Tháng 11-2018, Phòng công chứng số 7, TP.HCM tiếp nhận yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan nhà, đất có địa chỉ 182/89 Chiến Lược, khu phố 8, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM (nhà số 182/89). Người đứng tên trên giấy tờ nhà, đất là ông Thái Kiệt Th.
Phát hiện giấy tờ không ổn, công chứng viên (CCV) thu giữ sổ đỏ, chuyển cơ quan cấp giấy để xác minh.
Công an hiếm khi khởi tố
Sau khi tiếp nhận kết quả trả lời của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân kèm đề chuyển cơ quan điều tra xử lý, Phòng công chứng số 7 lập tức chuyển toàn bộ hồ sơ đến Công an quận 6 đề nghị khởi tố vì vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Lúc này, ông Thái Kiệt Th. cũng đến Công an quận Bình Tân trình báo và kiến nghị khởi tố vụ án để điều tra việc ai đó đã làm giả sổ đỏ của ông.
Ông trình bày: Tháng 11-2018, ông và vợ có đến Phòng công chứng số 7 làm thủ tục bán căn nhà 182/89 thì bị CCV giữ sổ đỏ. Sau đó, ông liên hệ Phòng TN&MT quận Bình Tân thì biết được là ông đã làm hợp đồng ủy quyền giấy chứng nhận nêu trên cho một người tên Loan (không rõ địa chỉ) và hợp đồng này được công chứng ở tỉnh Long An. Sau đó, bà Loan dùng hợp đồng ủy quyền này chuyển nhượng nhà số 182/89 của ông cho người khác.
Qua xác minh của công an, trước khi ông Th. đến Phòng công chứng số 7 làm thủ tục bán căn nhà 182/89 thì căn nhà đã được bà Loan sang tên cho người khác. Sau đó, nhóm người nhận chuyển nhượng đã dùng sổ đỏ của căn nhà 182/89 vay 3,4 tỉ đồng.
Tháng 3-2019, Công an quận Bình Tân cho rằng vụ việc xảy ra ở quận 6 nên đã chuyển toàn bộ tin báo kèm tài liệu liên quan đến Cơ quan CSĐT Công an quận 6 giải quyết.
Vụ việc này cũng được Phòng công chứng số 7 chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an quận 6 để điều tra từ tháng 12-2018 và sau đó tiếp tục có công văn nhưng vẫn chưa nhận được thông tin giải quyết từ cơ quan này!
Một vụ việc mới nhất cũng xảy ra tại Phòng công chứng số 7. Cụ thể, ngày 19-7, CCV tạm giữ sổ đỏ của bà NTN (trú Bình Tân) để xác minh giấy tờ giả. Vụ này, bà N. đến phòng công chứng làm thủ tục ký bán thửa đất hơn 300 m2 tại quận Bình Tân với giá 1,5 tỉ đồng. Qua đối chiếu, CCV phát hiện các giấy tờ khác như CMND, trước bạ, hồ sơ thừa kế… là thật nhưng sổ đỏ có dấu hiệu giả nên chuyển đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân để xác minh thông tin. Ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng Phòng công chứng số 7, cho biết phải chờ văn bản trả lời kết quả xác minh giấy chứng nhận của cơ quan cấp giấy thì mới có cơ sở để chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra công an quận để đề nghị điều tra và khởi tố theo đúng quy định.
Giấy tờ giả Phòng công chứng số 7, TP.HCM thu giữ được. Ảnh: NQ
Gây nhiều hệ quả nặng nề
Ông Thắng nói: Điều lo lắng là cơ quan điều tra giải quyết chưa rốt ráo những vụ liên quan đến giả mạo giấy tờ. “Chúng tôi chuyển hồ sơ cho công an với mong muốn cơ quan này nhanh chóng vào cuộc để kịp thời ngăn chặn những hậu quả phát sinh vì giao dịch liên quan đến đất đai, nhà cửa có giá trị lớn… Luật Công chứng quy định rất rõ là nghiêm cấm hành vi giả mạo, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng. Vì vậy, việc xử lý nghiêm minh hành vi trên sẽ góp phần ngăn chặn giả mạo trong hoạt động công chứng” - ông nói.
Ông Trần Quốc Phòng, Trưởng Văn phòng công chứng Trần Quốc Phòng, cũng kiến nghị xử lý nghiêm khắc hơn với tội phạm làm giả giấy tờ, tài liệu, xử lý cả người làm giả và sử dụng. Bởi lẽ xuất phát từ nguyên tắc có cung ắt có cầu, nếu không có người sử dụng thì không có người làm giả. Vì vậy, khi người yêu cầu công chứng có hành vi giả mạo với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì đây là hành vi trái pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý nghiêm minh mới đủ sức răn đe, phòng ngừa giả mạo trong công chứng.
CCV Trần Quốc Phòng cũng nhận định việc giả mạo trong hoạt động công chứng rất đáng lo ngại và đã gây nên hậu quả nặng nề cho xã hội. Có trường hợp sử dụng giấy tờ giả lừa hàng chục lần trên một tài sản (thật hoặc ảo), qua mặt được nhiều CCV của các tổ chức hành nghề công chứng. Có trường hợp thuê đóng vai chủ nhà, vợ, chồng… với giá chỉ 1-3 triệu đồng.
Ngoài thiệt hại vật chất, các hành vi giả mạo còn gây hậu quả bất ổn cho xã hội, mất lòng tin, ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống công chứng và đã trở thành nỗi ám ảnh của các CCV.
Tự trang bị để ngừa giấy tờ giả tràn lan
Đại diện Phòng công chứng số 1 cho biết: Việc giả mạo giấy tờ, hồ sơ để mang đi công chứng, chứng thực xảy ra thường xuyên, hầu như tuần nào cũng có. Các loại giấy tờ làm giả rất đa dạng: Từ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, bằng đại học, giấy xác nhận số CMND, CMND và giấy tờ có giá trị lớn như đăng ký xe máy, ô tô, giấy tờ nhà, đất, sổ đỏ, sổ hồng...
Có trường hợp nhóm lừa đảo bằng cách nào đó đã đánh tráo sổ đỏ một căn nhà ở quận Phú Nhuận rồi về tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giả chữ ký của chủ nhà để làm hợp đồng ủy quyền cho người khác thực hiện việc mua bán. Sau đó, họ quay lại TP.HCM làm hợp đồng mua bán căn nhà, đăng bộ rồi mang đi thế chấp ngân hàng.
Thế nhưng việc xử lý khó khăn vì nhóm lừa đảo nhờ, thuê người và người được thuê ký các giao dịch có khi không hề biết đang bị lợi dụng.
Ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng Phòng công chứng số 1, cho biết hành vi giả mạo giấy tờ ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Khi phát hiện ra khách hàng sử dụng giấy tờ giả đều có thông báo, chuyển tin tố giác đến công an, VKS… nhưng kết quả giải quyết ra sao lại không được trả lời. “Hậu quả từ việc giả mạo giấy tờ công chứng là rất nặng nề nhưng hầu hết các trường hợp đều được xem là quan hệ dân sự nên không có căn cứ để xử lý hình sự… Vì vậy cần xử lý nghiêm minh hành vi này để răn đe, phòng ngừa chung, tránh hậu quả khôn lường” - ông nói.
Cũng “ngán” với nạn giấy tờ giả, ông Hoàng Trọng Nghĩa, Phó Trưởng Phòng công chứng số 4, cho hay là “không thể phát hiện bằng mắt thường” nên phải trang bị nhiều máy móc hiện đại để ngăn ngừa tối đa vấn nạn này…
Công an nói gì về việc ít khi khởi tố? Phải chứng minh họ biết giả nhưng sử dụng Nếu người sử dụng biết đó là giấy tờ giả và thực hiện các hành vi trái pháp luật thì sẽ bị khởi tố. Trường hợp người sử dụng giấy tờ giả nhưng không hề biết đó là giấy tờ giả thì cũng không xử lý hình sự được. Điều quan trọng là phải chứng minh được người sử dụng biết đó là giấy tờ giả nhưng vẫn dùng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì mới bị khởi tố, xử lý. Còn riêng tội làm giả thì không cần chứng minh, phát hiện là xử lý ngay. Một cán bộ Công an quận 1, TP.HCM Quan trọng là họ dùng vào mục đích gì? Với trường hợp phát hiện sử dụng giấy tờ giả, để xử lý hình sự thì phải chứng minh được người sử dụng dùng vào mục đích trái pháp luật khác. Ví dụ như dùng CMND giả, bằng giả để xin cấp giấy phép, mở tài khoản ngân hàng… thì có thể xử lý hình sự. Nhưng nếu người sử dụng dùng giấy tờ giả chỉ dùng để làm kỷ niệm hoặc treo tường trang trí… thì chỉ có thể xử lý hành chính… Quan trọng nằm ở việc là họ sử dụng giấy tờ giả đó vào mục đích gì. Riêng với đối tượng làm giấy tờ giả, nếu phát hiện thì xử lý hình sự ngay nhưng rất khó phát hiện vì họ làm rất kín kẽ. Một cán bộ Công an quận Gò Vấp Phải dùng giấy giả cho hành vi trái pháp luật Tùy trường hợp và tình tiết của vụ việc thì người sử dụng giấy tờ giả có thể bị khởi tố. Nhiều trường hợp khi người sử dụng giấy tờ giả mà hành vi trái pháp luật chưa hoàn thành thì cũng không xử lý hình sự được mà tùy tình tiết của vụ việc. Nhiều trường hợp chỉ mang giấy tờ giả đến công chứng, chứng thực chứ chưa thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì khó xử lý, hành vi lừa đảo phải hoàn thành thì mới xử lý được. Tuy nhiên, trước từng vụ việc, cơ quan CSĐT sẽ xác minh, truy xét, tùy tình tiết và vụ việc cụ thể mới có hướng xử lý. Một cán bộ Công an huyện Bình Chánh
Cần có thêm tội danh Đã đến lúc cần có thêm tội giả mạo trong giao dịch dân sự để xử lý việc giả người, giả giấy tờ trong hoạt động công chứng. Việc này sẽ góp phần rất lớn trong công tác đấu tranh, xử lý, răn đe, phòng ngừa tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng. Bởi thực tế việc xử lý hình sự đối với người yêu cầu công chứng vi phạm rất ít. Nguyên nhân, vì theo quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng thì chỉ khi nào có đầy đủ căn cứ như bắt quả tang đối tượng có dụng cụ, phương tiện in ấn, làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan nhà nước hoặc phải có hậu quả thiệt hại thực tế xảy ra mới xử lý được tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức… Chúng ta cần thay đổi nhận thức là khi người yêu cầu công chứng có hành vi giả mạo với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì đây là hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội. Hành vi vi phạm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời làm cho việc chiếm đoạt tài sản của đối tượng có hành vi giả mạo không thực hiện được. Ở đây nên hiểu là giá trị vật chất cụ thể mà đối tượng hướng tới với mong muốn chiếm đoạt chứ không phải đợi đến hậu quả xảy ra. Điều này không phải là vấn đề khó chứng minh vì thông qua nội dung hợp đồng, giá trị tài sản mà các bên đã thỏa thuận khi giao dịch. Với nhận thức như vậy thì việc xử lý tội lừa đảo hay tội làm giả giấy tờ… không nhất thiết đợi hậu quả mà nên xem hành vi ngăn chặn là tình tiết giảm nhẹ trong việc lượng hình. Còn khi đã có hành vi giả mạo được phát hiện thì nên cân nhắc, xem xét xử lý để truy tố hành vi vi phạm theo giai đoạn: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hay tội phạm đã hoàn thành, có lẽ hợp lý hơn. Ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 1 N.TÂN - M.CHUNG ghi
|