Người dân chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng PCCC

(PLO)- Trong những vụ cháy xảy ra thời gian qua, đa số người thiệt mạng đều vì lý do ngạt khói, không biết cách bảo vệ mình thoát khỏi đám cháy.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong thảm họa thương tâm từ vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) vừa qua, bên cạnh nhiều vấn đề về quản lý trật tự đô thị, cấp phép xây dựng, chấp hành các quy định về phòng, chống cháy nổ…, có một vấn đề khác cần đặc biệt quan tâm. Đó là việc nhiều gia đình, người dân chưa được trang bị các kỹ năng sống quan trọng, cần thiết để bảo vệ bản thân và gia đình trong trường hợp xảy ra cháy.

Lo lắng vì không biết cách xử lý khi xảy ra cháy

Sau khi xảy ra vụ cháy ở Hà Nội, bạn đọc Hải Yến (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết chị rất lo lắng vì hiện tại chị cũng đang sống trong khu nhà trọ có năm tầng với khoảng 50 phòng, có rất nhiều người thuê.

“Tôi thuê trọ ở đây cũng được ba năm nhưng từ khi vào ở đến giờ, tôi chưa từng nghe chủ trọ phổ biến hay tổ chức tập huấn về an toàn PCCC. Ở tầng để xe, ngoài hai bình chữa cháy cũ thì tôi không thấy các vật dụng hay bảng hướng dẫn tiêu lệnh PCCC khác. Tôi tự suy diễn nếu có cháy, chắc tôi sẽ chạy ra ban công rồi nhảy đại xuống đất chứ không còn cách nào khác vì khu trọ chỉ có một lối đi thang bộ duy nhất ở giữa” - bạn đọc Hải Yến lo lắng.

Tương tự, bạn đọc Nguyễn Văn Khánh (quận 3) cũng cho biết: “Nơi tôi thuê là một phòng trọ khép kín khoảng 25 m2, nằm trong tòa nhà lớn có khoảng 100 phòng với hàng trăm xe máy để ở tầng hầm. Tuy lớn nhưng tòa nhà này lại không có lối thoát hiểm nào ngoài cửa sổ ở mỗi phòng. Tôi thật sự sợ khi cháy xảy ra vì bản thân tôi cũng không biết một kỹ năng nào để xử lý”.

w-P14-dien-tap-PCCC_15-9.jpg
Diễn tập PCCC tại một tòa nhà ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: HUỲNH THƠ

Bạn đọc Lê Hoài Nam (quận Bình Tân) cho biết khi vụ cháy ở Hà Nội xảy ra, anh đã liên tưởng đến căn hộ mình đang thuê cũng nằm trong một con hẻm nhỏ, nếu có cháy thì công tác cứu hộ sẽ gặp khó khăn vì xe cứu hộ sẽ không thể nào vào trong hẻm nhỏ được.

“Bản thân tôi và những người ở đây không biết cách phải xử lý thế nào khi gặp cháy, ngay cả những vật dụng, thiết bị trong an toàn PCCC, tôi và mọi người cũng không biết nó bao gồm những gì hay thậm chí là cách sử dụng bình chữa cháy. Vậy nên tôi sẽ lên mạng tìm hiểu những trang bị cần thiết để an tâm hơn” - bạn đọc Hoài Nam chia sẻ.

Cần làm gì khi xảy ra cháy?

Trong họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM diễn ra vào chiều 14-9, liên quan đến công tác đảm bảo an toàn PCCC, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết khi gặp sự cố hỏa hoạn xảy ra như cháy chung cư, người dân cố gắng bình tĩnh xác định khu vực an toàn và khu vực cháy. Sau đó, có thể giải quyết tình huống theo hai trường hợp.

Trường hợp 1, nếu đám cháy xảy ra ngay trong căn hộ của mình và không dập tắt được đám cháy thì tìm cách thoát ra khỏi khu vực cháy, đóng cửa ngăn khu vực cháy với khu vực khác để không cho cháy lan. Tiếp đến là thoát ra khỏi căn hộ, không thoát ra được bằng cửa trước thì thoát ra phía sau, chờ lực lượng cứu hộ đến hoặc tìm cách thoát sang căn hộ khác. Không nên trốn vào nhà vệ sinh, tủ quần áo...

Trường hợp 2, nếu đám cháy xảy ra bên ngoài căn hộ của mình thì xác định khu vực cháy và khói để tránh xa. Tuyệt đối không thoát ra lối cầu thang bộ hay thang máy để xuống đất bằng mọi giá.

Nếu mở cửa căn hộ thấy hành lang bộ đã có cháy, khói thì đóng hết cửa căn hộ. Sau đó, lấy giẻ, khăn bịt kín lỗ hổng ngăn không cho khói vào rồi gọi điện thoại để lực lượng PCCC biết, cứu hộ.

Ngoài ra, Thượng tá Hà cũng cho biết thêm khi không thể xử lý tình huống như trên, người dân nên nắm một số kỹ năng cơ bản sau: Khi căn hộ có khói bao trùm, cần cúi khom lưng và men theo tường để di chuyển. Phải tìm ra lối thoát hiểm theo đèn hoặc thông báo chỉ dẫn.

Nếu không còn cách nào khác buộc phải băng qua lửa hoặc khói, lúc này phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc chăn, quần áo, khăn ướt trùm lên đầu và mặt.

Khi mở cửa cần kiểm tra nhiệt độ cánh cửa, tránh để lửa tạt vào người. Nếu lối thoát hiểm nhiệt độ tăng dần thì phải tìm lối thoát hiểm khác.

Nếu không có lối thoát hiểm thì phải chạy ra cửa sổ, ban công ra hiệu và gọi đến số tổng đài 114.

Có thể dùng đồ vải nối lại hoặc thang dây để leo xuống đất. Không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ; không sử dụng thang máy khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Để thoát hiểm an toàn, phải thoát hiểm bằng thang bộ (khi thang bộ an toàn).

Lưu ý mỗi chung cư, nhà cao tầng đều có kiến trúc khác nhau nên người dân cần phải tìm hiểu kỹ những chỉ dẫn thoát hiểm mỗi khi bước vào tòa nhà. Đây cũng chính là “dây cứu mạng” cho những ai tìm hiểu, nắm vững kiến thức an toàn khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Trẻ nhỏ cũng cần được trang bị kỹ năng về PCCC

Việc trang bị các kỹ năng sống là rất cần thiết, đặc biệt là các kỹ năng khi gặp sự cố như cháy nổ, hỏa hoạn. Để có các kỹ năng này, mọi người có thể xem và học từ Internet hoặc dự các lớp học, tập huấn do các cơ quan, đội Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức.

Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ cũng cần được trang bị các kỹ năng về PCCC để bảo vệ chính mình.

Mọi người cần trang bị các vật dụng cũng như kiến thức cơ bản như bình chữa cháy, lối thoát hiểm cho bản thân... để đảm bảo an toàn PCCC. Đồng thời, mỗi gia đình có thể tự tổ chức giả định phương án chữa cháy và thoát nạn cho gia đình mình để thực tập xử lý khi có cháy nổ xảy ra.

Nếu có cháy xảy ra, điều đầu tiên phải làm là hết sức bình tĩnh để nhanh trí tìm ra phương án tối ưu nhất.

Trường hợp dùng dây thang để trèo xuống đất chỉ an toàn với các tầng thấp, ở tầng cao thì phương án này không khả thi.

Riêng với dân cư xung quanh, khi phát hiện đám cháy phải gọi ngay cho tổng đài 114 để thông báo điểm cháy. Nếu là khu vực có diện tích thoáng, mọi người có thể tập hợp chăn, nệm rải dưới đất để một số người có thể nhảy xuống trong lúc chờ cứu hộ đến...

ThS TIÊU MINH SƠN, giảng viên kỹ năng mềm Trường ĐH Văn Lang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm