Chiều 23-4, TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vụ Huỳnh Thanh Khiết (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp), Lê Thanh Tùng (47 tuổi, ngụ quận 12) cùng bị truy tố về tội buôn lậu. Điều đáng nói là hai bị cáo kêu oan trong bối cảnh người được xác định là cầm đầu vụ án không phải ra tòa do được xác định là đang mắc bệnh tâm thần.
Luật sư nghi ngờ giám định tâm thần
Phiên tòa nóng ngay tại phần thủ tục khi các luật sư bào chữa cho hai bị cáo có ý kiến về bệnh tâm thần của người được xác định là chủ mưu - ông Nguyễn Thanh Phương. Luật sư cho rằng cáo trạng quy buộc hai bị cáo Khiết và Tùng với vai trò đồng phạm giúp sức cho Phương, trong khi ông Phương đang được tạm đình chỉ điều tra vì bị tâm thần. Như vậy, tòa không thể xét xử hay làm sáng tỏ bản chất vụ án được.
Cụ thể, các luật sư cho rằng kết quả giám định chỉ nêu ông Phương hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi chứ không phải mất năng lực, hành vi dân sự. Vì vậy cần xem xét kết quả giám định và hành vi dân sự của ông Phương.
Mặt khác, luật sư cho rằng ông Phương bị “tâm thần”, không xem xét hình sự nhưng lại dùng lời khai của ông này để xem xét, quy buộc tội Khiết và Tùng là bất hợp lý. “Không đưa ông Phương vào tố tụng thì vụ án sẽ không đến tận cùng, bất lợi cho bị cáo, đề nghị HĐXX xem xét” - luật sư nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX cho rằng hồ sơ truy tố đầy đủ, đồng thời các kết luận giám định tâm thần được thực hiện đúng quy định. Trong quá trình xét hỏi nếu có gì chưa rõ thì theo luật định, HĐXX sẽ yêu cầu điều tra bổ sung. Sau đó, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi và tạm dừng một lúc khi một bị cáo có sức khỏe yếu.
Bị cáo Huỳnh Thanh Khiết tại phiên xử. Ảnh: HY
Hai đồng phạm kêu oan
Cáo trạng xác định Công ty TNHH một thành viên Nam Phương Luxury do Nguyễn Thị Minh Hà (vợ bị cáo Khiết) làm giám đốc nhưng thực tế, mọi hoạt động công ty đều do ông Phương chi phối. Ngoài ra, Phương còn mượn pháp nhân Công ty Hiệp Bình Phước (ông Nguyễn Đoàn Anh Vỹ làm giám đốc) để phạm tội.
Phương sử dụng pháp nhân hai doanh nghiệp trên nhập khẩu hàng điện máy đã qua sử dụng nhưng khai báo hải quan là máy móc sử dụng trong công nghiệp. Phương chỉ đạo Tùng nhận email thông báo hàng về đến cảng rồi báo cho bị cáo Khiết. Sau khi nhận tin, Khiết đến cảng lấy giấy tờ về giao lại cho Tùng.
Tùng sử dụng chữ ký số của giám đốc hai công ty để đăng ký mở tờ khai hải quan điện tử, truyền dữ liệu qua mạng. Về nội dung, Tùng khai hàng nhập khẩu là máy móc cũ đã qua sử dụng. Bị cáo Tùng tự nghĩ ra chủng loại, số lượng hàng và làm giả những chứng từ mua bán liên quan đến lô hàng. Chữ ký bên bán do Tùng tải về từ Internet rồi in ra, đóng vào hồ sơ hải quan. Sau khi hoàn tất hồ sơ ảo, Tùng đưa cho Khiết đi làm thủ tục nhập khẩu cảng.
Khiết cầm hai bộ hồ sơ đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng Hiệp Phước làm thủ tục khai báo nhập khẩu hàng. Do hai tờ khai được phân luồng vàng nên lô hàng không bị kiểm tra thực tế. Cơ quan chức năng đồng ý thông quan. Xong xuôi, Khiết thuê xe chở hàng về kho ở quận Tân Bình
(TP.HCM). Hai lô hàng nhập lậu có tổng trị giá hơn 4,2 tỉ đồng.
Đến ngày 9-9-2015, Phương gọi điện thoại cho Khiết báo rằng hàng đã bị công an bắt. Phương chỉ đạo Khiết cùng Hà về tỉnh Tây Ninh lánh mặt một thời gian. Đến ngày 2-10-2015, hai đối tượng này ra trình diện.
Trong quá trình điều tra, công an xác định Phương là đối tượng chủ mưu cầm đầu, điều hành mọi việc của vụ buôn lậu nên ra quyết định truy nã. Đến tháng 8-2017, Phương bị bắt thì ba ngày sau đó được thay đổi biện pháp ngăn chặn do có đơn cho rằng Phương mắc bệnh tâm thần phân liệt. Sau đó, CQĐT tiến hành đưa đi giám định thì cũng có kết luận xác định Phương bị tâm thần.
Tại phiên xử, Tùng và Khiết đều không nhận tội như lời khai tại CQĐT trước đó. Phiên tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi vào hôm nay, 24-4.
VKS đã từng yêu cầu giám định tâm thần lại Để làm rõ việc Phương có bị tâm thần thật hay không, đầu năm 2018, VKSND TP.HCM đã có yêu cầu CQĐT cùng cấp đưa Phương đi giám định lại một lần nữa. Sau khi có kết luận mới xác định Phương vẫn bị tâm thần thì tháng 6-2018, VKS ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với Phương. |