Người dân ít mua sắm ở siêu thị vì còn e ngại dịch bệnh

Theo Sở Công Thương TP.HCM, trong tháng 10 hoạt động sản xuất công nghiệp khôi phục tăng trưởng khá so với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tăng 23,6% so với tháng trước. Tuy nhiên sản lượng công nghiệp vẫn chưa trở về bằng mức cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể so với cùng kỳ năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước giảm 43% trong đó các ngành hàng giảm sâu như sản xuất đồ uống giảm 65,7%, sản xuất trang phục giảm 56,7%, sản xuất chế biến thực phẩm giảm 17,1%,...

Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt chia sẻ, sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách điều khiến DN lo lắng là sức mua mặt hàng trứng gia cầm ở kênh siêu thị, chợ truyền thống giảm 20%-40% so với trước dịch.

Không những vậy, một kênh tiêu thụ trứng gia cầm khá mạnh là các công ty sản xuất bánh hay công ty sử dụng trứng làm nguyên liệu chế biến thì những DN này vẫn chưa trở lại hoạt động bình thường.

Đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho biết, số liệu từ Kantar cho thấy trong chín tháng đầu năm 2021 thị phần của chợ truyền thống trong thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã giảm so với cùng kỳ.

Chi tiêu cho FMCG ở kênh này cũng giảm so với năm trước, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách tháng 6,7,8 giảm hơn 20% so với cùng kỳ tại thành thị bốn thành phố chính (Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM) mà chủ yếu là TP.HCM khu vực dịch bùng phát.

Sau khi nới lỏng giãn cách sức mua tại siêu thị chưa bằng sáu tháng đầu năm. ẢNH: K.LINH

Theo đaị diện Kantar, dù xét trong dài hạn thì thị phần chợ truyền thống đã giảm dần từ mấy năm nay do sự phát triển mở rộng của nhiều loại hình bán lẻ hiện đại.

Tuy nhiên chợ truyền thống vẫn đang còn đóng góp vai trò nhất định cho ngành FMCG với thị phần khoảng 9% ở khu vực thành thị bốn thành phố chính năm 2020. Tính đến tháng 9-2021 thị phần chợ truyền thống giảm còn 7%.

“Dự báo là chợ truyền thống sẽ phục hồi trở lại sau khi hết giãn cách và rất có thể vẫn duy trì được vai trò của mình khi có sự phát triển và hỗ trợ của các nền tảng công nghệ mới như GrabMart trước sự cạnh tranh và lớn mạnh của các mô hình bán lẻ mới”, đại diện Kantar chia sẻ.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Kim Thanh, Giám đốc siêu thị Aeon Tân Phú Celadon cho biết, từ ngày 1-10 các siêu thị Aeon tại TP.HCM đã hoạt động trở lại bình thường đồng thời theo quyết định của cơ quan nhà nước từ ngày 28-10, khu vực ăn uống tự chọn được phục vụ và đáp ứng 50% chỗ ngồi.  

Ghi nhận tại Aeon Việt Nam cho thấy lượng khách đến mua sắm không đông và sức mua vẫn chưa bằng so với sáu tháng đầu năm.

Một phần do tâm lý người dân còn lo ngại khi đến nơi đông người để phòng dịch. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng nhiều trong suốt thời gian qua, họ chỉ tập trung mua sắm các sản phẩm thiết yếu.

Theo bà Thanh, thời gian tới Aeon Việt Nam kết hợp với các nhà cung cấp triển khai nhiều chương trình khuyến mãi. Theo đó, siêu thị đã và đang lên kế hoạch cho các dịp Black Friday, Giáng Sinh cũng như Tết, sẵn sàng về nguồn hàng hóa với nhiều ưu đãi hấp dẫn về giá dành cho khách hàng

Song song đó, những tháng cuối năm các siêu thị Aeon dự kiến không tổ chức những sự kiện tập trung đông người, chương trình kích cầu tại điểm bán để hạn chế tập trung nơi công cộng. Thay vào đó siêu thị tập trung vào các ưu đãi về giá cho các hàng hóa nhu yếu phẩm để hỗ trợ và đồng hành cùng người dân.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn hàng, nhân lực và kỳ vọng nếu tình hình dịch tiếp tục được kiểm soát như hiện tại, sức mua của người dân trong những tháng cuối năm và tết Nguyên đán 2022 dần tăng lên, nền kinh tế sẽ từng bước khôi phục” bà Thanh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới