Ngày 23-7, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác sáu tháng cuối năm 2019. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP, chủ trì hội nghị.
Một trong những vấn đề nóng ở hội nghị này là nạn giả người, làm giấy tờ giả ngày càng tinh vi và len lỏi từ TP.HCM sang các tỉnh lân cận rồi “tấn công” ngược trở lại TP.
Thủ đoạn mới: Giả trang bổ sung của sổ đỏ
Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh cho biết giấy tờ giả đang tấn công vào các quận, huyện ở vùng ven TP.HCM. Hiện nay họ không còn là giả người, giả giấy chứng nhận như trước kia mà có thêm thủ đoạn mới là giả trang 3, 4 (trang bổ sung của giấy chứng nhận).
Khi công chứng viên (CCV) tại một tổ chức hành nghề công chứng ở huyện Bình Chánh kiểm tra giấy CMND, giấy chứng nhận, tờ khai lệ phí trước bạ... đều là thật nên đã ký công chứng và những giấy tờ này lọt luôn qua cửa đăng bộ. Khi sự việc bị phát hiện thì mới biết giả ở trang 3, 4 (trang bổ sung bị chèn tên giả vào)... Điều này đã gây không ít khó khăn cho các CCV.
Theo ông Hạnh, Luật Công chứng nghiêm cấm cá nhân, tổ chức giả mạo người yêu cầu công chứng; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hành vi trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
Tuy nhiên, do cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nên việc này chưa được xử lý một cách thống nhất. Vừa qua, tại cuộc họp tổng kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm với lãnh đạo UBND TP, Sở đã kiến nghị điều tra, xử lý nghiêm các vụ giả người, giả giấy tờ này và được chấp thuận.
Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: KIM PHỤNG
Các tổ chức công chứng phải tự cảnh giác
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 7, nhận xét nạn giấy tờ giả ngày càng phức tạp, gây hậu quả khó lường. Các đường dây, tổ chức làm giả giấy tờ ngoài việc bắt tay nhau còn bắt tay với cả giới tín dụng đen để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thậm chí các đối tượng còn mặc cả, làm tiền CCV bằng cách sử dụng giấy thật để công chứng, sau đó dùng giấy giả để đòi CCV bồi thường...
33 là số đầu việc mà Sở Tư pháp TP.HCM phải hoàn thành trong sáu tháng cuối năm 2019. Trong đó, các cơ quan phải tập trung xử lý, nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của TP đầy đủ, đồng bộ, khả thi, minh bạch, cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng... |
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Công chứng số 4, đề nghị ban giám đốc Sở quan tâm đến việc giả mạo trên và kiến nghị với các cơ quan công an, VKSND, tòa án... phát hiện, xử lý nghiêm minh để ngăn ngừa loại tội phạm này.
Trưởng phòng Công chứng số 1 Nguyễn Trí Hòa thông tin nơi này phát hiện giấy tờ giả, không công chứng thì họ liền chạy đến chỗ khác. Có một căn nhà chạy hơn 10 tổ chức hành nghề công chứng đều bị từ chối nhưng họ về tỉnh Bình Dương chứng ủy quyền xong lại đem xuống TP ký bán.
“Trước tình hình này, các tổ chức hành nghề công chứng lập mạng nội bộ để thông tin cho nhau cảnh giác giấy tờ giả, người giả. Chúng tôi đành tự bảo vệ nhau bằng cách tự động thông tin, nhắn tin chia sẻ, hỗ trợ nhau trong hoạt động nghề nghiệp” - ông Hòa cho hay.
Khai nộp lý lịch tư pháp trực tuyến tăng 800% Từ ngày 1-4-2019, Sở Tư pháp đã bố trí 12 máy tính có kết nối Internet và cán bộ để hướng dẫn người dân khai tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Kết quả, số lượng hồ sơ khai trực tuyến đến ngày 31-5 là 19.536 hồ sơ (tăng 800% so với cùng kỳ năm 2018), tiết kiệm thời gian nhập thông tin đầu vào và giảm áp lực tiếp nhận hồ sơ cho công chức bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính. Hiện Sở Tư pháp là đầu mối, phải đảm nhận một khối lượng công việc lớn gồm rà soát, tập hợp các văn bản còn hiệu lực; kiểm tra, rà soát, tập hợp kết quả của các sở, ngành; rà soát xác định văn bản cần xử lý để trao đổi, thống nhất với các đơn vị (13/27 sở, ngành và 14/24 quận, huyện)... |