giả và cách xử lý khi phát hiện vụ việc. Theo ông Thắng, đa số các vụ việc “người giả giấy thật” rất phổ biến, đều phạm tội có tổ chức ở góc độ băng nhóm và không hành động đơn lẻ.
Ông Hoàng Mạnh Thắng - Trưởng phòng Công chứng số 7. Ảnh: HOÀNG GIANG
Kẻ gian khi đã lấy được sổ thật thì ngay lập tức làm giả giấy tờ tùy thân và giấy tờ nhân thân của chủ nhà rồi ngay lập tức ký công chứng hợp đồng bán, chuyển nhượng cho đối tượng khác cùng băng nhóm. Đặc biệt người mua cùng băng nhóm này luôn là “người ngay tình”.
Vì thế tuy họ mua nhà với giá trị lớn nhưng không bao giờ lấy nhà cả mà chỉ gấp rút đăng ký sang tên trên sổ thật và sau đó đem thế chấp cho ngân hàng “ruột” để vay khoản vay tối đa. Giai đoạn này được xem như là “hợp thức hóa” trên giấy tờ từ kẻ giả mạo thành người thật ngay tình.
Toàn cảnh buổi tọa đàm giấy tờ giả và trách nhiệm của công chứng viên. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cũng theo ông Thắng, một số trường hợp giả mạo giấy tờ tùy thân, CMND, căn cước công dân... thô vụng, không tinh vi được công chứng viên phát hiện khi quan sát bằng mắt thường do kinh nghiệm nghề nghiệp của công chứng viên.
Ông Đoàn Quốc Việt, Đội trưởng đội điều tra thẩm định án Công an TP.HCM lưu ý các công chứng viên phải tự tìm cách thoát được “giăng bẫy” về giấy tờ giả, người giả của đối tượng xấu.
Ông Đoàn Quốc Việt - Đội trưởng đội điều tra thẩm định án Công an TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nếu chưa bắt được người làm giấy tờ giả thì chỉ có thể xử lý hành vi sử dụng giấy tờ giả. Nếu bắt được người làm giả giấy tờ thì xử người sử dụng luôn tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.