ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị phải nghiên cứu cấu trúc lại quỹ công đoàn. Hiện nay 2% kinh phí công đoàn là người sử dụng đóng cho tổ chức công đoàn. Bây giờ có nhiều tổ chức của người lao động thì không thể là quỹ công đoàn được. “Tôi đề nghị phải thành lập một quỹ lao động hay quỹ xây dựng quan hệ lao động. Trong sự quản lý quỹ này cần vai trò của Nhà nước, tổ chức công đoàn và tổ chức của giới sử dụng lao động. Từ đó ba bên sẽ bàn bạc với nhau xây dựng chương trình thực hiện quỹ một cách tốt nhất. Cho nên không thể giữ (gọi) là quỹ công đoàn mà phải là quỹ lao động trên sự tham gia của cả ba bên…” - ông Lộc nói.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng nội dung này không đề cập đến việc can thiệp, vì can thiệp ở đây là xung quanh mối quan hệ giữa tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp với giới chủ, không liên quan đến 2%.
“2% kinh phí này hiện nay chúng ta thu theo cơ chế thu về cả hệ thống, sau đó hệ thống mới chuyển nên nó không trực tiếp. Nó phản ánh rằng giới chủ đóng cho tổ chức công đoàn kinh phí để chịu sự can thiệp nên tôi nghĩ nội dung này hoàn toàn yên tâm khi chúng ta tham gia công ước…” - ông Hiểu nhấn mạnh.
Công ước số 98 đã được hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua năm 1949, tính đến nay đã có 165 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia. Công ước số 98 có ba nội dung cơ bản gồm: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.