Người hùng và người tình trong truyện Kim Dung

Trên văn đàn tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa hiện đại, Kim Dung là một trong những tác giả đứng đầu. Dĩ nhiên người đọc thuộc nhiều nhóm xã hội với trình độ văn hóa, nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính... khác nhau ưa thích tác phẩm của ông từ những khía cạnh khác nhau. Nhưng nhìn chung phần đông đều bị lôi cuốn bởi các nhân vật trong đó, tìm thấy ở họ những nét phù hợp với tâm tư và khát vọng của mình.

Trên đường hướng này, có thể tìm hiểu các nhân vật người hùng và người tình trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

Bậc anh hùng thường dân

Nói chung, nhân vật người hùng trong tiểu thuyết võ hiệp phải có võ công cao cường hay trí tuệ trác việt. Người hùng thì không được thất bại, mà nếu thất bại cũng không được tầm thường, nên võ công và trí tuệ hơn đời phải là phẩm chất tất yếu của họ. Nhưng theo tiêu chuẩn này thì Quách Tĩnh trong Xạ điêu anh hùng truyện lại không phải là một người hùng trọn vẹn: Y rất ngu ngốc trong chuyện học võ, trong ứng xử và đôi khi trong cả tình yêu.

Tuy nhiên, tính cách và số phận nhân vật Quách Tĩnh của Kim Dung lại bàng bạc màu sắc triết học “pháp tự nhiên” (học theo tự nhiên) của Đạo gia. Theo đó, con người giữ được chân tính, không tham cầu quá phận, không trí xảo, ít mưu mô là con người lý tưởng. Hoàng Dược Sư văn võ kiêm toàn, Hoàng Dung tâm tư tinh tế, Thành Cát Tư Hãn hùng tâm cái thế, Âu Dương Phong cơ trí hơn người... nhưng so ra đều không bằng Quách Tĩnh chính vì lý do này.

Chính Kim Dung cũng viết “Bậc anh hùng mà Xạ điêu anh hùng truyện đề cao là người thường dân Quách Tĩnh chất phác, trọng hậu chứ không phải là Thành Cát Tư Hãn tiêu diệt nhiều quốc gia”. Sự chất phác ấy đã ít nhiều giúp Quách Tĩnh tránh được những bi kịch nội tâm ở Kiều Phong hay Trương Vô Kỵ.

Nhà văn  Kim Dung.  Ảnh: Internet

“Làm người chỉ cần không thẹn với lòng”

Những người hùng cũng phải hoạt động trong một hệ thống thiết chế, tổ chức và quan hệ xã hội, phải chịu sự chế định của hệ thống này ít nhất là ở mức độ tương ứng với sự thừa nhận mà nó dành cho họ. Nhưng chính nghĩa giang hồ cũng sản sinh và dung dưỡng những kẻ đạo đức giả như Nhạc Bất Quần, nên nhiều người hùng của Kim Dung phải đối đầu với cả những bất công của chính nghĩa.

Cho nên đạo nghĩa không phải là giá trị cao nhất mà Kim Dung khẳng định. Sau khi được Trương Tam Phong khuyên “Làm người chỉ cần không thẹn với lòng”, Trương Vô Kỵ đã từ bỏ chức Giáo chủ Minh giáo để tự do tới với Triệu Minh: Một động cơ hành động quan trọng của các nhân vật trong tác phẩm Kim Dung là tình cảm. Điều này có liên hệ với một chân lý không phải lúc nào cũng được người ta ghi nhớ, đó là những ai có tình cảm chân thành và lương tri lành mạnh mới có thể có đạo đức theo nghĩa đích thực của từ này. Chính từ đây, có thể nhìn qua các nhân vật người tình trong tác phẩm Kim Dung.

Nhân vật Tiêu Phong (còn gọi là Kiều Phong, do diễn viên Hồ Quân đóng) trong phim chuyển thể từ truyện Thiên Long Bát bộ của Kim Dung. Ảnh: Internet

Nhân vật Tiểu Long Nữ (do diễn viên Lý Nhược Đồng đóng) trong phim chuyển thể từ truyện Thần Điêu đại hiệp của Kim Dung. Ảnh: Internet

Người tình hoàn chỉnh người hùng

Dễ thấy rằng hầu hết những người tình trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung cũng sống theo tinh thần và phong cách người hùng.

Nỗi yêu thương nhớ tiếc bạn đời không nguôi của Kiều Phong với A Châu và Hoàng Dược Sư với vợ, sự phấn đấu bảo vệ tình yêu trong mối tình của Hoàng Dung với Quách Tĩnh, Doanh Doanh với Lệnh Hồ Xung hay Triệu Minh với Trương Vô Kỵ có nhiều nét đẹp. Nhưng lòng chung thủy trước sau như một trong tình cảm của Mục Niệm Từ với Dương Khang và Nhạc Linh San với Lâm Bình Chi, thậm chí những tình cảm vô vọng của Du Thản Chi với A Tỷ hay của A Tỷ với Kiều Phong, của Quách Tường với Dương Quá, của Nghi Lâm với Lệnh Hồ Xung cũng nhiều khi khiến người ta phải ngỡ ngàng, xúc động.

Có thể nói nhiều nhân vật người tình của Kim Dung chính là những người hùng trong lãnh vực tình cảm, và vì tình yêu vốn vẫn tự do hơn tài năng và đạo đức nên trong nhiều trường hợp họ còn mạnh mẽ hơn cả những người hùng. Hành xử theo lý lẽ của trái tim, nhiều khi họ phải vượt khỏi chính mình để chống lại sự ràng buộc của thứ đạo nghĩa tầm thường với các tín điều công cộng.

Trong cuộc đời ai không làm được những điều mình muốn thì phải làm những điều mình không muốn, và người tình Trương Vô Kỵ đã vượt xa người hùng Trương Vô Kỵ trên phương diện tự do làm chủ số phận của bản thân.

Chính vì vậy mà trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung nhân vật người tình là hệ thống ấn chứng đồng thời góp phần hoàn chỉnh nhân vật người hùng về tâm lý cũng như phẩm chất.

Đây cũng là lý do khiến nhiều người thích Triệu Minh hơn Tiểu Long Nữ hay thấy Quách Tĩnh không bằng Kiều Phong…

“Thế gian là cuộc luân hồi tài hoa”

Nhà văn Kim Dung vừa qua đời, nhiều người đọc của ông trên thế giới, trong đó có Việt Nam, thương tiếc mà không bi ai, vì tuy không nói ra nhưng họ hiểu “Bay tuyết liền trời bắn hươu trắng, Cười sách thần hiệp dựa uyên xanh” của ông là một giá trị vượt thời gian.

Nhưng trong số người đọc ấy còn có một loại có phần đặc biệt hơn - những người dịch. Một trong những người dịch Kim Dung ở Việt Nam sau tháng 4-1975 là nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh có lối tưởng niệm của mình. Ông tự cho rằng mình là người mang ơn Kim Dung vì đã dịch sách của nhà văn này để sống (năm 1999-2000 ông Cao Tự Thanh có dịch hai bộ truyện của Kim Dung là Xạ điêu anh hùng truyện và Lộc Đỉnh ký). Ông cũng có lối nhìn của một người nghiên cứu về tác phẩm của Kim Dung qua bài Người hùng và người tình trong truyện Kim Dung mà Pháp Luật TP.HCM giới thiệu bên cạnh.

Bài thơ ngắn của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh dưới đây cho thấy cái nhìn của một người nghiên cứu về Kim Dung “Thế gian là cuộc luân hồi tài hoa” bên cạnh cách nói của một dịch giả về một thông điệp của Kim Dung “Tình là chi, hỏi cõi người” (Vấn thế gian, tình thị hà vật…).

Tiễn

Đao quang kiếm khí tan rồi,     
thế gian là cuộc luân hồi tài hoa.

Đêm dài trăng sáng người xa,                         
bể dâu đạo nghĩa phong ba giang hồ.

Hào tình máu lệ thà khô,            
không minh chủ chẳng cơ đồ thì thôi.

Tình là chi, hỏi cõi người,          
mà đem sống chết một đời trao nhau?

31-10-2018

CAO TỰ THANH 

Vài nét về nhà văn Kim Dung

Tiểu thuyết gia Kim Dung vừa qua đời ở tuổi 94 tại BV Hong Kong vào tối 30-10, sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật.

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc) trong một gia tộc khoa bảng với ông cố là nhà thơ nổi tiếng, còn ông nội là tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô. Kim Dung nổi tiếng với 15 tiểu thuyết võ hiệp lừng danh như Anh hùng xạ điêu, Ỷ Thiên Đồ Long ký, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên Long Bát bộ...

Ông được bạn đọc bình chọn là tác giả tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc nhất thế kỷ 20 và được mệnh danh là “Võ lâm minh chủ” về sách kiếm hiệp. Ông cũng là người sáng lập tờ Minh Báo nổi tiếng tại Hong Kong.

Ông nằm trong số những nhà văn Trung Quốc có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Sách của ông đã được in hơn 300 triệu bản và được bán khắp nơi trên thế giới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm