Theo TS Nguyễn Đức Thành (Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế VERP), Trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp, hiện các hộ nông dân – nhóm chính sản xuất ra gạo – lại là nhóm được hưởng lợi ít nhất từ gạo. Nguyên nhân do các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, phải bán tới 93% lúa tươi tại ruộng cho thương lái, bị thương lái ép giá, phụ thuộc vào các đại lý cung ứng đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), không có khả năng mặc cả trên thị trường…
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chính sách tập trung cho xuất khẩu gạo hiện nay có nhiều bất cập trong việc chú trọng đến sản lượng mà không tập trung cho chất lượng. Phần lớn gạo xuất khẩu của VN tập trung ở loại sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp. Việc sản xuất lúa gạo lại đang nhận được nhiều hỗ trợ ban đầu (thủy lợi, thuế…), tức việc trợ giá của nhà nước cho sản xuất gạo khá lớn, vô hình chung dẫn tới càng xuất khẩu nhiều gạo chất lượng thấp, thì càng thiệt thòi.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng chuỗi sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện có vấn đề ở khâu đầu vào và đầu ra. Trong đó đầu vào tập trung vào thị trường cung ứng phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật ít có sự cạnh tranh lành mạnh… còn đầu ra thì chỉ có 1 số ít các doanh nghiệp nhà nước chi phối việc xuất khẩu gạo. Họ được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước, trong khi đó, các hộ nông dân, người sản xuất ra hạt gạo lại được hưởng lợi ít nhất, chịu rủi ro nhiều nhất…
Các chuyên gia cũng đề nghị để nâng cao tính cạnh tranh của ngành lúa gạo, giúp người nông dân được hưởng lợi xứng đáng với thành quả họ tạo ra cần: khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn; tập trung cho khâu chế biến, xay xát để nâng cao giá trị hạt gạo; Tập trung cho thị trường trong nước băng cách bãi bỏ thuế VAT với tiêu thụ gạo trong nước để tạo công bằng giữa DN phân phối gạo trong nước và DN xuất khẩu; Phát triển cơ chế tài chính vi mô và bảo hiểm phù hợp cho các hộ nông dân…