Một nguồn tin từ Bộ GTVT ngày 14-2 cho biết dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông dự kiến chính thức vận hành từ tháng 4-2019 sau khi kết thúc chạy thử vào cuối quý I-2019.
Theo đó, trước khi khai thác thương mại, dự án phải có kết quả đánh giá an toàn của đơn vị đăng kiểm là Cục Đăng kiểm Việt Nam và đơn vị đánh giá độc lập đến từ Pháp. Giai đoạn đầu có thể thí điểm cho người dân sử dụng nhưng chưa thu phí.
Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông chỉ còn khoảng 4% khối lượng thi công liên quan tới một số hạng mục thô như đường dẫn, lối lên nhà ga, các hạng mục tiếp nhận khách tại nhà ga...
Liên quan đến hệ thống giao thông tiếp cận, Sở GTVT TP Hà Nội cho biết năng lực thiết kế của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 144 chuyến/ngày với 960 hành khách/chuyến. Như vậy, có khoảng 160.000-180.000 hành khách/ngày, gấp 10 lần tuyến xe buýt nhanh BRT nên Hà Nội đã lên phương án giải tỏa nhanh lượng hành khách xuống tại các nhà ga và tiếp cận nhà ga.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đang dần hoàn thiện để chính thức vận hành. Ảnh: VIẾT LONG
Cụ thể, Hà Nội đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ tiếp cận các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị trong khoảng cách 100-500 m dọc theo tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông. Bên cạnh đó, cải thiện trạm dừng xe buýt tới gần các ga đường sắt, hành lang cho việc lưu thông xe buýt, nhà chờ… Đặc biệt, bố trí tám bãi gửi xe cho các phương tiện cá nhân của hành khách đi tàu dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị.
Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, Sở GTVT TP Hà Nội, cho biết thêm trên hành lang tuyến đường sắt sẽ có hơn 30 tuyến xe buýt, trong đó các tuyến đầu cuối được tăng cường lượng xe.
Bên cạnh đó, Sở GTVT TP Hà Nội đã chuẩn bị kế hoạch liên quan tới công tác tích hợp các phương tiện công cộng với tuyến đường sắt đô thị. “Có thể khẳng định rằng để vận hành tốt tuyến đường sắt đô thị một cách hiệu quả, phương tiện xe buýt đóng một vai trò quan trọng, điển hình như việc thu hút và giải tỏa hành khách xuống từ các nhà ga. Việc vận hành tốt các tuyến xe buýt cũng là cơ hội giúp tăng số lượng hành khách tham gia tuyến đường sắt đô thị…” - ông Hải khẳng định.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu, do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo. Mỗi đoàn tàu có bốn toa xe với tổng chiều dài 79 m, trong đó toa đầu dài 20 m, toa giữa dài 19,5 m. Tốc độ thiết kế tối đa của đoàn tàu là 80 km/giờ, tốc độ khai thác trung bình lớn hơn hoặc bằng 35 km/giờ, sức chở khoảng 960 người, tối đa 1.326 người. Dự kiến khi đi vào khai thác ở giai đoạn đầu tần suất chạy tàu 5-6 phút/chuyến, về sau sẽ nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách.
Trước đó, ngày 20-9-2018, các đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông tiến hành vận hành thử. Theo dự kiến sẽ khai thác thương mại vào Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Tuy nhiên, do gặp một số vướng mắc, đến nay dự án vẫn chưa thể vận hành chính thức.
Dự án có chiều dài 13 km với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Sau khi dự án hoàn thành, Bộ GTVT sẽ chuyển giao cho TP Hà Nội để khai thác thương mại. |