Những ngày này gặp Nguyễn Đức khá dễ bởi anh đang nghỉ dưỡng bệnh ở nhà do hậu quả của căn bệnh thận bị ứ nước khởi phát đột ngột cách đây hai tuần. Bình thường anh luôn tất bật với công việc hành chính ở BV Từ Dũ và việc làm thêm là giới thiệu cuộc sống, con người Việt Nam với các du khách Nhật Bản.
Nguyễn Đức cho biết anh khá bất ngờ khi được một người bạn gửi cho đường link thông tin đăng tải trên một tờ báo tiếng Nhật rằng anh được chứng nhận là giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Quốc tế Hiroshima (Nhật Bản). Buổi lễ nhận việc vẫn được trường ĐH tổ chức bình thường dù nhân vật chính vắng mặt.
Anh Đức và vợ bắt tay với Nhật hoàng Akihito trong chuyến sang thăm Việt Nam của Nhật hoàng. Ảnh: NVCC
“Lẽ ra tôi có chuyến đi sang Nhật từ ngày 25 đến 28-3 để nhận việc nhưng do bệnh, tôi đành phải ở nhà. Người Nhật là vậy, họ rất tôn trọng kế hoạch đã đề ra. Dù không có mặt tôi, họ vẫn theo kế hoạch mà làm. Mọi thứ cho chuyến đi tôi cũng đã chuẩn bị xong, vé máy bay đã đặt sẵn hết rồi. Thực tình mà nói tôi cảm thấy áy náy dù sự cố là ngoài ý muốn” - Nguyễn Đức bày tỏ.
Anh Đức chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng rất đắn đo và lo lắng khi nhận lời mời, sợ quá sức mình nhưng qua trao đổi kỹ với trường, tôi thấy công việc nằm trong tầm tay của mình và coi đây là một bước ngoặt, trải nghiệm mới cho mình trong cuộc sống”.
Anh Đức kể nằm trong ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản (2016-2021), anh đã có dịp đến thăm TP Hiroshima vào tháng 10- 2016: “Đứng trước nơi tưởng niệm nạn nhân đã mất vì bom nguyên tử là bảo tàng Hiroshima, tôi như chết lặng trước những khoảnh khắc đau thương, mất mát của người dân nơi đây. Tôi đã chia sẻ với mọi người ở đây về xã hội, văn hóa, con người Việt Nam, kể cả hậu quả của chất độc da cam và tôi là một trong số những nạn nhân. Nhiều người đã khóc, đã giải thoát được tâm tư sau buổi nói chuyện. Cá nhân tôi rất vinh hạnh, cảm động vì được mọi người chia sẻ, tán đồng”. Sau Tết, anh nhận được email từ phía trường mời thỉnh giảng.
“Tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe để có thể sang Nhật hoàn thành tốt công việc. Chủ đề giảng dạy của tôi sẽ là cung cấp cái nhìn về người khuyết tật, nghị lực trong cuộc sống, mong muốn hòa bình đến khắp thế giới, giúp cho giới trẻ suy nghĩ thoáng hơn, tốt hơn, trở thành người có ích trong xã hội” - Nguyễn Đức nói thêm.
Việt-Đức chào đời ngày 25-2- 1981 tại Sa Thầy (Kon Tum) với hình hài khác thường khi bị dính nhau phần bụng, chậu, bộ phận sinh dục, có hai chân và một chân cụt. Năm 1988, hai anh em trải qua ca mổ tách rời đi vào lịch sử Guiness, do BS Trần Đông A làm trưởng kíp mổ và sự hỗ trợ của phía Nhật Bản. Sau ca mổ, Việt sống đời thực vật 19 năm sau đó và qua đời năm 2007, còn Đức trưởng thành, lấy vợ và làm việc tại BV Từ Dũ. Để tỏ lòng biết ơn, Nguyễn Đức đã đặt tên hai con là Phú Sĩ và Anh Đào.