Là lúc chị bên công ty dịch vụ người giúp việc từ Hải Phòng dẫn đến nhà tôi một người đàn bà cỡ bốn mươi, dáng thấp, mắt lá dăm, tròng mắt lóng lánh kiểu mắt rắn. Chị chọn trong số hàng ngàn người đăng ký giúp việc được cô Phượng này, khẩu Bồ Tát, tâm Phật, đấy. Ngó chị ta, tôi đã thốt lên:
- Trông chị quen quá.
Chị cười khanh khách:
- Phượng chưa gặp anh đâu. Người đàn ông hào hoa như anh gặp một lần là Phượng khắc vào tâm liền. Có lẽ anh quen với mẹ em. Tôi cười ngượng:
- Mẹ cô ở đâu?
- Mẹ em tên là bà Bao, từng làm cửa hàng trưởng mua bán Quyết Thắng.
Tôi kêu lên:
- Thôi đúng rồi. Chị giống mẹ ở đôi mắt. Người đàn bà thép đất cảng có khỏe không, chị?
Người đàn bà vẫn thật thà:
- Mẹ em vào nhà dưỡng lão Hải An, anh chị em cũng dạt mỗi đứa một phương, còn em vào đây làm ôsin cho gia đình anh. Người đồng hương, mong anh chị giúp đỡ, em chỉ muốn ngày ba bữa cơm trong ngôi nhà luôn có tiếng cười.
Trời, tôi thầm kêu nhỏ, ăn nói đến là văn vẻ, người thế mà tới tuổi lẽ ra được sống yên bình giữa con cháu lại phải giúp việc sao? Phượng nói tiếp:
- Tất nhiên, nếu anh chị thương cho ít tiền để ném vào tài khoản dưỡng già, em không từ chối. Em muốn làm việc thiện để làm phúc cho con cháu. Tích phúc được phúc, tích ác được ác.
Tôi mỉm cười, ai dám bảo phụ nữ đất cảng không khéo nói. Phượng kể tiếp về mẹ:
- Khi xã hội xóa bao cấp, cửa hàng thương nghiệp ấy không còn, mẹ em nghỉ mất sức, trở về nhà mẹ em sinh ra bẳn tính. Con người ta phải biết điểm dừng, không làm việc nhà nước thì giúp cho bà con lối xóm việc này, việc nọ. Ai để mình thiệt, đúng không?
Tôi muốn tìm hiểu thêm số phận của người đàn bà khét tiếng một thời ấy nhưng nghĩ còn ở đây thiếu gì dịp để hỏi. Khi người môi giới nhận thù lao ra về, Phượng đi mang túi đựng rác ra thảy vào cái thùng lớn đầu ngõ, rồi lau nhà, từ lầu ba xuống tầng trệt. Thông thạo như một người giúp việc nhà chuyên nghiệp. Buông cây lau nhà, chị ngồi lên cái ghế đu ở góc sân, nói với tôi:
- Ở Hải Phòng, nhà em cách nhà anh chỉ vài cây số. Đàn bà họ Phạm nhà em rất nhiều người có mắt lá dăm, tròng mắt nhỏ và sáng như em đây. Đàn bà đôi mắt lá dăm/ Miệng cười hoa huệ đáng trăm lạng vàng. Vậy mà nhiều kẻ độc miệng cứ bảo là mắt rắn, độc ác. Thử hỏi cái lũ chuyên xem mặt bắt hình dong ấy đã có người phụ nữ nào của họ Phạm này can án giết người hay buôn hàng cấm không?
Chị Phượng lãnh công việc nội trợ cho gia đình tôi đúng vào dịp chuẩn bị giỗ bố tôi. Từ tuần trước vợ tôi đã bàn tính tổ chức giỗ bố thật sang trọng theo phong tục cả hai miền. Còn đồng bào miền Bắc rất coi trọng tang lễ, giỗ kỵ, họp mặt trong ngày giỗ là để thắp hương kể về người quá cố. Vợ tôi là người gốc Trung. Cũng là người xởi lởi, quý bạn nên vợ tôi mời dự kỵ bố khá đông. Thời này giỗ tết đều mua hàng làm sẵn, tiệc đặt ở nhà hàng lớn, gần giờ cúng họ sẽ mang vào, rất tiện.
Trong khi vợ ngồi ở salon đặt hàng qua điện thoại và iPad, trong tôi lại hiện về lần giỗ bố cách đây đúng hai mươi năm. Cũng dịp ấy, tôi theo mẹ đến cửa hàng Quyết Thắng từ mờ đất để xếp hàng mua gạo tháng về làm giỗ bố. Trước đó, mẹ tôi đã xoay được ba cân nếp và mua một con gà trống choai. Chính lần này tôi được tận mắt thấy bà Bao, mẹ đẻ người giúp việc nhà tôi bây giờ. Trước đó tôi đã nghe bà con cô bác quanh xóm nói về người cửa hàng trưởng kiêm nhân viên cửa hàng thương nghiệp Quyết Thắng này. Bà Bao ngự trong ngôi nhà hai lầu, gian ngoài bán hàng, tầng lầu không biết làm gì nhưng chằng kẽm gai bịt bùng ba phía, sau nhà là khu kho, chỉ mình mụ ta ra vào, dân không ai biết trong đó có những gì. Khách mua hàng theo chế độ tem phiếu chỉ biết cho cuốn sổ hay những ô tem vào cái rổ trước khu cửa nhỏ, xếp hàng rồng rắn đến tận ngoài cổng, thỉnh thoảng bà ta đưa cánh tay trắng nõn, móng tay như những cái răng thú ngoạm lấy kéo vào mất hút. Khi duyệt được bà ta mới trương cánh cửa ván phía trước để trao hàng cho khách. Tiếng mụ ta chửi rủa, mắng mỏ từ trong nhà vọng ra liên tục:
- Cái nhà ai đây mà ngu như trâu, mua gạo rồi còn đút sổ vào làm gì?
- Tem nhà ai đây mà nhàu nát như giấy vệ sinh thế này, đồ lợn sề.
- Cái ông Phan, cán bộ cảng mà không biết điều, ăn lắm vào cho thân béo như bò thiến đến độ không lẹo được để con vợ đi với thằng ở chợ sắt.
Thoạt đầu, dân phẫn uất trước những lời thóa mạ của một người được coi là nhân viên nhà nước ấy. Đã có một anh là lái xe ben ở cảng lớn tiếng phê bình, cán bộ nhà nước sao lại dám thô tục với dân đến vậy. Lập tức cánh cửa sắt mở bung, khuôn mặt bà Bao phừng phừng, cặp mắt rắn long lên: “Mẹ kiếp, bà không bán gạo cho mày nữa, xem mày có dám mở miệng không?”. Bà ta ném cuốn sổ gạo về phía anh công nhân. Anh công nhân ấy đâu phải tay vừa dễ bắt nạt, đã kiện lên tận chính quyền thành phố nhưng đơn từ chẳng có hồi âm. Từ đó chẳng ai dám ho he vì sợ mụ ta không bán hàng cho thì chết đói. Thôi thì mặc xác, mụ ta chửi thì mụ ta nghe trước, miệng mụ ấy thối trước, mình coi như không nghe là xong. Ấy, chính sự làm ngơ của thiên hạ khiến mụ tưởng mình oai lắm nên cứ chửi rủa bạt mạng.
Hôm đó mẹ con tôi xếp hàng đến trưa. Chính lúc sắp đến lượt thì cánh cửa hồng bật mở, người đàn bà to béo như lách người mới lọt cửa, bước ra chống nạnh, cặp mắt rắn đảo qua đảo lại:
- Hết gạo rồi, mời các vị sáng mai tới mua.
Mẹ tôi bật khóc, nhiều người nhao nhao phản ứng. Bà Bao trợn mắt rắn lên:
- Các ông các bà làm mất trật tự ở chốn công sở là vô văn hóa. Hết gạo rồi, phải chịu. Thôi, sáng mai đến sẽ có.
Mụ lẻn vào nhà, cánh cửa sắt đóng sập lại.
Đám giỗ chỉ có hai đĩa xôi và con gà luộc. Mẹ tôi an ủi:
- Hương hồn bố sẽ thông cảm cho mẹ con mình vì không mua nổi gạo.
Giờ đây vợ tôi khi đang chuẩn bị kỵ cho bố tôi ở ngôi nhà tôi ở Long Thành, cách xa thành phố cảng cả ngàn cây số thì người con gái mụ nhân viên thương nghiệp khét tiếng ấy ở trong nhà. Em sẽ làm giỗ thật lớn để bù cho đám giỗ trước kia không có cơm, tuy mộ bố ở xa nhưng em chắc hương hồn bố sẽ vào đây hưởng lộc và phù hộ độ trì cho con cháu. Khi nghe vợ tôi nói với tôi vậy, Phượng chêm vào: “Cho em được góp phần để bù cho lần giỗ không cơm thời đó. Đây cũng là một cách chuộc tội, mong hương hồn cụ nhà ta đại xá cho mẹ em.
Đám giỗ bố tôi tổ chức vào chiều Chủ nhật vì ở quê anh trai tôi đã làm giỗ buổi sáng. Để hương hồn bố hưởng lộc ngoài kia rồi vào đây với gia đình mình. Vợ tôi bảo vậy.
Khách của tôi là những người cùng khoa trong trường quân sự, của vợ tôi là cán bộ, nhân viên chi nhánh ngân hàng, họ lục tục đến, lần lượt lên lầu cho phong bì - dĩ nhiên là tiền - lên cái đĩa lớn trước bệ thờ rồi thắp nhang, có người khấn khứa mấy câu, đại khái nhờ hương hồn cụ phù hộ khỏi tai họa, làm ăn thịnh vượng, có kẻ cắm vội cây nhang rồi đi như quăng quật xuống cầu thang để nhập vào bàn tiệc đã dọn sẵn ở tầng trệt và ngoài sân.
Chị Phượng không những bưng bê các món ăn tới các mâm mà khi các ông khách nổi hứng muốn uống với ôsin, chị cũng cụng ly, uống một hơi, rồi chìa ra trước mặt các vị khách đệ tử ma men cái ly chỉ còn viên nước đá nhỏ. Các vị khách khen tôi khéo chọn được ôsin biết chơi và chịu chơi. Có kẻ còn ghé bộ mặt chín ửng vào vành tai cũng đã đỏ như cục tiết của Phượng thì thào câu gì rồi cười ngả ngớn, có kẻ còn xin số điện thoại.
* * *
Tiễn vị khách nhiều lời nhất ra khỏi ngõ, vợ chồng tôi, chị Phượng cùng nhân viên nhà hàng bắt tay dọn dẹp nhà cửa. Đây là công đoạn cực nhất. Thì cuộc vui nào tàn mà chẳng để lại rác rưởi!
Khoảng gần sáng, có tiếng người nhẹ nhàng đánh thức tôi dậy. Tôi choàng tỉnh, không gian đã yên ắng, nghe rất rõ tiếng người giúp việc đang ngồi bệt trước bậc thềm quát oang:
- Mày đừng láo với bà. Bà đã phải bán nhà cửa để dạt vào xứ Đồng Nai làm thân ôsin. Nếu mày còn lèo nhèo trong điện thoại bà sẽ thuê côn đồ xử mày luôn. Mạng mày chắc chỉ vài chục triệu chứ mấy.
Xương sống tôi lạnh toát. Vợ tôi cũng run sợ.
Sớm hôm sau, chúng tôi lấy cớ vợ tôi phải giảm biên chế nên không cần đến người giúp việc. Nghe vậy mụ ta quát:
- Vậy thì vợ chồng nhà mày phải bồi thường cho tao vì hủy hợp đồng.
Cả hai chúng tôi gật đầu. Mụ ta tiếp:
- Mày phải đưa tao mười triệu, để bà còn mua vé máy bay ra Hải Phòng.
Chúng tôi đồng ý. Nhét xấp tiền vào cái túi như ruột tước buộc quanh mình, mụ vớt vát:
- Cộng thêm hai trăm ngàn tiền công tiếp khách chiều qua nữa.
Vợ tôi trao cho mụ tờ hai trăm.
Ra khỏi cửa, mụ còn quay lại, đôi mắt rắn long lên:
- Vợ chồng nhà mày có văn hóa đấy, nếu không bà còn bắt vạ nữa kia.
Dứt lời, mụ cụp cặp mắt rắn lên xe ôm. Chiếc xe chở người đàn bà mắt rắn ấy trườn vào dòng người trên phố.
Truyện ngắn PHẠM XUÂN TRƯỜNG