Ngay từ cuối giờ chiều ngày 8-11, khi mặt trời đang lặn dần xuống đường chân trời, nhiều người dân Hà Nội đã bắt đầu "săn" nguyệt thực. Hình ảnh trên ghi nhận ở khu vực quảng trường SVĐ Mỹ Đình, một người dân đang dùng máy ảnh quan sát mặt trời dẫn khuất xuống sau những lùm cây. |
Lúc gần gần 19 giờ, hình ảnh nguyệt thực bắt đầu xuất hiện tại khu vực Hòa Lạc, Thạch Thất TP Hà Nội. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết miền Bắc chiều tối 8-11 không mưa, trời quang mây. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí do nghịch nhiệt có thể cản trở tầm nhìn khi quan sát hiện tượng nguyệt thực. |
Nguyệt thực là hiện tượng thiên nhiên xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng hoặc gần thẳng hàng. Lúc này, một phần hoặc toàn bộ Mặt Trăng sẽ không nhận được ánh sáng từ Mặt Trời do bị che khuất bởi Trái Đất. |
Nguyệt thực chỉ có thể xảy ra vào những ngày trăng tròn. Kiểu và chiều dài của nguyệt thực phụ thuộc vào vị trí của Mặt trăng so với các điểm nút quỹ đạo của nó. Trong đó, nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Lúc này, ánh trăng sẽ bị mờ đi và Mặt Trăng sẽ có màu đỏ đồng hoặc cam sẫm. |
Theo anh Phạm Vũ Lộc, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm vũ trụ Việt Nam chia sẻ, mỗi một năm sẽ xảy ra từ 0 – 3 lần nguyệt thực, nhưng không phải chỗ nào trên trái đất cũng quan sát được. Nguyệt thực là một hiện tượng vừa đủ hiếm, kỳ thú để nghiên cứu, nhưng cũng vừa đủ để dễ dàng có thể quan sát bằng mắt thường mà không nhất thiết phải quan sát bằng kính thiên văn. |
Theo anh Lộc, hiện tượng nguyệt thực hôm nay diễn ra từ lúc sau 16 giờ chiều, bắt đầu nguyệt thực toàn phần vào lúc hơn 17 giờ. Tuy nhiên, thời điểm này mặt trăng mới bắt đầu mọc lên từ đường chân trời ở Việt Nam, vì thế chúng ta chỉ có thể quan sát nửa sau của hiện tượng này. |
Hình ảnh một nhóm học sinh tiểu học được người lớn dẫn tới Đài thiên văn Hòa Lạc (Hà Nội) để quan sát hiện tượng nguyệt thực qua thiết bị chuyên dụng. |