Người dân vùng biên giới Gia Lai đánh xe công nông đi xin nước sạch

(PLO)- Hàng trăm hộ dân xã biên giới Ia Nan (huyện Đức Cơ, Gia Lai) thiếu nước sạch sinh hoạt, phải đi xin nước từng bữa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng trăm hộ dân tại xã biên giới Ia Nan (huyện Đức Cơ, Gia Lai) đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Để có nước dùng, nhiều hộ dân phải đi nhiều nơi xin nước, tận dụng nước giọt (khe nước) và phải mua nước bình dùng.

Lái xe công nông đi xin nước

Ông Hoàng Văn Ga, Trưởng thôn Đức Hưng (xã Ia Na), cho biết mùa này dân thiếu nước trầm trọng lắm, hơn tháng nay người dân phải lo đi xin nước từng bữa. Toàn thôn có hơn 200 hộ, phần lớn đang bị thiếu thiếu nước sạch sinh hoạt.

“Do thiếu nước, các loại máy giặt, nhà vệ sinh… dùng tới nước sạch đều phải ngừng hẳn. Còn nước sạch được bà con nơi đây chắc chiu, tận dùng để nấu ăn, tắm rửa” - ông Ga nói.

Thiếu Nước sạch dan lái xe công nông đi xin nước
Người dân làng Sơn, xã Ia Nan ra giọt nước lấy từng can nước về dùng. Ảnh: TS

Theo ông Ga, để có nước dùng, người dân phải lái xe công nông đi xa 3-4 km để xin nước về dùng. Nhiều hộ không có điều kiện thì mua 1.000 lít giá 150.000 đồng. Riêng nước uống, nấu ăn thì phải đi quán mua nước bình về dùng rất tốn kém.

Trong thôn có hai công trình giếng nước khoan nhưng đến nay khô cạn, nước ra nhỏ giọt không đủ dùng. Bà con cũng đào giếng nhưng gặp phải đá, không có nước. Có nơi thì nước bị nhiễm phèn, nước đỏ ngầu, tưới cây còn nhuộm cả màu lên lá nên người dân không dám dùng.

Còn ông Nguyễn Văn Xưởng (thôn Đức Hưng), cho biết bà con trong thôn góp 20 triệu đồng để khắc phục giếng khoan nhưng lượng nước hút lên không bao nhiêu, bị vàng đục. Người lớn dùng tắm còn được, trẻ con trong thôn không dám dùng vì da nổi mẩn ngứa.

Tại làng Sơn, anh Rơ Châm Thi, cho biết từ đầu mùa khô, trong làng cũng xảy ra thiếu nước sạch nhưng 100% bà con trong làng là người Jrai tự đi lấy nước giọt (khe suối, đập nước tự nhiên) về dùng nên bị ảnh hưởng không nhiều.

Trước đây, về mùa khô bà con làng Sơn thiếu nước rất nhiều. Từ năm 2023, làng được đơn vị thiện nguyện ở TP.HCM ra hỗ trợ giếng khoan nên bà con vẫn thay nhau, có nước dùng tạm. Khi hết nước thì bà con phải đi gùi nước về dùng.

Hỗ trợ dân chống khát

Ông Siu Uôi, Phó chủ tịch UBND xã Ia Nan, cho biết trong xã chỉ có hai thôn Đức Hưng và làng Sơn bị thiếu nước, tổng có khoảng 400 hộ dân bị ảnh hưởng. Để khắc phục nước sạch cho người dân, xã cũng thông báo người dân đến trụ sở lấy nước về dùng tạm.

Năm 2023, Công ty TNHH MTV 72 (đơn vị trồng cao su trên địa bàn, thuộc Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng), có hỗ trợ xe bồn cấp nước sinh hoạt miễn phí cho bà con. Xã cũng đang đề nghị đơn vị tiếp tục hỗ trợ dân trong mùa khô này.

Theo ông Uôi, giải pháp tình thế là đào ao sâu dùng chứa nước và bơm lên cho người dân dùng. Nhưng do đang vướng khu vực đất bà con chưa thống nhất hiến đất nên chưa triển khai. Về đào giếng thì bất khả thi do đất có đá ngầm và đất sỏi khiến nước không đảm bảo.

Dân biên giới Ia Nan Khát Nước
UBND huyện Đức Cơ cho biết, Quỹ Thiện Tâm đã khảo sát và hứa sẽ tài trợ công trình nước sạch cho người dân. Ảnh: TS.

Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Phận, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, cho biết mùa khô khô năm nay một số địa phương trên địa bàn xảy ra hạn cục bộ, nặng nhất là xã Ia Nan. Huyện đã kiểm tra thực tế tình hình để có giải pháp hỗ trợ người dân.

Theo đó, huyện đã gửi thư ngỏ tới Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) nhằm kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư một nhà máy xử lý nước sạch, phục vụ nhu cầu của người dân tại thôn Đức Hưng và làng Sơn, xã Ia Nan.

Cụ thể, khu vực này gần 2.000 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Mặc dù, địa phương đã có nhiều giải pháp khắc phục, nhưng vẫn không triệt để. Lâu nay, do địa phương còn nhiều khó khăn, kinh phí không đảm bảo nên không thể hoàn thiện công trình nước sạch được.

Theo ông Phận, để đảm bảo nguồn nước cho người dân, cần có một công trình nước sạch đảm bảo khu vực chứa và xử lý nước, vào vào hệ thống cấp nước sạch cung cấp cho dân. Dự kiến, nhà tài trợ sẽ hỗ trợ 4 tỉ đồng, còn địa phương đối ứng 500 triệu đồng.

“Bước đầu, Quỹ Thiện Tâm đã tổ chức đoàn đi khảo sát và có hứa hẹn sẽ đồng ý xây dựng nhà máy xử lý nước sạch. Hiện, địa phương đang đợi ý kiến chính thức từ Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup” - ông Phận nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm