Theo Công ty chứng khoán KBSV, từ đầu năm cho đến cuối tháng 4, tỉ giá liên ngân hàng USD/VND đã tăng hơn 4%.
Mức tăng này đang khiến nhiều doanh nghiệp vay nợ đầu tư bằng ngoại tệ hoặc nhập khẩu phải chịu rất nhiều sức ép về lỗ tỉ giá, trả lãi nhiều hơn. Từ đó, chi phí sản xuất tăng lên, giảm hiệu quả lợi nhuận.
Sức ép mạnh từ biến động tỉ giá
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, các doanh nghiệp dệt may phải đối diện với nhiều thách thức trong năm 2024. Trong đó có đơn hàng chưa ổn định, áp lực giảm giá bán lan rộng trong toàn chuỗi cung ứng do cầu dệt may chưa cải thiện rõ rệt, hàng tồn kho tuy đã giảm so với năm trước nhưng vẫn cao hơn trước thời điểm dịch.
Hàng dệt may Việt còn gặp khó khi cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn là nhiều doanh nghiệp dệt may còn bị lỗ tỉ giá khi đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ do tỉ giá tăng từ đầu năm đến nay.
Tương tự, một ông lớn trong ngành thép là Hòa Phát vừa báo cáo lỗ tỉ giá lên đến 182 tỉ đồng trong quý I-2024. Trong khi cùng kỳ, Hòa Phát báo lãi tỉ giá là 70 tỉ đồng.
Việc lỗ tỉ giá của đại gia này là do tỉ trọng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung cấp nước ngoài, lên đến 70%. Giá trị nhập khẩu lớn hơn giá trị xuất khẩu khiến tỉ giá ảnh hưởng khá lớn đến chi phí sản xuất.
Một ví dụ khác là Công ty REE lỗ chênh lệch tỉ giá lên đến 10 tỉ đồng trong quý I-2024, trong khi cùng kỳ mức lỗ tỉ giá chỉ là 5 tỉ đồng. Nguyên nhân tỉ giá liên tục tăng từ đầu năm dẫn đến đơn vị đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
Với tỉ giá hiện nay, VietNam Airlines vừa được lợi nhưng vẫn chịu lỗ. Báo cáo tài chính quý I-2024, hãng bay này lãi tỉ giá là 125 tỉ đồng nhưng cũng chịu khoản lỗ chênh lệch tỉ giá rất lớn, lên đến con số gần 772 tỉ đồng.
Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Agrex Saigon-một đơn vị xuất khẩu dimsum sang thị trường Nhật, cảm nhận rõ ràng tác động của sự tăng giảm tỉ giá. Giá trị đồng Yên giảm so với tiền đồng khiến hàng hóa xuất sang Nhật đắt đỏ. Giá đắt, người tiêu dùng Nhật sẽ hạn chế mua, từ đó tác động đến đơn hàng thông qua giảm sản lượng xuất khẩu từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi khi tỉ giá có xu hướng tăng và ngược lại. Đó là nói riêng về tỉ giá USD/VND, còn tùy vào các thị trường xuất nhập khẩu mà mỗi doanh nghiệp sẽ phải đối phó với bài toán tỉ giá khác nhau.
Chẳng hạn thị trường Nhật và các thị trường mà đồng nội tệ có xu hướng giảm mạnh với đồng USD trong khi tiền đồng đang được neo tương đối tốt với USD thì sẽ gặp khó khăn cho xuất khẩu bởi giá cả hàng hóa Việt Nam sẽ có xu hướng tăng giá. Thế nhưng, việc nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường này vào Việt Nam sẽ sôi động hơn bởi hàng hóa sẽ trở nên rẻ hơn rất nhiều so với bình thường.
Ứng phó với tình hình
Để giải quyết bài toán khó của tỉ giá, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát cho biết đã yêu cầu các đơn vị thành viên khi mua bán hay dự kiến cần mua ngoại tệ thì phải trao đổi với trưởng nhóm tỉ giá và cập nhật giá thị trường.
Tiếp đó, với đặc thù tỉ trọng nguyên vật liệu nhập khẩu cao, trong bối cảnh tỉ giá có nhiều biến động, công ty cần thực hiện quản trị tốt hàng tồn kho, giảm thiểu lượng dự trữ nguyên vật liệu trong những thời điểm tỉ giá tăng cao, giúp làm giảm áp lực của tỉ giá lên vốn lưu động.
Ngoài ra, công ty cũng thường xuyên thu thập thông tin, nhận định, dự báo thị trường, xây dựng các hạn mức và công cụ phòng ngừa tỉ giá với các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, ban lãnh đạo Công ty REE kiểm soát áp lực tỉ giá thông qua tinh gọn quy trình kinh doanh, thực hiện các biện pháp kiểm soát chi phí nghiêm ngặt và tối ưu hóa quản lý dòng tiền trên toàn bộ hoạt động. Điều này mang lại khoản tiết kiệm chi phí đáng kể và cải thiện tính linh hoạt về tài chính.
Khi tỉ giá tăng nhanh trong quý I-2024, ban lãnh đạo Masan cho biết nhờ sử dụng hoán đổi lãi suất kết hợp với giao dịch hối đoái kỳ hạn nên áp lực tỉ giá không tác động trọng yếu đến lợi nhuận công ty.
Các doanh nghiệp nên đưa ra các kịch bản ứng phó về tỉ giá để tránh những biến động ngoài mong đợi có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên phân tích kỹ lưỡng các tình huống tỉ giá khác nhau, từ ít biến động đến cực kỳ biến động và phát triển các chiến lược ứng phó cho từng kịch bản.
PGS.TS Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam
Theo PGS.TS Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam, doanh nghiệp cần xác định các điểm giao dịch quan trọng. Tại đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện những biện pháp điều chỉnh chiến lược. Chẳng hạn như đảm bảo nguồn cung ngoại tệ hoặc chuyển đổi các khoản vay sang ngoại tệ có lợi hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phòng ngừa rủi ro tỉ giá bằng việc mua các hợp đồng kỳ hạn hay hợp đồng về quyền chọn mua bán tỉ giá trong tương lai. Hợp đồng kỳ hạn cho phép doanh nghiệp “khóa” một tỉ giá cố định cho giao dịch tương lai, giúp họ bảo vệ khỏi sự biến động không lợi của tỉ giá.
Hợp đồng quyền chọn cung cấp cho doanh nghiệp quyền (nhưng không phải là nghĩa vụ) để mua hoặc bán ngoại tệ với một tỉ giá xác định trong tương lai. Điều này giúp cho họ có thể tận dụng lợi thế từ những biến động tỉ giá thuận lợi mà không bị mất mát nếu tỉ giá diễn biến không như mong đợi.
“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, việc chuẩn bị và ứng phó linh hoạt với những biến động tỉ giá là chìa khóa để doanh nghiệp không chỉ bảo vệ mình khỏi rủi ro mà còn tận dụng được các cơ hội mới.
Chi phí phòng ngừa rủi ro có thể là đáng kể nhưng so với rủi ro và tổn thất tiềm ẩn do biến động tỉ giá gây ra thì đây là khoản đầu tư cần thiết và thông minh” – PGS.TS Phạm Công Hiệp nhận định.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital đánh giá những tháng đầu năm 2024, tiền đồng suy giảm bởi một số các yếu tố.
Trong đó bao gồm đồng đô la Mỹ bất ngờ tăng giá mạnh gần 5% so với đầu năm do lạm phát và tăng trưởng kinh tế nóng hơn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ cắt giảm lãi suất của Mỹ năm 2024, củng cố giá trị đồng đô la Mỹ.
Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đang nỗ lực cân bằng giữa ổn định tỉ giá và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự ổn định của tỉ giá hối đoái sẽ khuyến khích đầu tư FDI, từ đó hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế lâu dài của Việt Nam.