Người dân tái định cư hơn 10 năm ngóng chờ sổ hồng

(PLO)-  Sau 10 năm tái định cư, người dân ở khu định canh định cư Sông Ngân vẫn chưa thể yên tâm vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Người dân tái định cư hơn 10 năm ngóng chờ sổ hồng

Dự án định canh định cư tập trung khu vực Sông Ngân, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, với mức đầu tư khoảng 14 tỉ đồng vào năm 2010.

Năm 2011, các hạng mục điện, đường… được xây dựng để các hộ dân là người đồng bào Vân Kiều đến sinh sống. Sau hơn 10 năm tái định cư tại khu định canh định cư này, người dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng).

Người dân tiên phong đến…

Rời quê hương đến địa điểm định cư Sông Ngân, đến nay các hộ gia đình vẫn chưa có sổ hồng, cuộc sống hết sức khó khăn trong những căn nhà tạm bợ, dột nát do xuống cấp.

Hơn 10 năm đến định canh, định cư tại thôn Sông Ngân nhưng đến nay người dân vẫn chưa có sổ hồng. Ảnh: ND

Hơn 10 năm đến định canh, định cư tại thôn Sông Ngân nhưng đến nay người dân vẫn chưa có sổ hồng. Ảnh: ND

Anh Hồ Văn Thông, trưởng thôn Sông Ngân, xã Linh Trường, cho biết khi được đến đây tái định cư, nhiều người vẫn lo lắng, nhưng trước sự động viên của cơ quan ban ngành, để cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo nên nhiều hộ dân trong đó có gia đình anh đăng ký đi tiên phong.

"Khi tái định cư, chính quyền và các đơn vị có hứa hẹn sẽ cấp sổ hồng. Tuy nhiên hơn 10 năm đến sống ở đây, người dân vẫn chưa có sổ hồng" - anh Thông nói.

Việc không có sổ hồng khiến người dân không có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng để phát triển kinh tế hoặc tách thửa khi con cái dựng vợ gả chồng.

"Nhiều gia đình có đất rừng để trồng cây phát triển kinh tế. Nhưng để làm được thì phải có tiền trong khi người dân ở đây đều có cuộc sống cơ cực, việc tìm nguồn vốn để làm kinh tế là rất khó khăn" - anh Thông nói.

Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn khi đến nơi định cư mới. Ảnh: ND

Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn khi đến nơi định cư mới. Ảnh: ND

Còn anh Hồ Văn Xuân thì lo ngại vì gia đình anh có 4 anh em, khi em anh Xuân lấy vợ thì không thể tách hộ, tách thửa để xây dựng nhà cửa được, vì thế gia đình dựng căn nhà tạm sống qua ngày.

"Sợ thời gian kéo dài thì càng khó khăn trong việc làm sổ hồng, tách thửa, nên hàng ngày người dân cứ ngóng chờ được chính quyền địa phương cấp sổ để an tâm định cư" - anh Xuân nói.

…Rồi lặng lẽ rời đi

Ngày đến khu tái định cư thôn Sông Ngân, mỗi hộ dân được cấp 400m2 đất ở, đất vườn và 3 hecta đất rừng. Với mong chuyển đến nơi mới, mọi thứ sẽ khởi sắc hơn. Thế nhưng đến nay, cuộc sống của người dân vẫn thiếu thốn đủ đường khiến nhiều hộ rời bỏ khu tái định cư về quê hoặc đến nơi khác sinh sống.

"Người dân ở đây chủ yếu làm nghề bốc vác tràm thuê, hết mùa tràm thì ai kêu việc gì thì làm việc đó, đủ sống qua ngày. Việc ở khu tái định cư không khiến cuộc sống của người dân khấm khá hơn khiến nhiều người rời đi, để lại những căn nhà làm trang trại hoặc bỏ hoang" – anh Xuân nói.

Nhiều người dân phải bỏ khu định cư để trở về nơi ở cũ. Ảnh: ND

Nhiều người dân phải bỏ khu định cư để trở về nơi ở cũ. Ảnh: ND

Trao đổi với phóng viên PLO, ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, cho biết dự án trước đây tỉnh quản lý, lúc thực hiện dự án không biết có cấp sổ hồng cho dân hay không. Đến nay, người dân phản ánh chưa có sổ hồng thì chính quyền địa phương có trách nhiệm phải làm sổ hồng cho người dân.

"Tuy nhiên, người dân ở đây vốn rất khó khăn nên rất khó có kinh phí trong việc đo đạc, cấp sổ hồng. Chính vì vậy UBND huyện sẽ xin ý kiến của Ban thường vụ Huyện ủy, thường trực HĐND huyện để trích từ ngân sách của huyện làm sổ hồng cho người dân sau này" - ông Hóa nói.

Hơn 10 năm sinh sống trên mảnh đất tái định cư, người dân thôn Sông Ngân mong sớm được cấp sổ hồng để ổn định cuộc sống, có thêm niềm tin vào những đợt di dân tái định cư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm