Bà Thân cho rằng quy định việc xác định mức độ khuyết tật thông qua quan sát trực tiếp hoạt động của người khuyết tật và sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí xã hội, y tế... sẽ gây nhiều thiệt thòi cho người bị câm điếc.
“Có nhiều người câm điếc nhìn rất đẹp, nhìn thấy rất bình thường, nếu chỉ căn cứ theo bộ câu hỏi thì không biết tật. Thật ra người câm điếc chịu rất nhiều thiệt thòi vì không nghe không nói được nên chắc chắn là tư duy hạn chế. Đi ngoài đường, lỡ có ai bóp còi thì họ cũng không thể nghe thấy được. Nếu chỉ quan sát thì không thể nhận định được, đó là chưa kể nhiều cán bộ còn không biết đọc kết quả thính lực đồ (mức độ nghe của tai-PV) để xác định mức độ khuyết tật của họ nên đành thôi luôn” - bà Thân nói.
Cũng theo bà Thân, hiện trường có 135 em nhưng chỉ mới có 40 làm được hồ sơ để hưởng chính sách. Do đó bà cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH TP.HCM có hướng dẫn xác định mức độ khiếm thính cụ thể thông qua thính lực đồ để đảm bảo quyền lợi cho người câm điếc.
Cũng tại hội thảo, vấn đề trẻ khuyết tật bị hạn chế khả năng học tập, không biết đi đâu cũng được quan tâm. Bà Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, dẫn chứng: “Từ trước đến nay, trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam chưa có trường học nào cho trẻ bại não cả, có lẽ các nhà quản lý về giáo dục nghĩ rằng bại não thì không học được vì mất não rồi. Trong khi ở các nước khác, trẻ bại não đều được đến trường thì ở Việt Nam, trẻ bại não chỉ có con đường đến trường phục hồi chức năng”.
Cũng theo bà Vân, trong đề án hỗ trợ người khuyết tật, Bộ GD&ĐT có đưa ra chuyển đổi các trường chuyên biệt thành trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và định hướng cho ngành giáo dục là tất cả trẻ khuyết tật đều đi học hòa nhập. Nhưng không phải người khuyết tật nào cũng có thể đi học hòa nhập được. “Ở nước ngoài, người ta chia ra người khuyết tật đặc biệt nặng, nặng, vừa và nhẹ nhưng nước mình chỉ có ba mức độ đặc biệt nặng, nặng và nhẹ, không có dạng vừa. Những trẻ khuyết tật vừa và nhẹ có thể đi học hòa nhập được với sự hỗ trợ của các trung tâm hỗ trợ phát triển nhưng những trẻ khuyết tật nặng và đặc biệt nặng và đa tật chắc chắn sẽ không thể nào đi học hòa nhập được. Các em vẫn cần ở trong các trường chuyên biệt hoặc học ở trường hòa nhập nhưng phải có sự giáo dục hỗ trợ thì chưa được đề cập. Nếu trường được chuyển đổi thành trung tâm, không có chức năng dạy chuyên biệt thì vô tình sẽ tước đi quyền học tập của các em” - bà Vân nêu vấn đề.