Sáng 14-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, với 452/452 đại biểu tán thành.
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Kết quả biểu quyết sáng nay, 14-6.
Theo đó, có ý kiến đề nghị làm rõ sự tương thích giữa khoản 1 Điều 5 với Điều 2 của Công ước số 98. Về vấn đề này, UBTVQH, cho biết khoản 1 Điều 5 Luật Công đoàn năm 2012 quy định “Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn”, quy định này không mâu thuẫn với quy định tại Điều 2 Công ước số 98.
”Công ước số 98 không hạn chế quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động bao gồm cả người lao động là người quản lý doanh nghiệp. Công ước số 98 quy định chỉ cấm người sử dụng lao động can thiệp vào hoạt động của công đoàn, cụ thể là đưa người của mình vào chi phối, kiểm soát hoạt động của công đoàn...”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.
Với ý kiến về khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn về tài chính công đoàn, trong đó có quy định kinh phí công đoàn do doanh nghiệp, tổ chức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cho phù hợp với Công ước số 98. UBTVQH cho rằng việc sửa đổi Luật Công đoàn 2012 là cần thiết nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Lao động (sửa đổi) và để thực hiện các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do.
“Đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu ý kiến này khi tiến hành xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)”, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Có ý kiến cho rằng việc thương lượng tập thể các cấp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có cơ chế cho người lao động tham gia thương lượng tập thể. UBTVQH cho rằng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ sửa đổi, bổ sung quy định nhằm nâng cao vai trò tham gia của người lao động trong thương lượng tập thể, bảo đảm người lao động là người có tiếng nói quyết định trong suốt quá trình thương lượng tập thể.